Thừa Thiên - Huế:

Chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT về tiến độ khắc phục thừa giáo viên

(Dân trí) - Ngày 22/7, trong kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2011-2016 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế lần VI, đại biểu đã chất vấn ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh về tiến độ khắc phục tình trạng thừa giáo viên.

Vào kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế lần VI diễn ra tháng 12/2014, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đã chất vấn: Từ đầu năm học 2014-2015 sau khi các trường sắp xếp lại số học sinh trên lớp đã phát hiện thừa giáo viên ở bậc THCS rất nhiều với 234 người. Đề nghị tỉnh cho biết tình hình và giải pháp? Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã đưa ra 10 giải pháp để khắc phục.

Trong đó có các biện pháp như: Có kế hoạch chặt chẽ về tuyển mới giáo viên; Điều động một số giáo viên sang làm việc các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; Cân đối để có thể điều động giáo viên các bộ môn (Tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật) từ THCS sang dạy tiểu học; Tăng cường tổ chức lớp học 2 buổi/ngày của các cấp học để sử dụng số biên chế thừa; Bố trí giáo viên có biên chế tại 1 trường nhưng dạy liên trường; Giáo viên không đáp ứng năng lực sẽ được tinh giản…

Sau hơn 7 tháng, trong kỳ họp thứ 10 này, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đã “nhắc lại”, chất vấn về tiến độ của người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh về việc này: “Hãy cho biết kết quả của việc thực hiện 10 giải pháp trong học kỳ II năm học 2014-2015 và chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016 mà ngành giáo dục đã hứa tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh để khắc phục tình trạng thừa giáo viên ở bậc Tiểu học và THCS như thế nào?”

Chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT về tiến độ khắc phục thừa giáo viên

Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế lần 2 về việc tình trạng thừa giáo viên.

Ông Phạm Văn Hùng đã cho biết các giải pháp đã thực hiện cùng lúc, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tốt, khả quan. Cụ thể, đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp – tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đến 2015 và định hướng 2030.

Đã có 8/9 huyện tạm dừng tuyển dụng giáo viên Tiểu học, THCS. Tuy nhiên riêng với huyện miền núi A Lưới, sau khi cân đối đội ngũ, nhu cầu tuyển dụng là thực sự cần thiết để thay thế số giáo viên bộ môn thiếu do nghỉ hưu, thuyên chuyển nên đã đề xuất tuyển dụng 16 người (2 giáo viên Tiểu học, 12 giáo viên THCS).

Ngành đã tham mưu điều động một số giáo viên sang làm việc tại các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 10/VBHN-BGDĐT ngày 14/3/2014 của Bộ GD-ĐT. Có tất cả 26 giáo viên được điều động gồm huyện Nam Đông 1, huyện Phong Điền 14, huyện Quảng Điền 11. Điều này nhằm giải quyết số giáo viên thừa, đồng thời góp phần đưa hoạt động các Trung tâm này đi vào nền nếp, phát huy tốt chức năng.

Ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời chất vấn.

Ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, ngành đã điều động giáo viên bộ môn từ trường THCS sang dạy Tiểu học hoặc từ các đơn vị thừa sang đơn vị thiếu. Toàn tỉnh đã điều động tất cả 45 giáo viên (huyện Phú Vang: 18, huyện Phú Lộc: 18, Thị xã Hương Thủy: 1, huyện A Lưới: 8).

Cũng để sử dụng số biên chế thừa có hiệu quả trong lúc chưa điều động được, các đơn vị có đủ điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức mở thêm các lớp học 2 buổi/ngày ở các cấp học. Ở cấp Tiểu học là 23 lớp, cấp THCS là 33 lớp (huyện Phú Vang có 5 lớp THCS, huyện Phong Điền có 12 lớp Tiểu học và 19 lớp THCS, huyện Quảng Điền có 11 lớp Tiểu học và 9 lớp THCS).

Ngành đồng thời bố trí được 99 giáo viên (Phú Vang: 11, Nam Đông: 38, Hương Thủy: 11, A Lưới: 28, Quảng Điền: 6, Hương Trà: 5) có biên chế tại 1 trường nhưng dạy liên trường. Đây là trường hợp các giáo viên dạy bộ môn có số tiết theo phân phối chương trình thấp tại các trường có quy mô số lớp nhỏ - nên chưa đảm bảo số tiết dạy theo quy định.

Về đánh giá số giáo viên không đáp ứng năng lực ở các cấp học để tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá nghiêm túc chuẩn nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT cũng như đánh giá, xếp loại viên chức theo quy định của Bộ Nội vụ để có cơ sở thực hiện khi có chỉ đạo của các cấp quản lý.

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế lần VI.

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế lần VI.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã cho biết thêm về giải pháp của năm học 2015-2016 là tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện 10 giải pháp đã đề ra và đang thực hiện có hiệu quả về các mặt như: rà soát, sắp xếp, bố trí, điều động đội ngũ nhằm đạt hiệu quả trong quản lý.

“Với những việc làm và kết quả trên, tình hình dôi dư giáo viên ở Tiểu học và THCS ở một số địa phương được đề cập đã được giải quyết khá ổn, cùng với việc sắp xếp giải quyết theo lộ trình, từng bước nên đã không có những vấn đề xã hội và tư tưởng của giáo viên.

Bên cạnh đó, cùng với sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên thì phải tính toán kỹ việc giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho trường CĐ Sư phạm Huế. Cụ thể năm học này tỉnh chỉ giao 240 chỉ tiêu đào tạo, giảm 300 chỉ tiêu tương ứng với 55% so với năm học trước” – ông Hùng trao đổi.
 

Trong kỳ họp thứ 10 này, Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết qua một số ý kiến thẩm tra của các ban HĐND tỉnh và ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Thời gian tới, đối với ngành giáo dục, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo trên địa bàn; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học ở các cấp học, đặc biệt là bậc mầm non. Bên cạnh đó sẽ rà soát lại nhu cầu nguồn lực phục vụ công tác giảng dạy để có giải pháp đảm bảo nguồn kinh phí cho các trường khi chưa thực hiện thu học phí.

 
Đại Dương
(duongttd@dantri.com.vn)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm