Chàng trai giành cú đúp Huy chương Vàng Vật lý: “Em học 15 tiếng mỗi ngày”
(Dân trí) - Trần Xuân Tùng, cựu học sinh lớp 12 chuyên Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tiếp tục khẳng định tài năng thiên bẩm của mình trên đấu trường Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 50 và mang về tấm huy chương Vàng thứ 2 trong chưa đầy một năm.
Cú đúp huy chương Vàng
Trước đó, vào cuối năm 2018 vừa qua, chính chàng trai Trần Xuân Tùng đã từng làm xôn xao dư luận nước nhà khi xuất sắc giành được Huy chương vàng danh giá đầu tiên cho ngành Thiên văn học và Vật lý thiên văn Việt Nam.
Từng được bạn bè quốc tế ưu ái đặt cho biệt danh “chàng trai vàng Thiên văn học và Vật lý thiên văn”, ngày hôm nay, cậu học sinh ấy lại tiếp tục giành cú đúp huy chương Vàng ở một sân chơi lớn hơn.
Trở về từ Isarel, điều đầu tiên Tùng làm là ôm bố mẹ và tặng bó hoa trên tay mình như một lời cảm ơn sâu sắc đến người đã tạo ra thành công rực rỡ này. Lí giải về hành động đó, Tùng tâm sự, “nếu không có bố mẹ, thì không có em và tấm HCV ngày hôm nay. Do đó, những cái ôm và bó hoa tươi đẹp em giành cho người có công lao lớn nhất”.
Tùng nhớ lại giây phút đầu tiên được thầy cô thông báo ‘thí sinh Trần Xuân Tùng đạt 33,6/50 điểm, giành huy chương Vàng, thí sinh có điểm số cao nhất toàn đoàn và xếp thứ 10/360 thí sinh tham gia’, em gần như không tin vào tai mình và phải hỏi lại vài lần để chắc chắn không ngủ mơ; em nhảy cẫng lên rồi hò hét rất to cùng các bạn.
“Lúc đó tim em như nhảy ra khỏi lồng ngực vì đề thi năm nay được xác định khó hơn các năm trước rất nhiều, đòi hỏi tính sáng tạo cao hơn là vận dụng lý thuyết như thông thường. Nhất là phần thực hành, nhiều dạng câu hỏi mới cùng các vật dụng thí nghiệm chúng em rất ít được tiếp xúc, gần như mới chỉ được thí nghiệm một vài lần”, Tùng chia sẻ.
Theo như Tùng kể lại, “để hoàn thành đủ bài thi, em đã buộc phải bỏ qua một số phần khó, cần thời gian suy nghĩ, logic cao; dù các câu đó em hoàn toàn có thể giải được nhưng chiếm quá nhiều thời lượng, nên không dám liều để làm mất điểm các câu dễ khác. Sau khi rời khu vực thi, em không kỳ vọng nhiều vào một điểm số đẹp; mặc dù trước khi đi thi đã xác định rõ mục tiêu giữ vững màu huy chương nhưng kết quả này vẫn ngoài tầm mong đợi của em”.
Tuy thành tích cao là vậy, nhưng Tùng vẫn rất khiêm tốn, “đây là món quà vô giá đền đáp cho công lao của các thầy cô giáo đã hướng dẫn, bồi dưỡng và sát cánh bên em trong suốt 3 tháng vừa qua. Món quà này em giành tặng cho gia đình và thầy cô đã luôn đồng hành chia sẻ với em trong những tháng ngày nghiên cứu, thi cử xa nhà”.
Học 15 tiếng mỗi ngày
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bề dày truyền thống nghiên cứu Vật lý học, ông nội từng là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, bà làm giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và bố mẹ đều là những nhà nghiên cứu dạy các vấn đề liên quan đến bộ môn Vật lý ứng dụng. Có xuất phát điểm vững chắc nên Tùng đã sớm bộc lộ những yêu thích khám phá, sửa chữa đồ điện, máy móc trong gia đình từ khi còn nhỏ.
