Chia sẻ của cô học trò "cá biệt" trở thành học sinh khá giỏi

Từ một học sinh cá biệt, đua đòi, đánh nhau với anh chị lớp lớn, Trần Hồng Yến đã vượt qua vươn lên như thế nào để tốt nghiệp với tấm bằng khá giỏi?

Tiền Phong đăng bức thư của Yến (học sinh khóa 2006 - 2009, trường THPT Đinh Tiên Hoàng gửi cô giáo chủ nhiệm Tạ Thị Bích Vân khi đang du học ở Mỹ (University – thành phố SanDiego, tiểu bang California) để cùng cảm nhận về con đường mà cô học trò chưa ngoan đã đi qua.


Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng trong lễ tri ân

Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng trong lễ tri ân

Con chào cô,

Con có lời xin lỗi vì trả lời thư cô có chút muộn. Thấy cô khoẻ mạnh là con vui rồi. Bệnh lười thì nó không chừa ai cô ạ :P, nhưng việc nhận ra và sớm tìm thấy cách chữa trị bệnh lại còn tuỳ thuộc vào từng người.

Có lần con tới chùa và xin được câu này mà con càng ngẫm càng thấy giá trị của nó:

"Illness of the body can be cured by the doctor, sickness of the mind can be cured by yourself."

Thời gian trôi nhanh thật, mới vậy mà đã gần 5 năm rồi. Chắc cô và các cô giáo bộ môn vẫn còn thắc mắc sự thay đổi từ một cô học sinh nghịch ngợm trở nên ham học và rồi cuối cùng tốt nghiệp với tấm bằng khá giỏi. Con xin dành mấy dòng này gửi gắm tâm sự của con mà ít người biết đến. Con cũng hy vọng câu chuyện của con sẽ nhắc nhở được số ít các em học sinh đã và đang ở trường hợp của con ngày đó.

Con vẫn còn nhớ giây phút khi con được nhận vào trường. Sau những nỗi thất vọng chán chường vì điểm thi tốt nghiệp cấp 2 quá thấp so với nguyện vọng vào trường giỏi, được trường nhận vào học con thấy như vớ được cái phao giữa biển rộng, trước mắt con thở phào nhẹ nhõm. Ở tuổi ấy, nếu không được đi học thì chỉ có ở nhà hoặc đi làm và như thế thật lòng con nghĩ sẽ chẳng có hy vọng gì ở tương lai cả.

Nhưng rồi đi đến đâu, bạn bè và người thân hỏi con học trường nào, con nói Dân Lập Đinh Tiên Hoàng; sau đó ai cũng nhìn con với ánh mắt bất ngờ, rồi nhíu mày nói "Cái trường Đêm Kinh Hoàng á? Cái trường ăn chơi, đánh nhau, học dốt, mất dậy á?". Con im lặng và nghĩ "giải thích làm gì khi nhìn lại bản thân, chắc mình cũng học dốt nên mới không đỗ vào trường giỏi".

Suốt năm lớp 10, con bỏ bê học hành, đua đòi quần áo, xe máy, đánh nhau với các anh chị lớp lớn, và tụ tập chơi với các bạn hư. Bị bố mẹ cấm đoán, con càng muốn làm, vì thế con đã trốn đi chơi với bạn. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, để đến lúc nhận ra cái gì nhận được và cái gì đã mất đi.

Con đã làm mất lòng tin của bố mẹ và cô, mất đi cơ hội để được học hành, mất tiền mất sức vì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Bị bạn bỏ rơi ở nhà trọ khi trong người hết sạch tiền cùng với số tiền nợ vài triệu đồng. Đến nửa đêm, con ngậm ngùi mượn điện thoại và gọi về nhà, và mẹ con đã lái xe từ đầu thành phố tới cuối thành phố để đón con. Không hề quát mắng, mẹ con lặng lẽ vào trả tiền; nhìn gương mặt gầy sạm đi vì lo lắng đi kiếm con mấy ngày trời, mẹ chỉ hỏi "có đói không con? đi ăn phở nhé?".

Lúc đó, trong lòng đau nhói nhận ra rằng con đã sai, rất nhiều. Mấy ngày sau, bố con có gọi con ngồi xuống và nói: "Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, nếu con muốn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi đó, bố sẽ cho con 1 số tiền và con hãy tự sống nốt cuộc đời con bằng số tiền ấy ở bên ngoài. Nếu không muốn, thì từ bây giờ phải thay đổi, bố sẽ cố gắng làm thêm giờ để kiếm tiền để thưởng cho sự thay đổi của con, là một chuyến đi du học."

