Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật

(Dân trí) - Một điểm cộng cho kỳ học tại Pháp trong chương trình thạc sỹ Erasmus Mundus về Nghiên cứu châu Âu của tôi đó là được tiếp xúc với những bạn người châu Phi, đặc biệt là các quốc gia thuộc cộng đồng tiếng Pháp – châu lục mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Khu ký túc quốc tế Robertsau nơi tôi đã sống suốt 7 tháng ở Strasbourg đã mang châu Phi đến với tôi.

Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48.000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).

Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).

Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 - 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.

Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật - 1

Gael là hàng xóm đối diện với tôi ở ký túc xá. Gael học ngành công nghệ thông tin, và đến từ Cộng hoà dân chủ Công-gô, một quốc gia châu Phi thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp với 80 triệu dân.

Gael học ngành công nghệ thông tin, và nói một thứ tiếng Pháp vô cùng đẹp. Lần đầu tiên nói chuyện với Gael, tôi cứ ngỡ cậu sinh ra ở Pháp. Tôi rất ít khi gặp Gael, vì ngoài đến trường và đến thư viện ra, cậu còn phải đi làm thêm nữa. Mỗi khi rảnh Gael đều đến nhà thờ làm các công việc tình nguyện.

Gael chịu khó trau dồi tiếng Đức bởi cậu làm nhân viên thu ngân trong một siêu thị ở Kehl, thành phố biên giới Đức - Pháp, và mỗi ngày đi xe buýt mất gần 3 tiếng cả đi lẫn về. Thực ra Gael là một trong số rất nhiều sinh viên quốc tế tại Pháp luôn muốn kéo dài thời sinh viên của mình.

Khi Gael nói mình đang học bậc đại học (license), tôi cứ nghĩ cậu chỉ tầm 18, 20. Mãi về sau mới té ra, Gael đã tốt nghiệp thạc sỹ, nhưng rồi lại đăng ký một chương trình bậc đại học.

Một lần tôi hỏi Gael:

- Sao cậu học hết thạc sỹ rồi còn học tiếp 1 chương trình đại học làm gì?

Gael thật thà đáp, một câu trả lời mà về sau tôi cũng nghe ở rất nhiều sinh viên quốc tế khác:

- Khi tốt nghiệp xong, mình lận đận mãi không kiếm được việc. Nhưng ở Pháp không mất học phí, ngoại trừ chi phí hành chính không đáng kể mỗi kỳ. Mình đành phải tranh thủ lúc kiếm việc, đăng ký một chương trình học để còn được hưởng ưu đãi cho sinh viên, và được ở ký túc xá. Mà có học thêm cũng chẳng có gì thiệt thòi cả. Và mình muốn ở lại đây. Mình muốn trở thành người Pháp.

- Này Gael, cậu ở Công-gô nào thế? Công-gô dân chủ hay không dân chủ? (Sở dĩ tôi hỏi Gael như vậy là vì có 2 quốc gia châu Phi đều tên là Công-gô, đều là thuộc địa cũ của Pháp, đều là các nước cộng hoà, nhưng một nước lớn hơn, và có cái tên dài hơn, tức thêm chữ dân chủ - République démocratique de Congo)

- Trời, bạn biết à? Gael ngạc nhiên hỏi lại.

- Thì mình học trên lớp thôi mà. Bọn mình khi thảo luận về lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc ở thường nhắc đến Cộng hoà dân chủ Công-gô.

Rồi tôi tiếp lời:

- Mà cho mình hỏi, thế ở nhà bạn nói tiếng gì với bố mẹ?

- Mình có tiếng nói bản địa riêng, gọi là tiếng Kituba, nhưng mẹ mình nói tiếng Pháp với mình từ nhỏ. Ở trường phổ thông mình cũng học tiếng Pháp. Mẹ muốn mình sang Pháp sớm nên luôn muốn mình nói tiếng Pháp hoàn hảo ngay từ ở nhà.

Tôi vẫn chưa thể kiềm chế được sự tò mò của bản thân.

- Thế với bố thì sao?

Gael có phần trầm tư:

- Mình thực sự cũng không biết bố mình là ai. Cũng không quan trọng.

Tôi bàng hoàng vì không đoán được chuyện gì đã xảy ra với gia đình Gael.

- Mình xin lỗi.- Tôi ngượng ngùng đáp lại.

- Không sao. Thực ra, mẹ mình là nạn nhân của nạn hiếp dâm chiến tranh, cho đến giờ mình vẫn không biết bố mình là ai. Nhưng mẹ vẫn quyết định sinh ra mình.

Tôi sững sờ, không phải vì sự thật ấy (bởi lẽ trong chương trình học thạc sỹ, cô giáo dạy môn luật quốc tế của tôi không ít lần nhắc tới bạo lực tình dục trong chiến tranh ở quốc gia châu Phi này, đặc biệt miền đông nơi đây còn bị coi là “thủ đô cưỡng dâm“ của thế giới – la capital mondiale de viol), mà bởi chính lời thừa nhận đầy dũng cảm của Gael.

Nhưng tôi vẫn chưa dừng lại ở đó:

- Gael, cho mình hỏi nhá. Sao bạn có thể kể với mình một cách vô tư như thế nhỉ? Mình hỏi thế bởi cái đó không phải ai cũng dễ dàng nói ra đâu?

- Nhưng đó là sự thật, Trang. Mình được sinh ra, nhưng mình không có bố.

- Nhưng Gael, bạn nói ra mà không sợ kỳ thị à?

- Không, vì mình được sinh ra từ tỗi lỗi của người đàn ông kia, chứ không phải lỗi của mình, càng không phải lỗi của mẹ. Thực ra cuộc sống của mẹ sẽ dễ dàng hơn mình không ra đời. Nhưng mẹ vẫn sinh mình vì mẹ tin vào Chúa. Mình không có bố, nhưng mình có Cha. Đó là Đức chúa từ bi.

- Nếu là mình, mình sẽ nín lặng, vì đơn giản mình nghĩ không gì đau đớn hơn là phải chịu ánh mắt kỳ thị của người khác.

- Mình hiểu, nhưng nếu mình nói dối, cũng có nghĩa là mình tự kỳ thị chính mình. Thực ra khi mình tôn trọng sự thật, và không lảng tránh nó, thì chẳng có gì đáng ngại đâu.

Đó là sự thật không ai có thể chối bỏ được. Chỉ còn 3 tháng nữa thôi, là mình sẽ thành công dân Pháp, và kể cả khi như thế, mình vẫn không xoá bỏ được sự thật mình là đứa con sinh ra từ tội ác của chiến tranh.

Lúc đầu mình sợ sự thật đấy, nhưng mình cứ nhìn thẳng vào nó và tiến lên thôi. Người ta chỉ sống khổ sở khi người ta sợ sự thật và lảng tránh nó. Nhưng mình hạnh phúc khi được sinh ra. Mẹ của mình là người mẹ vĩ đại nhất trên đời – Gael mỉm cười đầy hãnh diện.

Trang Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm