Từ vùng núi Hương Sơn, cô gái 19 tuổi đến Mỹ bằng học bổng 6 tỷ đồng
(Dân trí) - Từng từ bỏ ước mơ du học vì khó khăn tài chính nhưng nghị lực đã giúp Đặng Thúy Quỳnh (sinh năm 1997) quyết tâm vượt qua rào cản lớn nhất và xuất sắc giành học bổng toàn phần của đại học Mỹ.
Bảo lưu ĐH Ngoại thương, hành động để không nuối tiếc
Sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Quỳnh biết đến nước Mỹ qua các chương trình âm nhạc, phim ảnh trên tivi. Sau này, yêu thích tiếng Anh và theo học trường THPT chuyên Hà Tĩnh nên em luôn ấp ủ ước mơ một ngày được đặt chân đến “miền đất hứa” – trải nghiệm một cuộc sống em chỉ biết qua báo đài, tivi.
Đạt giải Nhất HSG Quốc gia môn Tiếng Anh năm lớp 12, cô gái Hà Tĩnh được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương. Đắn đo rất nhiều nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên Quỳnh đành gác ước mơ du học sang một bên.
Nhập học vào trường Ngoại thương được 3 tháng, Quỳnh nhận tin nhiều bạn bè giành học bổng du học nên rất buồn vì bản thân chưa thử sức mà đã bỏ cuộc. Không thể ngồi yên, em hứa với bố mẹ sẽ cố gắng xin được học bổng cao để gia đình không phải vất vả và quyết định bảo lưu việc học ở trường để tập trung vào việc làm hồ sơ du học.
Cấp 2, Quỳnh đã tham gia hoạt động thiện nguyện trong chương trình “Vì tiếng cười trẻ thơ” cho các trẻ em mồ côi tại làng trẻ em SOS Hà Tĩnh, chương trình “Nối” - trao quà cho các cụ già tại bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh.
Khi trở thành sinh viên ĐH Ngoại thương, Quỳnh là thành viên năng nổ trong ban Truyền thông Kỹ thuật – CLB Truyền thông YMC phụ trách việc thiết kế các ấn phẩm, truyền thông và tổ chức các sự kiện của CLB.
Cũng từ đó, Quỳnh bắt đầu thích thiết kế và đây cũng là một ngành học mà em muốn học sau này. Tuy nhiên hoạt động đáng nhớ nhất với Quỳnh lại là chuyến xuyên Việt với các bạn trẻ đam mê xê dịch.
Thời gian gap year, Quỳnh tích cực chuẩn bị hồ sơ, điểm tiếng Anh, điểm chuẩn hóa. Em không tham gia nhiều hoạt động xã hội mà để theo đuổi những sở thích mang tính cá nhân như đi phượt, trải nghiệm, học vẽ, chụp ảnh.
Quỳnh cho biết, thực sự đó là một quá trình tìm hiểu và khám phá chính bản thân, giúp em biết mình là ai, mình muốn trở thành người như thế nào. Và điều đó giúp ích rất nhiều cho bài luận du học của nữ sinh Hà Tĩnh.
Ký ức ở vùng núi tuổi thơ vào bài luận
Bài luận du học Mỹ được gọi là Personal statement, viết về những trải nghiệm của bản thân, hoặc những người xung quanh mình nhưng theo Quỳnh quan trọng nhất là thể hiện cái tôi của mình một cách thật nhất.
Cô gái 9X chọn viết về tuổi thơ của em ở vùng núi của Hà Tĩnh. Hồi đó em sống với mẹ và ông ngoại ở một ngôi làng ở gần vùng núi Hương Sơn. Bố mẹ em dạy học ở một trường cấp 3 ngay gần nhà. Cô bé vùng núi ngày nhỏ có một sở trường khá buồn cười là “nói lái” rất nhanh tất cả mọi thứ em nghe thấy.
“Mọi người lúc đó nhắc đến em là nghĩ ngay đến nói lái. Em đã dùng nói lái để bắt đầu cho câu chuyện kể về tuổi thơ của mình với cuộc sống ở vùng núi, bốn bề là cây cỏ hoa lá xanh tươi, không khí trong lành”, Quỳnh kể.
Khi Quỳnh 5 tuổi vì bố chuyển công tác nên cả gia đình cũng xuống thị xã sinh sống. Em dần quên hết những kỉ niệm hồi còn ở quê, cũng không còn nói lái nữa. Cuộc sống ở thành phố bận rộn náo nhiệt, lớn lên thì lo học hành nên những ký ức tuổi thơ dần phủ bụi.
Rồi một lúc nào đó, bất chợt nhớ và hồi tưởng lại tuổi thơ ở vùng núi nghèo, cô gái Hà Tĩnh mới nhận ra là khoảng thời gian đó em đã được trải nghiệm những thứ rất tuyệt vời mà lớn rồi không còn cơ hội làm nữa.
“Em nhận ra những giá trị mà hồi bé mình có được khi sống ở một ngôi làng nhỏ vùng núi, khi sống giữa thiên nhiên vẫn chưa mất đi mà đơn giản là bị những gánh nặng của việc trưởng thành che khuất đi. Và lúc mà em tìm lại được những giá trị đó thì em biết mình đã sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu phía trước, sẵn sàng làm những điều em thích và sống cuộc sống mà em muốn”, Thúy Quỳnh chia sẻ.
Cô gái ở vùng núi của Hà Tĩnh ngày nào dần trưởng thành, em vẫn muốn được khám phá và trải nghiệm thật nhiều, được mắt thấy tai nghe chứ không phải là qua màn hình máy tính hay tivi nữa. Những chuyến đi đó sẽ là nguồn cảm hứng để Quỳnh viết và vẽ, sáng tạo nghệ thuật.
Du học Mỹ với suất học bổng toàn phần trị giá 68.000 USD/năm (khoảng 6 tỷ đồng cho 4 năm học) từ ĐH Smith - top 12 ĐH khai phóng Mỹ, sẽ là khởi đầu cho những chuyến đi khác sau này của 9X Việt.
Lệ Thu
Ảnh: NVCC