Chi cả chục triệu đồng sắm Ipad, Macbook cho con học online
(Dân trí) - Sau một ngày con học online trên điện thoại, chị Ngọc quyết định bỏ gần 13 triệu đồng sắm Ipad cho con.
Chị T.Ngọc, có con học tại Trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội cho biết, đã được làm quen từ đợt trước nên việc học online của con gái chị đợt này bớt khó khăn hơn.
Cháu chỉ mới học hai môn Tiếng Việt, Toán, ngày gần 2 tiếng nên khá nhẹ nhàng. Mới đây, sau một ngày con học online trên điện thoại không tiện lợi, chị đã quyết định sắm chiếc Ipad gần 13 triệu, trước mắt để phục vụ việc học cho con.
Đợt nghỉ dịch năm ngoái, chị làm việc online tại nhà nên hai mẹ con dùng chung laptop cũng rất bất tiện. Để con học qua điện thoại hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày, chị lo ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
"Xót tiền lắm nhưng với việc học của con, những gì có thể làm tốt nhất trong khả năng thì vợ chồng tôi đều cố gắng", chị chia sẻ.
Xác định học online sẽ là một phần quan trọng trong việc học của con, vợ chồng anh Ngô Văn Trung, ở Phú Nhuận TPHCM vừa "rinh" hai chiếc Macbook về cho hai con hết gần 50 triệu đồng. Hai con anh, một bé lớp 4, một lớp 7.
Lâu nay, các cháu đang mượn điện thoại, lâu lâu được ké laptop của ba mẹ cũng rất bất tiện, không thoải mái.
Ở nhiều gia đình, khi con nghỉ học ở nhà tránh dịch, chuyển sang học online, bố phải nhường "cần câu cơm" cho con khi chuyển máy tính, điện thoại cho con sử dụng.
Chị Phan Thanh Nhàn, có con học lớp 2 bày tỏ, nhà chị không có điều kiện để mua thêm chiếc smartphone hay Ipad, laptop gì hết. Chị đành để điện thoại của mình ở nhà con con học, chị dùng điện thoại thường không kết nối mạng được với dùng máy tính để bàn của cơ quan.
Tận dụng để tránh lãng phí, lúng túng
ThS Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường Tuệ Đức cho biết, phụ huynh mỗi nhà mỗi cảnh khác nhau sắm sanh cho con học online.
Có nhà "không có gì ngoài điều kiện" thì sắm laptop xịn này nọ để con học thoải mái; có người phải nhường máy tính cho con; có phụ huynh hồ hởi kể mới trang bị cái màn hình 32" để con học Online đỡ hại mắt hay có người lại bùi ngùi khi con nheo mắt học trên điện thoại.
Ông Thịnh cho hay, học online không đòi hỏi máy móc phải có trang bị khủng, cầu kỳ đến như vậy. Trước hết, mỗi gia đình có thể tận dụng những thứ có sẵn cho việc học của con.
Việc trang bị tối thiểu cần thiết để học online là 1 cái tivi LCD có cổng giao tiếp USB, điện thoại có kết nối Internet, những thiết bị này hầu hết gia đình ở thành phố đã có sẵn.
Khi đó, cần 1 dây cáp USB kết nối điện thoại với tivi. Nếu không có điện thoại có thể sử dụng một cái tivi box với giá tầm 500.000 đồng.
Với đường truyền Internet có những loại sim 4G giá chỉ 50.000 -100.000 đồng/tháng không giới hạn dung lượng.
"Các bạn gần nhà, chung lớp vẫn có thể rủ nhau học chung trên một thiết bị, vừa tiết kiệm lại có thêm không khí để học tập".
Về các nền tảng chúng ta sử dụng để học online, theo giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, dường như đang bị bỏ xó cho đến khi nào bị bắt học online tiếp? Theo cô, lớp học online đừng chỉ để dùng "chữa cháy" khi bắt buộc.
Năm ngoái, sau thời gian học online, sinh viên được trở lại trường học offline, cô vẫn duy trì lớp học online đã xây dựng để sinh viên nộp bài tập, gửi tài liệu, gởi thông báo... Khi dịch bùng phát trở lại, tiến độ học vẫn liên tục, mạch lạc.
Cô chia sẻ, với đối tượng sinh viên, mình xây dựng thói quen như thế này dễ dàng hơn rất nhiều so với đối tượng học sinh nhỏ tuổi hơn.
Nhưng chúng ta có thể suy nghĩ ngay từ đầu năm/đầu học kỳ, một kênh online nào đó giữa giáo viên và học sinh, để làm quen, thực tập và tập dượt cho ai biết lúc nào không thể học được như trên lớp.
Đến khi sự cố cần dùng thì chúng ta đã làm quen với nó, và việc học diễn ra sẽ đỡ bối rối hơn, đã có nhiều kinh nghiệm hơn, do liên tục cải thiện qua việc dùng thường xuyên và dĩ nhiên hiệu quả hơn.
Bằng cách này, chúng ta cũng mở rộng lớp học không còn bị hạn chế bởi 4 bức tường, bởi giờ học theo thời khóa biểu.