Chiếc phong bì và tấm thiệp mừng Tết thầy

(Dân trí) - Trong những ngày nghỉ Tết, cô học trò tẩn mẩn ngồi vẽ những tấm thiệp để tặng thầy cô. Một bà mẹ trong lúc Tết nhất bận rộn vẫn cứ lấn cấn năm nay mừng cô giáo của con bao nhiêu mới “an lòng”.

1. Mấy ngày cuối năm, chị hàng xóm cạnh nhà tôi cho dù tất bật chuẩn bị Tết nhất mà vẫn cứ canh cánh trong lòng chuyện đi cô thầy của con. Gặp ai chị cũng tranh thủ dò hỏi đi Tết thầy cô bao nhiêu. Câu trả lời chị nhận được phần lớn là đi bì thư kèm với chút quà "ngụy trang". Còn đi bao nhiêu thì tùy tình hình.

Mùng Hai Tết, vợ chồng chị lên đường đi Tết thầy cô cho cậu con trai học lớp 7 Trường THCS H.T.T, TPHCM và bé gái 5 tuổi học mầm non. Cậu con đòi cùng đi chúc Tết cô, bà mẹ dí tay vào trán con không giấu diếm nỗi bực với những chiếc phong thư trên tay: “Đừng có lèo bèo, mỗi cô một triệu đồng, ngốn của mẹ tháng lương rồi đấy!”.

Cần gieo vào trẻ những tình cảm tốt đẹp về tình thầy trò (Trong ảnh: Cô giáo Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TPHCM trò chuyện cùng học sinh trong ngày đầu tiên đến trường sau Tết 2015)
Cần gieo vào trẻ những tình cảm tốt đẹp về tình thầy trò (Trong ảnh: Cô giáo Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TPHCM trò chuyện cùng học sinh trong ngày đầu tiên đến trường sau Tết 2015)

Xin không bàn đến giá trị đồng tiền ở trong bao thư mà điều quan trọng hơn là chiếc bì thư mang “gương mặt” gượng ép của người mẹ và sự công khai với con trẻ.

Có thể người mẹ vô tình nhưng bà đã tự bêu riếu mình trước mặt con trẻ cũng như đang tự tay hại con. Chị đặt con vào vị thế “cô giáo đã nhận tiền nhà mình” biến em thành một kênh “giám sát”. Từ đó có thể cho em niềm tin mình sẽ được cô giáo ưu ái em? Nếu em nhận được sự "quan tâm" từ thầy cô như mong muốn của bố mẹ thì đó là nguồn cơn của sự ỉ lại, dựa dẫm. Điều này dẫn đến lối sống phụ thuộc - chính là độc dược hủy diệt nội lực và cố gắng của con người nhanh nhất.

Về lâu dài, em sẽ mất niềm tin ở bản thân, mất niềm tin vào những người có mối quan hệ thân thiết nhất của mình: bố mẹ và thầy cô. Đứa trẻ sẽ lớn lên cùng chủ nghĩa vật chất, được tập tành làm quen với tư duy mua chuộc, chạy chọt.

2. Từ khi con nghỉ học đón Tết, ông bố đã nhắc cô con gái bậc tiểu học chuẩn bị quà, bố sẽ chở con đến nhà thầy cô chúc mừng Tết. Cô bé vùng vằng phản đối nói rằng bố mẹ phải chuẩn bị quà cho mình.

Ông bố cười: “Cô giáo là cô của, con đâu phải cô của bố mẹ. Bố mẹ làm sao biết cô con có sở thích gì? Nếu con không có quà gì biếu các cô cũng không sao, mình chỉ cần đến chúc Tết các cô là được”.

Cô con gái có chút thất vọng nhưng sau đó, em dành nhiều thời gian trong ngày nghỉ để làm một việc hết sức ý nghĩa: tự mình vẽ thiệp để tặng thầy cô.

Trong những lần nói chuyện chuyên đề với các phụ huynh, Giáo sư Vũ Gia Hiền chia sẻ, Tết thầy cô mùng 3 hàng năm đang ngày bị xem nhẹ. Trong khi đây là một cơ hội hết sức quý giá để gieo vào nhân cách và tâm hồn con những điều tốt đẹp. Hiện nay, bố mẹ thường làm thay con việc tặng quà cho thầy cô mà bỏ qua việc giáo dục con nét đẹp tôn sư trọng đạo. Tình thầy trò là một bước đệm đẹp giúp trẻ vào đời.

Và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bố mẹ là người tác động lớn nhất và có trách nhiệm hàng đầu đối với nhân cách của đứa trẻ.

Chiếc phong thư cùng thái độ “mua chuộc” của phụ huynh và một tấm thiệp tự tay con trẻ vẽ nên, người thầy sẽ cảm nhận được ý nghĩa của từng món quà. Đồng tiền có thể giúp người ta mỉm cười nhưng chưa chắc đã làm họ thân thiện.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)