Bắt đầu từ đó, vì phần thưởng, vì lòng thương yêu và tin tưởng của gia đình, con đã thay đổi. Con nghe giảng, làm bài tập, đọc thêm sách, và cuối cùng thành quả cũng nhìn thấy rõ, nhưng đó chỉ là về kiến thức.

Cùng thời gian đó, thầy hiệu trưởng mở thêm các tiết học giá trị sống. Sau những câu chuyện cô kể, con đều lặng người và ngẫm nghĩ, và con nhớ nhất là câu chuyện cái đinh. Cô đã dùng những tiết giá trị sống để dạy cho con cách xử sự nói riêng và cách làm người nói chung.

Con thấu hiểu ra được: Cái gì cũng có giá trị của nó (từ con người, tình cảm, vật chất, kiến thức, đồng tiền, lời nói và rộng lớn hơn là cuộc sống); nếu sở hữu cái gì mà không biết giá trị của nó thì đồng nghĩa là cái đó vô giá trị. Nếu sống mà không biết được giá trị thì suốt đời sẽ đặt dấu hỏi, sống để làm gì?

Con nghĩ rằng, chẳng ai sinh ra là dốt nát, chẳng ai đi học mà không muốn là học sinh ngoan trò giỏi, hay là được đi chơi cùng bạn bè, cũng như là thành công trong đời; nhưng sự khác biệt của mỗi người là cách nhìn và chấp nhận chữ "thành công" đó. Với con, thành công là khi học ở trường nhiều tai tiếng mà vẫn có thể lên lớp loại khá giỏi, là được các bạn và thầy cô quý mến, là được bố mẹ tin tưởng, và quan trọng nhất là được học cách làm người.

Trong cuộc sống, con tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó và trong cái rủi lại có cái may. Trường lớp nào, thầy cô giáo nào cũng đều giỏi. Con nghĩ giỏi ở đây không phải là bằng cấp giỏi, mà là cách dạy từ những học sinh không ngoan, không muốn học trở thành những con người có tâm, biết sống sao cho đúng, và ham học; đó mới là giáo viên và trường lớp giỏi.

Con thật sự may mắn vì đã được học ở trường, được cô làm chủ nhiệm, cùng với biết bao tình cảm gắn bó với các bạn trong lớp. Bạn bè trong lớp ai cũng có hoàn cảnh khác nhau, khi con nhìn ra được giá trị của tình bạn, mỗi câu chuyện đều dạy con một điều rằng, con còn may mắn hơn nhiều người. Những điều này không phải chỉ khiến con trở thành một học sinh giỏi và năng động, mà còn khiến con trở thành một người biết lắng nghe và cảm thông với cuộc sống xung quanh con.

Được may mắn đi du học Mỹ, sang đến đây con học được rất nhiều. Con thấy học sinh ở Mỹ ai cũng tự do (tự do ngôn ngữ, tự do chọn bạn, tự do học và làm việc theo ý thích), nhưng không vì thế mà các bạn trở nên hư; bởi vì ngay từ nhỏ, ai cũng đều phải học các lớp Humanities tức là học làm người.

Con thật tự hào vì là học sinh của cô và được học những tiết học giá trị sống trong khi các bạn con chưa từng được biết lớp giá trị sống là gì.

Từ ấy đến nay, con đi đâu, làm gì, quen ai, và học lớp nào; con cũng tự suy nghĩ giá trị của nó. Những chuyến đi dạy con kiến thức văn hoá; làm từ thiện giúp con nhìn thấy những còn có những người thiếu may mắn hơn con mà họ vẫn kiên trì sống; bạn bè giúp con đỡ buồn những lúc con xa nhà; mỗi lớp học đều dạy cho con thêm kiến thức mới. Con chỉ tiếc rằng, tại sao đến lớp 11 con mới thay đổi; trong khi cuộc sống lại chẳng chờ đợi một ai.

Con hy vọng các em trong khi còn đang được may mắn ngồi trên ghế nhà trường hãy sớm trưởng thành và nhận ra giá trị của những gì mình đang còn sở hữu, chứ đừng đợi đến khi không còn sở hữu nữa mới tiếc nuối về giá trị của nó. Những lớp giá trị sống sẽ có lợi nếu các em thật sự hiểu và ngẫm về bản thân mình.

Con chúc các cô các thầy mạnh khoẻ. Con chúc trường ngày càng vững mạnh và luôn là cái nôi đánh thức và rèn nắn những học sinh cá biệt thành người có tài.

Con, Yến!

Theo Nghiêm Huê

Tiền phong