Hà Tĩnh:

Cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ đỗ ĐH Bách khoa HN nhưng không có tiền nhập học

(Dân trí) - Nhận được giấy báo trúng tuyển thông báo ngày 21/8 có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục nhập học, cậu học trò Trần Thế Phương (trú thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đành phải ngậm ngùi gấp tờ giấy cất đi vì không có lấy đồng xu dính túi…

Biết được câu chuyện vượt khó của Phương trong cuộc sống, học tập, nỗi buồn của em khi đậu đại học mà không có tiền, không có ai đỡ đần, nương tựa để giúp em thỏa ước mơ cháy bỏng bước vào giảng đường đại học, chúng tôi tìm về nhà em ở thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Ngôi nhà gỗ nhỏ 2 gian, xung quanh được trát bằng vôi vữa của bà Nguyễn Thị Chiểu (SN 1948, là bà ngoại em Phương) đã xiêu vẹo, cũ kỹ và không thể tồi tàn hơn được nữa. Người bà ngoại đã già yếu, đang thẩn thờ ngồi trước hiên nhà, như đang mong ngóng điều gì đó. Còn em Phương đang loay hoay xếp hàng trăm chiếc ống nhựa là dụng cụ dùng để đánh bắt cáy vào một chỗ, cố viết nốt bộ hồ sơ xin việc để kịp gửi vào Nam xin việc làm. Tờ giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được em gấp cẩn thận vào góc bàn, xem nó như kỷ niệm đẹp của đời học sinh.


Giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà em Phương vừa nhận được.

Giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà em Phương vừa nhận được.

“Bưu điện chuyển giấy báo đậu đại học đến thì cháu đang đi bắt cáy ngoài sông. Tui không biết cái chi, nhờ hàng xóm đọc dùm. Nghe hàng xóm nói giấy báo trúng tuyển đại học của cháu Phương, chân tay tui bủn rủn vì mừng. Tui rớt nước mắt vì bao nỗ lực của cháu đã được đền đáp” - bà Chiểu rơm rớm nước mắt kể.

Nhưng rồi giọng bà lạc đi khi nhắc tới quá khứ thiệt thòi và nỗi đau của đứa cháu thiếu cha, vắng mẹ.

Đậu đại học, nhưng Phương không có niềm vui. Em vẫn quen thuộc với công việc bắt cáy kiếm tiền nuôi bà ngoại và chính mình.
Đậu đại học, nhưng Phương không có niềm vui. Em vẫn quen thuộc với công việc bắt cáy kiếm tiền nuôi bà ngoại và chính mình.


Trong ngôi nhà của bà ngoại em Phương, một gian dành để bà cháu ăn ngủ, gian còn lại để đồ nghề câu lươn, bắt cáy của em.

Trong ngôi nhà của bà ngoại em Phương, một gian dành để bà cháu ăn ngủ, gian còn lại để đồ nghề câu lươn, bắt cáy của em.

Phương sinh ra không biết bố mình là ai. Mẹ em, người phụ nữ lỡ thì, sau khi sinh em được 18 tháng, đã bỏ em ở lại quê nhà ra Bắc làm thuê và lập gia đình ở Thái Nguyên, từ đó đến nay không về.

Phương lớn lên từ sự đùm bọc nuôi dạy của bà ngoại và người cậu ruột. Từ lớp 2 lớp 3, Phương đã phải phụ giúp cậu, bà chăn bò. Những năm kế tiếp, để có thể nuôi sống mình và bà ngoại, một buổi đến trường, buổi còn lại Phương vừa đi chăn bò cho gia đình cậu và đánh bắt cáy ven sông.

Để kịp giờ đến lớp học, khoảng 4h sáng em phải thức dậy để gom ống cáy đặt từ chiều hôm trước. Hôm nào được nhiều thì đủ để nuôi sống bà ngoại và em trong ngày, hôm nào không có cáy, thì hai bà cháu sống nhờ vào gia đình người cậu cũng cảnh nghèo khó, túng thiếu đủ bề.


Bà ngoại nghèo khó đã đùm bọc Phương sống trong tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi.

Bà ngoại nghèo khó đã đùm bọc Phương sống trong tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi.

Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên nhìn vào góc học tập của em, ai cũng phải rơi nước mắt. Căn phòng nhỏ, nói đúng hơn là cái gác xép rộng chừng 6 mét vuông, nóng bức, chật chội, ở giữa được kê chiếc bàn nhựa, chiếc ghế ngồi học của em được làm bằng khuôn đóng gạch đã hỏng.


Ngày ngày sau buổi đến trường, Phương thường đi thả túm, ống nhựa bắt cáy kiếm sống, phụ giúp bà ngoại.

Ngày ngày sau buổi đến trường, Phương thường đi thả túm, ống nhựa bắt cáy kiếm sống, phụ giúp bà ngoại.

Khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng chưa bao giờ Phương nản chí trong việc học tập, càng ngày em học tập càng tiến bộ. Suốt 9 năm học cấp 1 và 2, em đều đạt học sinh tiến tiến. 3 năm học tại Trường THPT Cẩm Bình, em đều đạt học sinh giỏi của trường.

Không chỉ học giỏi, Phương luôn hăng say trong các phong trào của lớp và trường, ở quê nhà em luôn được các ông bố, bà mẹ lấy làm tấm gương để răn dạy con mình. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phương đạt 21 điểm khối A, đậu vào khoa Kỹ thuật điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.


Dù gia cảnh nghèo khó nhưng năm học nào Phương cũng luôn giành được giấy khen của trường.

Dù gia cảnh nghèo khó nhưng năm học nào Phương cũng luôn giành được giấy khen của trường.

img_9873

Nhìn học lực của Phương trong học bạ ai cũng nể phục

Tờ giấy báo trúng tuyển đại học thông báo rằng ngày 21/8, em Phương phải có mặt tại trường kèm theo số tiền 3,5 triệu đồng để làm thủ tục nhập học. Thế nhưng nhìn trong nhà không có lấy một đồng xu. Bà ngoại đã già yếu không làm được gì, gia đình người cậu đang phải vất vả, lo chạy ăn từng bữa, Phương không biết bấu víu vào ai. Nghị lực vượt lên hoàn cảnh, từ trước tới nay Phương chưa một lần phải gục ngã trước hoàn cảnh éo le của mình, thế nhưng lần này em đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ đến giảng đường đại học.

Phương buồn bã nhìn giấy báo nhập học. Nhìn đứa cháu xem rồi gấp lại cất vào góc học tập, bà ngoại em sụt sùi khóc.
Phương buồn bã nhìn giấy báo nhập học. Nhìn đứa cháu xem rồi gấp lại cất vào góc học tập, bà ngoại em sụt sùi khóc.

Bạn đọc quan tâm, giúp đỡ em Phương, xin liên hệ qua địa chỉ: Em Trần Thế Phương, thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, số điện thoại: 0165 5971 644. Trân trọng!

“Mấy hôm nay cháu nó buồn hẳn đi, nhất là từ hôm nhận được giấy báo nhập học đến giờ chú à. Thương cháu nó, nhưng giờ tui không biết mần răng, hàng xóm láng giềng bày cách ra ngân hàng vay, tui đã đến rồi, nhưng họ bảo đã quá tuổi nên không thể làm thủ tục vay được, đành thật bà cháu tui hết cách rồi. Biết không thể có tiền nhập học, nên cháu nó đã làm hồ sơ xin việc, đang định vài hôm nữa vào Nam làm thuê, chứ nó quyết định không ở nhà”, bà ngoại Phương rưng rưng nước mắt nói với chúng tôi.

Rời căn nhà nhỏ, hình ảnh cậu học trò chịu nhiều thiệt thòi của số phận, giàu nghị lực, chăm ngoan phải dừng lại ước mơ bước vào giảng đường đại học của mình, chúng tôi không khỏi xót xa.

Văn Dũng

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn