"Chiến thuật" lấy điểm bài thi Tiếng Anh và tổ hợp môn Khoa học xã hội

Mỹ Hà

(Dân trí) - Môn Tiếng Anh, thí sinh nắm chắc cấu trúc đề, ôn kĩ dạng câu hỏi giống đề minh họa. Với môn KHXH, thí sinh có thể phân tích và xử lý nhanh, không nhất thiết phải làm theo trình tự câu hỏi.

Chiến thuật làm bài thi tiếng Anh

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Giáo viên môn Tiếng Anh tại Hà Nội, những năm gần đây, đề thi giữ nguyên cấu trúc, dạng bài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ôn thi của các em. Thí sinh hãy nắm chắc cấu trúc đề, ôn thật kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề giống với đề minh họa của Bộ giáo dục, và chú ý độ khó của từng dạng bài.

Ví dụ: Dạng bài trọng âm, phát âm, các câu hỏi hoàn thành câu thuộc dạng bài ngữ pháp, câu hỏi chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, sửa lỗi sai… đa phần các câu hỏi đều ở dạng nhận biết- thông hiểu, các câu hỏi khó hơn và mang tính phân loại học sinh nằm ở câu hỏi từ vựng nâng cao, cụm từ, thành ngữ và các câu hỏi mang tính suy luận của dạng bài đọc hiểu, đọc điền.

Chiến thuật lấy điểm bài thi Tiếng Anh và tổ hợp môn Khoa học xã hội - 1

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Giáo viên môn Tiếng Anh tại Hà Nội (Ảnh: H.M).

Dạng bài đọc hiểu và đọc điền vốn là 2 dạng bài gây khó khăn nhất cho các em học sinh thi môn Tiếng Anh, lời khuyên của cô là hãy làm thật chính xác và hiệu quả về mặt thời gian cho những dạng bài còn lại trước, từ đó mình có thêm nhiều thời gian hơn cho 2 dạng bài này.

Với các bạn học sinh đặt mục tiêu 8 điểm, các em chỉ được phép "không chắc chắn" trong tầm 10 câu. Ở mức điểm này các bạn cần nắm thật vững các chuyên đề ngữ pháp, làm thành thục và tuyệt đối chính xác những câu hỏi này, tránh các lỗi sai đáng tiếc.

Ở những dạng bài nâng cao về từ vựng, cố gắng hoàn thành tốt dạng bài đoán nghĩa ở bài đồng nghĩa, trái nghĩa. Phần từ vựng khó như các câu hỏi về thành ngữ, cụm từ, ngữ động từ, từ vựng nâng cao… cố gắng chọn phương án tốt nhất theo đánh giá và năng lực của bản thân. Bài đọc điền, đọc hiểu hãy giải quyết chính xác những câu hỏi về ngữ pháp hay các câu hỏi về thông tin chi tiết, đại từ thay thế, từ vựng, đúng sai.

Với các bạn đạt mục tiêu điểm 9,10, các em chỉ được phép "không chắc chắn" không quá 5 câu hỏi. Để đạt được mức điểm này cần làm tuyệt đối chính xác các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi vận dụng cao rơi vào câu về từ vựng nâng cao, câu hỏi suy luận và câu hỏi chủ đề của đọc hiểu.

Thầy giáo Phạm Trọng Hiếu - Giáo viên môn Tiếng Anh hệ thống giáo dục HocMai cũng khuyên thí sinh nên tập trung vào các kiến thức cơ bản để xử lý các câu dễ trước, như phần trọng âm, phát âm.

Các phần ngữ pháp trọng tâm cần nắm vững như đảo ngữ, câu giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, trực tiếp gián tiếp, các liên từ đẳng lập chính phụ, nhân quả. Cần ôn kỹ các thì, các loại câu (câu bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp/gián tiếp, …).

Đối với các câu trắc nghiệm từ vựng hoặc đồng nghĩa trái nghĩa, khi gặp từ mới, không nên hoang mang mà cần dựa vào bối cảnh chung của câu để suy đoán ý nghĩa của từ cần chọn.

Đối với dạng bài đọc hiểu, nên tập trung xử lý các câu chứa tên riêng, viết hoa, con số,... do dễ "định vị" được đoạn thông tin trong bài đọc để trả lời câu hỏi.

Chiến thuật lấy điểm bài thi Tiếng Anh và tổ hợp môn Khoa học xã hội - 2

Đối với môn KHXH, thí sinh có thể phân tích và xử lý nhanh, không nhất thiết phải làm theo trình tự câu hỏi (Ảnh: T.L).

