Chàng thợ gò thùng và chuyến du học Nhật Bản

Từ một học sinh nghèo phải bỏ học đi gò tôn, làm thùng gánh nước, chàng trai nghèo Giang Văn Thường trở thành thủ khoa của trường ĐH Nông Nghiệp I - Hà Nội, và được Bộ GD-ĐT cử đi du học Nhật Bản.

Giang Văn Thường có tên khai sinh là Giang Văn Lưu, sinh ra và lớn lên ở xã Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Tây). Bố mẹ Thường làm ruộng ở vùng bán sơn địa, năng suất cây trồng thấp, kinh tế khó khăn, nhưng nhà lại đông con. Thường là con cả trong gia đình, dưới Thường còn 3 đứa em.

 

Để có được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, Thường đã phải học mất 13 năm, không phải vì học lực yếu mà vì gia đình không có tiền cho Thường mua sách và đóng học phí. Năm lớp 10, Thường phải nghỉ học, đi học nghề gò tôn, làm thùng, gáo… Học được nghề, kiếm được tiền tự mua sách vở, trang trải học hành, Thường quay lại gặp thầy chủ nhiệm cũ, xin học tiếp cấp 3.

 

Từ đó, cậu học sinh nghèo Giang Văn Thường sáng đi học, chiều đi gò thùng thuê cho một ông chủ ở thị xã Sơn Tây. Với khoảng 5.000 - 8.000 đồng kiếm được mỗi buổi, Thường tích cóp để mua thêm sách vở, tự nâng cao kiến thức ở nhà.

 

Không có thời gian đi học thêm như các bạn, nhưng Thường học rất giỏi, nhất là Vật Lý và Hình học. Năm nào Thường cũng được nhà trường cấp giấy khen về kết quả học tập giỏi, nhưng em giấu không cho gia đình biết.

 

Buổi đi làm, buổi đi học, Thường chỉ có thể tranh thủ tự học vào buổi tối. Có những đêm thức khuya học bài, bị cơn buồn hành hạ, Thường nghĩ cách xin mẹ một nắm gạo nếp, vừa học vừa nhấm cho đỡ đói và đỡ buồn ngủ.

 

Và cuối cùng, những cố gắng của cậu học sinh nghèo xã Đường Lâm đã được đền đáp xứng đáng. Năm học 2003-2004, Thường đạt số điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Hà Tây. Sau đó, Thường vượt qua hơn 2.700 thí sinh trúng tuyển để trở thành thủ khoa của trường ĐH nông nghiệp I - Hà Nội.

 

Sau hai năm học tập xuất sắc tại trường, cách đây 3 tháng, Giang Văn Thường đã vinh dự được Bộ GD-ĐT cử đi du học Nhật Bản và chuyển sang học ngành quản lý kinh tế.

 

Nhưng một khó khăn mới lại đè nặng lên vai chàng trai trẻ và gia đình. Trong giấy gọi đi học của Bộ có ghi rõ: Tự túc kinh phí một tháng đầu. Bố mẹ đã rất vất vả chạy đôn chạy đáo vay cho được số tiền 20 triệu đồng để Thường kịp ngày nhập học tại nước bạn.

 

Dù sao, một tương lai mới tươi sáng cũng đang mở ra trước mắt Thường. Hy vọng với tinh thần hiếu học, vượt khó, Thường sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường lĩnh hội tri thức.

 

Theo Phan Lê

 Giáo dục và Thời đại