Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sử dụng điện thoại, mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý cho rằng phụ huynh không nên quá chú trọng tới những tiêu cực trên mạng xã hội bởi trẻ đang lớn lên trong một thế giới khác với cha mẹ chúng.

Hai mặt của mạng xã hội

Hè đến, trẻ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với internet và các thiết bị kỹ thuật số đang là trăn trở của nhiều phụ huynh.

Mới đây, bài viết của một phụ huynh trên Facebook cũng nhận được không ít chia sẻ của các bậc cha mẹ vì đồng cảnh ngộ. Theo chia sẻ của người mẹ, từ khi thi xong lớp 10 đến nay, đứa con thường "ôm" điện thoại đến 3, 4h sáng, sau đó ngủ đến 12h trưa. Dù bố mẹ đã khuyên bảo nhiều nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sử dụng điện thoại, mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày? - 1

Chia sẻ của một phụ huynh về việc con sử dụng mạng điện thoại quá nhiều (Ảnh chụp màn hình).

Quan ngại về thời gian trẻ em sử dụng thiết bị điện tử đã có từ thời tivi mới được phát minh, nhưng mối lo này đang trở nên cấp bách hơn khi ngày càng có nhiều loại thiết bị mà thanh thiếu niên có thể sử dụng thông qua tivi, máy tính, máy chơi game, máy tính bảng và đặc biệt là điện thoại thông minh.

Theo số liệu khảo sát của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), năm 2022 Việt Nam có 82% trẻ em 12-13 tuổi và 93% trẻ em 14-15 tuổi sử dụng internet hằng ngày. Còn một khảo sát khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài thời gian học, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày.

Là người có kinh nghiệm sống và làm việc tại nhiều quốc gia, TS Gordon Ingram, giảng viên cấp cao ngành tâm lý học, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, những con số về trẻ Việt Nam sử dụng internet và mạng xã hội quả thực cao nhưng không khác biệt nhiều so với các quốc gia khác.

Ông bày tỏ rằng, theo truyền thống, người Việt thường áp dụng phong cách nuôi dạy độc đoán (authoritarian parenting). Cách này tập trung vào việc dạy trẻ các quy tắc, chuẩn mực và đảm bảo trẻ hành xử một cách có kỷ luật.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy cách này có thể tác động tích cực trong một số bối cảnh văn hóa nhất định, nhưng đây có thể không phải là cách tốt nhất khi trẻ đã tiếp xúc trực tuyến với văn hóa hiện đại hoặc văn hóa phương Tây.

Trong văn hóa phương Tây, hình thức nuôi dạy con cái lý tưởng thường là phong cách nuôi dạy có thẩm quyền (authoritative parenting). Cách này vẫn nhấn mạnh vào các quy tắc và ranh giới, nhưng cũng ghi nhận tầm quan trọng của cảm xúc và tình cảm.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sử dụng điện thoại, mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày? - 2

TS Gordon Ingram, giảng viên cấp cao ngành tâm lý học, Đại học RMIT Việt Nam, tác giả cuốn sách Adolescent Use of New Media and Internet Technologies, tạm dịch: Cách thanh thiếu niên sử dụng phương tiện truyền thông mới và công nghệ internet (Nguồn: ĐH RMIT).

Trong cuốn sách xuất bản gần đây, TS Gordon Ingram đã xem xét những rủi ro và cơ hội liên quan tới xu hướng trên từ ba góc độ.

Đầu tiên là những bản sắc cá nhân mới mà thanh thiếu niên hình thành trên mạng. Trẻ đang lớn lên trong một thế giới khác với thế giới mà cha mẹ chúng từng lớn lên.

Thanh thiếu niên đang tạo nên ngôn ngữ mới của riêng mình trên không gian mạng và giao tiếp theo những cách hoàn toàn khác, có thể thỏa sức sáng tạo và cùng nhau tạo ra những sản phẩm văn hóa mới. Những bản dạng mới này cũng mang lại không gian sáng tạo và đổi mới.

Rủi ro ở đây là xung đột có thể nảy sinh giữa trẻ với cha mẹ nếu cha mẹ chưa biết cách quản lý phù hợp.

