"Chìa khóa" giành học bổng thạc sĩ Harvard danh tiếng của cô gái Việt
(Dân trí) - Từng là thủ khoa đầu vào chuyên Anh THPT Hà Nội -Amsterdam, xuất sắc giành học bổng toàn phần tại ĐH Smith (Hoa Kỳ), Cao Phương Hà có 4 năm làm việc tại Mỹ trước khi chinh phục học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) danh giá tại Harvard Business School.
Xuất hiện tại Hội thảo “You Can Do It” do tổ chức phi lợi nhuận USGuide tổ chức tại Hà Nội ngày 25/6 vừa qua, cô gái 8X Việt đã tiết lộ bí quyết xây dựng bộ hồ sơ xin học bổng ấn tượng bằng chính trải nghiệm chinh phục thành công chương trình MBA của trường Harvard Business School (Trường Kinh doanh Harvard).
Phương Hà từng làm tư vấn tài chính tại World Bank, The Brattle Group. Đi làm được 4 năm, chị quyết định học tiếp lên cao và chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh - MBA là sự lựa chọn thực tế, phù hợp nhất với chị lúc này. Khác với các bằng thạc sĩ khác, MBA đa số đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc một vài năm.
Theo học chương trình MBA (Master of Business Administration - Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) danh tiếng trường Harvard nói riêng và tại Mỹ nói chung là giấc mơ của rất nhiều người. Phương Hà nộp hồ sơ vào Harvard Business School và trúng tuyển.
Muốn tìm người có hoài bão thay đổi cộng đồng…
Theo chị Phương Hà, bộ hồ sơ nộp vào chương trình MBA cần điểm GMAT, điểm GPA đại học, công việc, thành tựu của ứng viên sau khi tốt nghiệp, bài luận, phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh.
Phương Hà tự nhận mình không phải là người thông minh, các điểm số cũng không hề cao (Điểm GMAT khoảng 600 điểm, GPA đại học đạt 3,7/ 4).
Điểm số quan trọng nhưng không phải tất cả là bật mí đầu tiên của cô gái Việt học MBA tại Harvard. Bất ngờ hơn, chị Hà cho biết có người còn trúng tuyển MBA Harvard chỉ với điểm GMAT là 500.
"Trường đương nhiên nhìn vào các điểm số của bạn để biết được rằng bạn có đủ khả năng học về học thuật hay không. Miễn bạn đạt mức sàn thì người ta sẽ không quá chú tâm vào các con số nữa, lúc đó cái họ quan tâm nhất là con người của bạn”.
Các trường Đại học hàng đầu, xếp hạng càng cao càng muốn thu hút con người mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội. Chẳng hạn ĐH Harvard rất coi trọng ở ứng viên kỹ năng lãnh đạo.
"Hội đồng tuyển sinh sẽ chủ yếu nhìn vào con người bạn. Do đó, điều quan trọng tiếp theo là bài luận. Bài luận sẽ kể câu chuyện bạn là ai, đến từ đâu, có hoài bão thế nào, tại sao muốn học chương trình MBA của Harvard và khi đã học xong bạn sẽ cống hiến được gì cho xã hội….”, Phương Hà chia sẻ.
Vốn là cô gái nhiều hoài bão và năng động, 8X Việt đã thực hiện mong muốn cống hiến cho cộng đồng những năm tháng bắt đầu trở thành du học sinh Mỹ. Vì thấy cô gái trẻ hoạt bát, năng nổ tham gia hoạt động cộng đồng nên ĐSQ Việt Nam tại Mỹ đã mời Phương Hà làm MC chương trình Thủ tướng sang thăm Mỹ.
“Những câu chuyện đó giúp nhà trường mường tượng ra mình là ai, mình làm được gì cho cộng đồng và nhận mình vào Harvard”, chị nói.
Thêm nữa, theo cô gái Việt các bạn đi làm 2-5 năm trước khi vào MBA cũng cần chú ý xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp.
“Mình có quan hệ tốt với đồng nghiệp của mình và có đồng nghiệp từng học Harvard, họ cũng đã ngồi xuống trao đổi và viết giúp mình lời giới thiệu”…
Tựu chung lại, chị Phương Hà nhấn mạnh: “Harvard là nơi muốn đào tạo con người thay đổi cộng đồng, họ nhìn thấy trong bộ hồ sơ của mình hình bóng của một con người như vậy. Họ tiếp nhận và đào tạo mình có lẽ đơn giản vì thế”.
Tìm đường “hậu MBA”
Sau khi hoàn thành chương trình MBA tại Harvard Business School, việc tìm kiếm và xác định con đường sự nghiệp sau MBA với chị Phương Hà là hành trình nhiều trải nghiệm và không hề đơn giản.
Theo cô gái 8X, nhiều người sau khi học xong MBA thường làm tư vấn tài chính hoặc vào các ngân hàng, các quỹ đầu tư vì đây là những ngành nghề khá “hot”, thu nhập lại cao hơn các nghề khác và bản thân chị cũng từng đi theo một lối mòn như vậy.
Phương Hà chọn trở về Việt Nam lập nghiệp sau khi hoàn thành bằng MBA.
Đến khi trở về Việt Nam, chị cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi môi trường làm việc khác biệt cùng mặt bằng lương thấp. Và câu hỏi “với mức lương như vậy mình về Việt Nam để làm gì, bởi nếu vì tiền, mình đã quay lại Mỹ, qua Singapore hay Hong Kong” khiến chị băn khoăn, quyết tâm đi tìm kiếm cái bản thân thực sự muốn làm và gắn bó.
Khi còn ở Harvard, chị Cao Phương Hà từng mong muốn giúp trẻ em học tiếng Anh và giúp mọi người phát triển khả năng lãnh đạo, nhưng khi về nước, chị không đi thẳng vào việc giáo dục mà lại đi vòng qua truyền thông, nhân sự…
Sau khi rời các vị trí nhân sự cấp cao, hai tháng trải nghiệm ở Ấn Độ chính là một khoảng lặng giúp chị nhận ra rằng cái mình muốn làm là giáo dục và cuối cùng, chị trở thành Giám đốc điều hành của một tổ chức giáo dục, định hướng du học.
“Tôi nghĩ 80% các bạn học Harvard ra biết mình muốn làm gì nhưng các yếu tố như danh vọng, xu thế, tiện dụng có thể khiến các bạn chưa làm được cái mình muốn”, Phương Hà chia sẻ.
Theo chị Phương Hà, với tấm bằng MBA của Harvard trong tay, việc xác định mình sẽ làm gì và phát triển nghề nghiệp “hậu MBA” rất quan trọng nhưng không hề dễ dàng.
Và lúc này bên cạnh sự lý trí cũng rất cần tiếng gọi của trái tim để biết mình muốn gì, làm gì, gắn bó với con đường nào. Khi con đường đó hướng tới sự phát triển của cộng đồng thì đó cũng chính là tinh thần mà ĐH Harvard hướng tới khi tìm kiếm ứng viên cho học bổng MBA.
Lệ Thu (ghi)