Theo chị Lê Thị Ngọc Diệp, mẹ của Xuân Tùng kể lại, “ngay từ bé, Tùng đã tìm tòi, nghiên cứu, đọc sách những kiến thức liên quan đến ngành học này, dù chỉ là các nội dung sơ đẳng và không mấy liên quan nhưng cũng vẫn có niềm đam mê đặc biệt. Thú thực gia đình không ép buộc con phải học cái gì, học ra làm sao tất cả đều xuất phát từ sự tự giác học của Tùng”.
“Sự tự giác ấy bắt nguồn từ ông bà, bố mẹ cứ đến tối đi làm về đều ngồi vào bàn làm việc, đọc sách, nghiên cứu tài liệu nên Tùng cũng nhìn theo để cùng làm với mọi người. Dần dần cứ như vậy đến cấp 2, cấp 3 Tùng đã có một nền tảng kiến thức tốt, cộng với đức tính chăm chỉ học tập nên gần như rất dễ đạt được các giải thưởng không mấy áp lực như nhiều bạn học khác”, chị Diệp chia sẻ.
Chia sẻ về phương pháp học, Tùng cho biết, “gia đình em cũng không khá giả gì lắm, nên không có đủ tiền để trang bị các thiết bị thí nghiệm tại nhà như nhiều bạn. Khắc phục thiệt thòi đó, mỗi lần đọc đến phần lý thuyết, em sẽ chép lại vào quyển sổ những điều cần lưu ý, ghi chú được càng chi tiết càng tốt. Khi lên lớp thực hành, những điều thắc mắc ấy sẽ được giải đáp và cũng giúp cho phần vận dụng của em chắc kiến thức hơn.
Theo bạn bè cùng lớp nhận xét “Xuân Tùng rất vui tính, ngây ngô và cực kỳ thông minh; luôn sẵn sàng chia sẻ giải bài tập khó cùng các bạn”. (Ảnh: Toàn Vũ)
Cũng như các bạn học sinh khác, để trở thành đại diện nước nhà đi thi đấu Olympic Vật lý quốc tế, Tùng phải trải qua rất nhiều vòng tuyển chọn đầy cam go. Tùng chia sẻ, “tước khi tham gia đội tuyển, em từng rất mê chơi game, nhưng sau khi vào đội tuyển, mọi hoạt động vui chơi đành cất sang một bên để tập trung toàn lực cho ôn thi.
“Trung bình mỗi ngày em dành 15 tiếng để học lý thuyết, giải các dạng đề và đọc càng nhiều sách nghiên cứu quốc tế càng tốt. Gần như em không có thời gian để chơi, nhưng có lẽ cũnng chính vì sự kỷ luật thép với bản thân như vậy mà em mới có được kết quả như ngày hôm nay. Càng học càng thấy hứng thú mà quên hết đi mệt mỏi và thời gian trôi qua như thế nào”, Tùng tâm sự.
Ngoài những giờ học tập căng thẳng, niềm vui duy nhất khiến Tùng hứng đó là chơi game, Tùng dùng game như một cách giảm stress hiệu quả, dù chơi không được nhiều nhưng cực kì tập trung và khám phá trò chơi đúng nghĩa. Tùng cho biết mình thường tìm hiểu các kết cấu, tính cách của nhân vật trong trò chơi; hay các câu chuyện game ra đời và các nhà sáng tạo game, game thủ nổi tiếng đã chơi ra sao giống như một thú vui đơn thuần.
Được biết, dự định trong tương lai gần, Xuân Tùng sẽ hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình để nộp hồ sơ xin học bổng vào các trường Đại học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu Vật lý học ứng dụng để tiếp tục đi theo đuổi con đường truyền thống của gia đình.
Bài: Hà Cường
Ảnh và video: Toàn Vũ