Thứ hai, vị tiến sĩ chỉ ra những rủi ro và lợi ích liên quan đến một số loại nội dung trực tuyến nhất định. Nhiều nỗi lo xung quanh thời gian sử dụng thiết bị công nghệ đang tập trung vào quan niệm rằng nếu trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng có thể bị "nghiện màn hình".

Những lo ngại này còn liên quan tới những nguy cơ độc hại mà trẻ có thể tiếp xúc như nội dung khiêu dâm hoặc trò chơi điện tử bạo lực.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cơ hội để biến khoảng thời gian sử dụng thiết bị thành thời gian có ích. Thanh thiếu niên ngày nay có thể truy cập vào vô số nội dung tích cực, mang tính giáo dục trên không gian mạng.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sử dụng điện thoại, mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày? - 3

Phụ huynh lo ngại trẻ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và các thiết bị di động (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Yếu tố thứ ba là những mối quan hệ được hình thành trên mạng. Mọi người có xu hướng nghĩ nhiều về các tương tác tiêu cực trên mạng, chẳng hạn như bắt nạt hoặc những hành vi rình rập, theo dõi người khác qua mạng.

Ông nhắc nhở, nhưng đừng quên, internet cũng có sức mạnh gắn kết người thân quen đang ở xa, những người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau và giúp họ hiểu nhau hơn.

Từ những nhận định trên, vị tiến sĩ tâm lý cho rằng thanh thiếu niên ngày nay lớn lên cùng công nghệ mới nên họ am hiểu công nghệ hơn cha mẹ mình và hầu hết sẽ dần tìm ra cách riêng để sử dụng chúng phù hợp.

"Thay vì đặt câu hỏi: "Dùng internet có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần hay không?", chúng ta nên chuyển sang xác định ai đang gặp vấn đề khi sử dụng công nghệ, ví như bị nghiện xem video ngắn... và tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ họ", TS Gordon Ingram đặt vấn đề.

Hướng trẻ đến hoạt động tích cực

Để giải quyết bài toán này, giảng viên Đại học RMIT khuyến khích các bậc phụ huynh quan sát con kỹ hơn, đánh giá, tạo điều kiện để con làm bài tập về nhà đầy đủ, ngủ đủ giấc, gặp bạn bè ngoài đời thực, tập thể dục thể thao, đi dã ngoại thiên nhiên hay tham gia các hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, cha mẹ hãy nói chuyện với con bạn về các hoạt động trực tuyến của con, cùng nhau xác định đâu là điểm tốt và xấu, đồng thời thương lượng một bộ quy tắc và các ngoại lệ để quản lý hành vi của con trên mạng. Tất nhiên, phụ huynh là người dẫn dắt quá trình đó với tư cách cha mẹ, nhưng cũng tạo cơ hội cho trẻ cảm thấy mình được đóng góp ý kiến.

Đồng quan điểm, TS Trịnh Viết Then - Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho rằng cha mẹ cần giúp trẻ xác định các hoạt động trong từng giai đoạn và thời gian cụ thể (theo ngày, tuần, tháng, học kỳ, năm học...).

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sử dụng điện thoại, mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày? - 4

TS Trịnh Viết Then trong 1 buổi tham vấn tâm lý học đường cho các em học sinh THPT Nguyễn An Ninh, TPHCM (Ảnh: Thúy Huyền).

Ngoài ra, các gia đình có thể lập kế hoạch cùng hoạt động với nhau một cách hợp lý, quan tâm và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Người lớn cùng trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động thể thao và rèn luyện sức khỏe. Điều này tạo cho trẻ một không gian vui chơi theo lịch trình cụ thể và theo sát các hoạt động của trẻ một cách hiệu quả.

Trước những nguồn tin xấu, độc trên mạng xã hội, ông Then đề cập tới việc kiểm soát thiết bị thông minh theo lịch trình hoạt động của trẻ (kiểm soát mạng internet). Cha mẹ có thể cài đặt phần mềm quản lý các thiết bị thông minh, đặt mật khẩu.

"Người lớn quan tâm, theo sát trẻ, chơi với trẻ và cuốn hút trẻ vào các hoạt động tích cực giúp hình thành những thói quen và hành vi tích cực trong đời sống gia đình, trong hoạt động học tập", TS Trịnh Viết Then bày tỏ.