Chờ đợi cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên...
(Dân trí) - Hôm nay, 19/8, tên những nhà toán học được trao giải thưởng danh giá Fields sẽ được công bố tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tại Hyderabad, Ấn Độ. Việt Nam đang chờ đợi cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên...
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, nếu GS Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) vinh danh nhận giải thưởng này thì Việt Nam không chỉ nằm trong Top 10-15 Olympic Toán phổ thông quốc tế mà còn nằm trong Top 11-12 nước của thế giới được nhận Giải thưởng Fields.
Trao đổi với phóng viên, trước khi lên đường sang Ấn Độ dự Đại hội Toán học, GS Ngô Bảo Châu khiêm tốn cho biết: “Các đại hội Toán học thế giới từ trước đến nay, đa số nhà khoa học dưới 40 tuổi được mời báo cáo toàn thể ở Đại hội đều được trao Giải thưởng Fields tại Đại hội đó. Lần này chỉ có hai nhà khoa học, tôi và một người Brazil, dưới 40 tuổi được báo cáo tại phiên toàn thể.
Tôi có báo cáo tổng thể tại đại hội tổng hợp từ hơn 10 báo cáo. Ngoài ra, đại hội còn các báo cáo chuyên ngành. Mỗi ngành có 5 - 7 báo cáo. Đây là những báo cáo rất tốt đánh dấu sự phát triển của mỗi ngành như hình học, đại số... Mỗi người được mời báo cáo tại đại hội, họ rất hãnh diện và làm báo cáo rất tốt, thường các báo cáo từ 10 - 20 trang và nói rất sát chất lượng của từng ngành toán học trong thời gian vừa qua. Qua báo cáo này mọi người nắm rất rõ về sự phát triển toán học.
Trường hợp riêng quan trọng nhất lại cũng chính do Bảo Châu cùng thầy hướng dẫn luận án Tiến sĩ của mình là GS. Gerard Laumon chứng minh vào năm 2004. “Chỉ với” kết quả riêng đó, năm 2004 hai nhà toán học này đã được trao một trong những giải thưởng danh giá trong Toán học: Giải thưởng Clay.
Tuy nhiên, để chứng minh trọn vẹn Bổ đề cơ bản thì nhiều người nghĩ rằng phải cần một thời gian dài nữa. Nhưng với Ngô Bảo Châu thì không! Sau công trình đạt Giải thưởng Clay, anh đã mạnh dạn theo đuổi con đường của mình và đã tìm ra chìa khóa để giải nó.
Năm 22 tuổi, khi đó đang du học bên Pháp tại trường đại học danh giá nhất nước Pháp, Ngô Bảo Châu đã “bập” ngay vào đề tài nghiên cứu khó nhất. Đó là là một phần của Chương trình Langlands. Như vậy, mặc dù còn rất trẻ (năm nay GS Ngô Bảo Châu 38 tuổi), nhưng anh đã có 15 năm nghiên cứu vấn đề này. Bằng tài năng xuất chúng của mình, trong thời gian học tập, nghiên cứu, và làm việc cật lực, Ngô Bảo Châu đã đưa ra nhiều ý tưởng mới độc đáo. Anh liên tục làm cho thế giới Toán học ngạc nhiên.
Đỉnh điểm là đầu năm 2008, GS. Châu công bố một chứng minh hoàn chỉnh cho bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie. Lúc đầu công trình “chỉ khoảng” 150 trang. Sau khi lược bỏ bớt những điều không phục vụ trực tiếp cho chứng minh Bổ đề cơ bản và diễn giải chi tiết hơn, công trình dài thành 188 trang! Dù ý tưởng chứng minh rất rành rọt, các nhà Toán học đầu đàn phải mất hơn 1 năm để kiểm chứng các chi tiết của nó!
Đây là một kỳ tích vĩ đại của nền toán học thế giới - GS. Lê Tuấn Hoa khẳng định và không ai nghi ngờ điều đó. Ngay giới Toán học Việt Nam cũng được hân hạnh biết điều này từ hơn một năm trước, khi GS Châu báo cáo tóm lược ý tưởng của công trình này tại Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ 7 tại Quy Nhơn vào tháng 8 năm 2008. Cho nên việc anh được tôn vinh không có gì bất ngờ.
Giờ đây, chúng ta hồi hộp mong chờ giây phút GS. Ngô Bảo Châu được trao giải Field vào ngày mai 19/8, như thế, đây sẽ đánh dấu sự kiện lịch sử trong nền Toán học, không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới.
Hồng Hạnh