Chất lượng các trường đại học mới: S.O.S!
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, đã có 25 trường ĐH mới được thành lập. Đa phần các trường ĐH mới được nâng cấp từ một trường CĐ hoặc sáp nhập nhiều trường CĐ. Nhìn vào số lượng các trường ĐH mới được thành lập là rất khả quan, nhưng chất lượng thì thật đáng lo ngại...
Trình độ giáo viên hạn chế
Bài học của nhiều trường ngoài công lập là: Dành 5-10 năm để xây dựng một cơ ngơi đầy đủ phòng học, phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học và cả KTX... là một điều rất khó, nhưng vẫn có thể làm được. Bằng chứng là những trường ngoài công lập có tuổi đời sau 10 năm hiện nay đã bắt đầu có được cơ ngơi "cho ra dáng trường ĐH".
Nhưng cũng với 5- 10 năm đó, để xây dựng một đội ngũ giáo viên (GV) tốt, có thể gánh vác được trách nhiệm đào tạo nhân lực ở bậc học cao là việc không phải trường nào cũng làm được.
Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - đã từng tự hào vì trường đã làm được một việc khó mà không phải trường ngoài công lập nào trong khoảng 5 năm đầu tiên có thể làm được là xin đất, kêu gọi đầu tư xây trường, xây "khách sạn sinh viên"... Tuy nhiên về vấn đề con người thì ông lại rất thận trọng: Chủ yếu vẫn trông đợi vào đội ngũ GV thỉnh giảng. Mặt khác phải gửi người đi đào tạo để tạo nguồn GV sau này. Để có được một đội ngũ GV của mình, nếu nỗ lực ngay từ buổi đầu lập trường cũng phải mất nhiều năm...".
Nhiều trường ĐH ngoài công lập thành lập cuối những năm 1990 đều phải vận dụng cách "lấy GV thỉnh giảng bù đắp cho khoảng trống về đội ngũ GV". Cũng trong thời gian ấy, lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập đau đầu vì tình trạng GV của trường, trong đó có những GV đầu ngành lao vào dạy cho trường ngoài công lập. Thay vào việc đầu tư đổi mới cách dạy học, nghiên cứu khoa học, GV nhiều trường trở thành "thợ giảng". Tình trạng này đến nay chưa cải thiện là bao thì lại bắt đầu có hàng loạt trường ĐH mới ra đời tiếp tục phương châm "trông cậy vào GV thỉnh giảng".
Trong số 25 trường ĐH mới thành lập có trường hiện nay chưa hề có một GV nào là GS, PGS hay có trình độ TS. Ví dụ như ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) hay ĐH Trà Vinh. Một số trường khác trong báo cáo với Vụ ĐH&SĐH, Bộ GDĐT cũng chỉ có 1-2 GV là TS, không có GS, PGS, như ĐH Bạc Liêu, ĐH Phú Yên, ĐH Hoa Sen, ĐHSP Kỹ thuật Vinh...
Theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH - thì có một vài trường gửi con số báo cáo số GV là GS, PGS và TS, nhưng thực tế không có như thế. Khi kiểm tra lại thì các trường giải thích "đó là con số trường đang phấn đấu!".
Đội ngũ GV có thể coi là yếu tố quan trọng số 1 để tạo nên chất lượng đào tạo ở trường ĐH. Nhưng nhìn vào các trường mới thì thấy trình độ GV đang là bất cập rõ nhất.
Tính đến tháng 7/2007, cả nước đã có 325 trường ĐH, học viện, trường CĐ, trong đó có 45 trường ĐH,CĐ ngoài công lập. Trong số 25 trường ĐH mới, có 17 trường công lập và 8 trường ngoài công lập. Quy mô đào tạo bậc ĐH,CĐ năm 2006- 2007 tăng 10,21% so với năm trước. |
Giống trường phổ thông
Tình trạng trường "ĐH giống trường THPT" là phổ biến, nhất là khi có hàng loạt trường mới được thành lập. Nhiều trường ĐH mới hiện nay chưa có các phòng thí nghiệm chuyên ngành. SV chủ yếu học chay, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, trang thiết bị hỗ trợ dạy học... Lịch học thay đổi do lệ thuộc vào GV thỉnh giảng...
Với những trường ĐH kiểu này, không thu hút được SV là đương nhiên. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhiều trường ĐH, trong đó chủ yếu là các trường ĐH ngoài công lập và ĐH công lập mới thành lập đã phải có công văn xin Bộ GDĐT cho hạ điểm sàn.
Một bất cập nữa tồn tại từ nhiều năm là nhiều trường ĐH mới cố gắng tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả việc chấp nhận chất lượng thấp. Mặc dù năm nay, Bộ GDĐT đã đổi mới việc giao chỉ tiêu, nhưng việc này chưa được thực hiện quyết liệt. Nhìn từ điều kiện hoạt động của những trường mới mở, chỉ tiêu được giao năm nay vẫn là "quá sức".
Với áp lực thực hiện mục tiêu đạt 200 SV/vạn dân vào năm 2010 và 450 SV/vạn dân vào năm 2020, sẽ còn có nhiều trường ĐH mới được mở. Nhưng rõ ràng quy trình mở trường ĐH và cho phép trường hoạt động đang cần xem xét lại. Nhất là khi ở VN, việc kiểm định chất lượng đào tạo ĐH chưa được làm tốt.
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Các trường ĐH ngoài công lập: "Thành lập trường ĐH nên tuân thủ hai bước"
Muốn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho một trường ĐH hoạt động thì trước tiên phải có tư cách pháp nhân. Chỉ khi các trường có tư cách pháp nhân mới có thể đi xin đất xây trường, kêu gọi đầu tư cho trang thiết bị dạy học, tuyển người, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế... Nhưng thực tế hiện nay, trong hồ sơ xin mở trường đã yêu cầu phải có địa điểm xây trường và những điều kiện khác, đó là yêu cầu cực kỳ khó. Tuy nhiên, vượt qua được khó khăn của việc xin phép, có giấy phép thành lập là các trường ĐH lập tức tuyển sinh ngay.
Việc đánh đồng hai bước thành lập trường ĐH làm một (cấp phép thành lập và cho tuyển sinh) như trên đã gây nên nhiều bất cập. Lẽ ra bước 1 nên đơn giản hơn để cho người ta có tư cách pháp nhân để đi lo các điều kiện cho trường hoạt động. Nhưng trước khi cho trường tuyển sinh, phải kiểm tra khắt khe và kiên quyết không cho những trường không đủ điều kiện tuyển sinh.
Chúng ta nên tách bạch hai bước của việc thành lập trường ĐH: Cho phép thành lập và cho phép tuyển sinh thì mới hạn chế được tình trạng trường ĐH thiếu nguồn tuyển vì không có sức hút với người học. |
Theo Kỳ Thanh
Lao Động