Cha mẹ phải làm sao khi con luôn lo lắng, không chịu rời vòng tay?
(Dân trí) - Không ít trẻ nhỏ gặp các vấn đề về cảm xúc khi phải rời xa cha mẹ, thường được gọi là chứng rối loạn lo âu khi phải chia xa ở trẻ.
Điều này có thể xảy ra khi cha mẹ đưa con đến cổng trường, ngay khi họ buông tay và chuẩn bị tạm biệt con thì trẻ lại bắt đầu khóc dữ dội, dù dỗ dành mãi cũng không có tác dụng.
Trên thực tế, hầu hết trẻ em đều sẽ trải qua giai đoạn lo lắng khi phải rời xa những người thân thiết trong một khoảng thời gian khi chúng dần lớn lên. Đối với trẻ nhỏ, đây là một sự phát triển bình thường để trẻ hình thành mối gắn kết tình cảm với cha mẹ hoặc người chăm sóc chúng.
Ví dụ, khi lần đầu tiên bước vào trường mẫu giáo hoặc một khuôn viên xa lạ, trẻ con sẽ cảm thấy sợ hãi và không thích ứng kịp vì phải tạm thời rời xa người thân thì cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu làm quen với môi trường xung quanh, tình trạng lo lắng này sẽ giảm dần dưới sự dẫn dắt của thầy cô giáo và sự đồng hành của bạn bè cùng trang lứa.
Nếu trẻ luôn cảm thấy lo lắng và buồn bã khi phải rời xa cha mẹ thì cha mẹ không nên bắt trẻ phải tự lập ngay mà hãy bắt đầu chú ý tới một vài vấn đề về cảm xúc của con để thấu hiểu và xoa dịu nỗi sợ hãi bên trong của trẻ. Chứng rối loạn lo âu khi phải chia xa có thể là do bốn cảm giác dưới đây.
Đầu tiên là cảm giác an toàn. Nhu cầu về sự an toàn là điều mà ai cũng cần có từ khi mới chào đời. Nếu trẻ không thường được người lớn ôm ấp khi còn nhỏ và phải khóc rất lâu trước khi được dỗ dành thì điều này sẽ làm tổn hại đến lòng tin của trẻ. Và khi trẻ không còn tin tưởng vào thế giới bên ngoài thì trẻ sẽ không còn cảm giác an toàn.
Thứ hai là cảm giác hiện diện. Khi trẻ bắt đầu chập chững khám phá thế giới bên ngoài thì liệu cha mẹ có tạo điều kiện để chúng khám phá không? Tại thời điểm này, phản ứng của người lớn sẽ là khích lệ, động viên hay hô hào bắt trẻ dừng lại?
Khi trẻ em chập chững tập đi, thông thường sẽ có một vài người lớn ở bên cạnh hô ầm lên vì sợ nguy hiểm. Tuy họ nghĩ rằng làm vậy là để bảo vệ trẻ nhưng thực chất điều đó đang ngăn cản trẻ khám phá thế giới bên ngoài và hiểu được về sự hiện diện của chính bản thân mình.
Thứ ba là cảm giác phiêu lưu. Khi con trẻ gặp phải những thử thách trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ luôn tỏ ra lo lắng ngay cả trước khi con họ kịp bộc lộ cảm xúc của mình, điều này không chỉ cản trở khả năng thể hiện cảm xúc của trẻ mà còn kìm hãm lòng dũng cảm của trẻ.
Từ đó, trẻ có xu hướng trở nên thận trọng quá mức, khó phát huy được sự tự tin và lòng dũng cảm.
Thứ tư là cảm giác ý thức về giá trị. Ngay từ khi tròn 3 tuổi, trẻ con đã bắt đầu có nhận thức rõ ràng về bản thân mình, cho đến khi chúng khoảng 10 tuổi, chúng sẽ dần hình thành một số thói quen, tính cách và ý thức về giá trị trong cuộc sống.
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu có "nhận thức về mặt đạo đức", tức là bắt đầu có cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Hơn hết, môi trường gia đình mà trẻ lớn lên sẽ phần lớn quyết định sự nhận thức về đạo đức của chúng và từ đó hình thành ý thức về giá trị của một con người.
Tại thời điểm này, nếu một đứa trẻ được dạy dỗ có trách nhiệm với hành vi của chính mình thì trẻ sẽ phát triển toàn diện và ngày càng ý thức về giá trị của mình trong cuộc sống.
Khi cha mẹ đối diện với các vấn đề về cảm xúc của con như chứng lo âu khi phải chia xa của trẻ, họ không nên mù quáng đổ lỗi cho con là không nghe lời mà nên bình tĩnh suy xét về nguyên nhân của vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp. Như vậy thì trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và cũng làm gương tốt cho trẻ trong việc giải quyết các vấn đề về cảm xúc.