"Chàng sinh viên không tay" tình nguyện tiếp sức mùa thi

(Dân trí) - Không có đôi tay lành lặn, đi lại cũng bằng hai chân giả, nhưng đã hai mùa thi kể từ khi vào đại học, Nay Djruêng là một trong những thành viên nòng cốt và xông xáo nhất trong đội tình nguyện viên tiếp sức mùa thi ở điểm trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Câu chuyện về Nay Djruêng - sinh viên năm 2 trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng; từng là là đại biểu duy nhất của huyện Krông Pa, Gia Lai dự Đại hội biểu dương Người tàn tật và Trẻ em mồ côi tại Hà Nội năm 2007 là câu chuyện khiến chúng tôi cảm phục không chỉ bởi một nghị lực đáng nể, mà còn bởi một tấm lòng “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

 

Tình nguyện viên tiếp sức mùa thi Nay Djrueng - sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng.
Tình nguyện viên tiếp sức mùa thi Nay Djrueng - sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Thoát “hủ tục” làng đến giảng đường đại học

Nay Djruêng sinh ra không may mắn có được hình hài trọn vẹn như bao người bình thường. Hình hài bẩm sinh dị dạng của Djruêng do ảnh hưởng chất độc da cam. Djruêng có giấy chứng nhận là nạn nhân chất độc da cam sau khi được xét nghiệm vào năm 2006. Trước khi có chứng nhận khoa học đó, Djruêng suýt chút nữa đã là nạn nhân oan nghiệt của “hủ tục” ở làng: một đứa trẻ sinh ra dị dạng với làng là điềm gở, phải chôn sống đứa trẻ.

Ngay trong nhà Djruêng đã có một nạn nhân của “hủ tục”, là anh trai của Djruyêng - người anh đã mất vì bị làng chôn sống. Đứa trẻ thứ hai không may trong nhà là Djruyêng vừa lọt lòng đã bị làng mang đi chôn sống. May thay, có người phụ nữ làng bên hiểu chuyện đã ôm đứa trẻ con vô tội bỏ chạy trong lễ tế làng ngay trước khi đứa trẻ bị chôn sống. Djrueng thoát chết trong gang tấc.

Chuyện hồi nhỏ, Djruyêng cũng chỉ là nghe kể lại. Djruyêng nói, hồi nhỏ nghe kể chuyện, Djruyêng giận bố mẹ ghê gớm. “Sao bố mẹ lại làm ngơ để làng đem anh trai Djruyêng, rồi đến đem Djruyêng đi chôn sống?” - giọng nói của cậu bé Djruyêng ngày nào giờ đã là chàng sinh viên ngoài 20 tuổi vẫn như có nước mắt. Bây giờ nhìn lại, Djruyêng được đi học, được mở mang tầm nhìn ra khỏi bìa rừng vây quanh làng, được hiểu biết, Djruyêng mới cảm thông không chỉ có anh trai, không chỉ có Djruyêng mà cả bố mẹ cũng là nạn nhân của “hủ tục” làng, nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Djruyêng nói: “Hiểu được những điều này chính nhờ mình được đến trường học. Mình đã ước mơ và đấu tranh để được cả nhà cho đi học thật xứng đáng”.

Vượt qua “hủ tục” làng để được đến trường, Djruyêng lại đeo đuổi ước mơ con chữ tới cùng. Không có đôi chân lành lặn, đi một quãng đường Djruyêng mất thời gian, mất sức gấp mấy lần người bình thường. Đứa trẻ bình thường tập viết vài hôm có thể viết hoa, viết thường khi đã quen mặt chữ. Không có đôi bàn tay, Djrueng chỉ có thể viết được chữ hoa, còn chữ viết thường phải mất hai năm, Djruyêng mới viết được. Bền chí với nghị lực phi thường, từ những tiếng ê a vỡ lòng nơi trường làng, Djruyêng đã thi đậu vào Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng bằng chính sức mình, đến với giảng đường, đuổi theo con chữ, đuổi theo những ước mơ ngày càng bay cao, bay xa.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Sinh ra chẳng may mang hình hài dị dạng, tủi thân lắm chứ. Nghe kể hồi nhỏ, ngay cả bố mẹ mình nhắm mắt để cho “hủ tục” làng suýt chôn sống mình, đau chứ. Nhưng Djruyêng chỉ tủi thân, chỉ đau khi Djruyêng còn là một cậu bé.

Hỏi Djruyêng điều gì luôn khắc sâu trong lòng Djrueng thì chính là tình người mà  Djruyêng đã nhận từ khi mới lọt lòng. Tình người ấy như ngọn lửa ấm nuôi nấng tâm hồn Djruyêng, từ tấm lòng người phụ nữ đã cứu Djruyêng thoát khỏi hủ tục, những thầy cô giáo ở trường học đã giúp Djruyêng biết cách đi vững vàng hơn bằng chính đôi chân mình, những người đã bằng cách này hay cách khác, bằng sự hỗ trợ vật chất hay động viên tinh thần… đã giúp cho con đường đến giảng đường nhiều khó khăn của cậu học trò miền núi nghèo bớt gập ghềnh hơn. Đó là những người cho Djruyêng hiểu và thấm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Và Djruyêng cũng đã sống như thế. Nhắc tới Djruyêng, ông Trần Tấn Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin nói: “Biết Djruyêng là sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ Djruyêng trong học tập và sinh hoạt. Nhưng nhiều giảng viên, sinh viên trường chúng tôi thay vì nghĩ tới việc Djruyêng là một nạn nhân chất độc da cam, cần được quan tâm, giúp đỡ; lại ấn tượng với Djruyêng hơn ở hình ảnh một thành viên năng động trong đội công tác xã hội của trường”.

Hơn là hình ảnh của một nạn nhân chất độc da cam, 
Hơn là hình ảnh của một nạn nhân chất độc da cam, Djruyêng để lại ấn tượng là một sinh viên rất năng động trong công tác xã hội.

Djruyêng luôn đóng góp ý kiến của mình trong các cuộc họp bàn kế hoạch hoạt động của đội công tác xã hội trong trường. Djruyêng cũng góp sức mình tham gia hoạt động nồi cháo tình thương cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện. Đi tình nguyện ở xã miền núi ở huyện Hòa vang (Đà Nẵng), Djruyêng cũng tự tay sơn phết lại nhà cửa cho các cụ già neo đơn, các mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm nay tiếp tục tham gia tiếp sức mùa thi, Djruyêng khiêm tốn nói: “Năm nay, công việc tiếp sức mùa thi em thấy không có gì là vất vả. Giúp được cho các bạn thí sinh và người nhà được chừng nào là bọn em thấy vui chừng đó. Chỉ tiếc là năm nay bọn em không vận động được thêm nhiều suất ăn trưa cho người nhà và thí sinh, chỉ có 16 suất do các bạn tình nguyện viên ở trường ĐH Duy Tân mang sang. Còn lại chỉ có nước mát để cho thí sinh giải nhiệt sau buổi thi thôi. Em tự thấy mình chưa làm được chi nhiều nên ngại kể lắm! Thay vì viết bài về Djruyêng thì viết về các bạn thí sinh vượt khó đi thi xứng đáng hơn”.

Trò chuyện với chúng tôi, nói về ước mơ, về những dự định gần nhất, Nay Djruyêng cũng chia sẻ ước mơ với tấm lòng “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Nay Djruyêng cho biết năm ngoái, Djruyêng đã vận động quyên góp được một số suất học bổng “tiếp sức tới trường” để về tận quê nhà trao đến tay các em nhỏ ở trường Tiểu học Krông Năng ở nơi Djruyêng sinh ra và lớn lên vào dịp đầu năm học mới.
 
Năm nay, Djruyêng vẫn đang tiếp tục thực hiện “dự án tiếp sức tới trường” mà Djruyêng ấp ủ. “Sống ở vùng quê nghèo, Djruyêng thương những đứa trẻ cũng gặp bao khó khăn như mình khi đến trường học. Có nhiều em bỏ học không phải vì các em lười học mà vì thực sự là nhà nghèo quá. Djruyêng muốn làm một điều gì đó với tất cả khả năng của mình để chia sẻ, động viên các em tới trường học”.
 
Khánh Hiền - Thu Thảo