Môn Tổ hợp Xã hội: Vẽ sơ đồ tư duy hoặc bảng biểu

Cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh - tổ KHXH Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho hay, đối với tổ hợp KHXH, các em cần lưu ý một số điểm sau: Phân tích và xử lý nhanh, không nhất thiết phải làm theo trình tự câu hỏi. Câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau. Những câu dễ phải làm nhanh và chắc.

Đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm "từ khóa", có thể lấy bút chì khoanh tròn "từ khóa" để giải quyết câu hỏi nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm kiến thức.

Nếu không nhớ chính xác có thể sử dụng phương pháp loại trừ. Nếu đến cuối giờ vẫn không tìm được đáp án cần chọn cách "phỏng đoán" dựa trên cơ sở kiến thức hoặc kinh nghiệm, cố gắng không đoán mò.

Kinh nghiệm làm bài từng môn:

Đối với môn Lịch sử, cố gắng xâu chuỗi sự kiện, tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện để trả lời những câu hỏi thuộc vùng kiến thức mình không chắc chắn.

Cô Trần Vân Anh, giáo viên Lịch Sử tại Hà Nội cho biết, đề có 4 cấp độ câu hỏi: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Nếu mong muốn 7 - 8 điểm, các em nên tập trung vào kiến thức trọng tâm và hiểu kiến thức đó trong bài.

Để đạt được điểm cao hơn, cần liên hệ, kết nối giữa các phần kiến thức khác nhau trong bài và liên hệ kiến thức liên quan đến đời sống thực.

Tuy nhiên cần, làm chắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, tận dụng thời gian hợp lý.

Ví dụ: Với 40 câu trong 60 phút thì vòng 1 đọc tất cả các câu và khoanh các câu chắc đúng, tốc độ 1 phút 40 câu, câu nào không chắc chắn thì đánh dấu để sang câu tiếp theo.

Vòng 2 chỉ làm các câu đánh dấu, phân tích kỹ hơn, nếu chưa làm được, dùng phương pháp loại trừ để loại bớt phương án nhiễu.

Vòng 3, chỉ còn các câu khó, không chắc chắn, trường hợp chỉ còn 5 phút hết giờ thì chọn một trong số các phương án đang phân vân.

Đối với Địa lí, khai thác triệt để Atlat Địa lí Việt Nam: Giành điểm ở những câu sử dụng Atlat trước, và sử dụng Atlat cho cả những câu hỏi lí thuyết khác mà mình không nhớ chắc chắn kiến thức. Lưu ý khi sử dụng Atlat phải đọc kĩ chú giải để phân biệt các kí hiệu (ví dụ như trang 15, khái niệm quy mô dân số và phân cấp đô thị rất nhiều học sinh nhầm lẫn)

Đối với GDCD, ưu tiên những khái niệm có trong sách giáo khoa (nếu các phương án trả lời tương tự như nhau, nên chọn đáp án là một khái niệm/thuật ngữ đã bắt gặp trong sách giáo khoa). Đối với những câu vận dụng cao, nên đọc xem đề hỏi tìm người vi phạm quyền gì trước, sau đó mới đọc ngược lên phần dẫn để tìm "chứng cứ" vi phạm của các nhân vật sau.

Cuối cùng, phải giữ tâm lí thật bình tĩnh, tự tin, không nên tự tạo áp lực cho mình để ảnh hưởng đến bài làm. Sau khi làm bài xong nếu còn thời gian nên soát lại cho chắc chắn.

Chiến thuật lấy điểm bài thi Tiếng Anh và tổ hợp môn Khoa học xã hội - 3

Thầy giáo Trần Văn Năng - Giáo viên môn GDCD - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: H.M).

Thầy giáo Trần Văn Năng - Giáo viên môn GDCD - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, đây là cứu cánh cho các môn khác khi xét tốt nghiệp. Vì vậy, để đạt điểm cao đối với môn học này thì các em lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất ôn thi bám sát đề tham khảo của Bộ GD- ĐT.

Thứ hai là ôn tất cả các bài trong đề thi tham khảo nhưng tập trung vào các bài có nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện trong đề thi như bài 2, 4, 6, 7, 8 lớp 12.

Thứ 3 là bình tĩnh khi làm bài, phân bổ thời gian hợp lí, câu dễ làm trước, câu khó làm sau; Gạch chân các từ khóa; Đọc đi đọc lại các câu hỏi và phân tích kĩ các câu hỏi vận dụng cao; phải làm hết tất cả câu hỏi trong đề thi; Câu nào khó quá thì dùng phương pháp loại trừ để đi đến đáp án đúng nhất có thể.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm