Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát "mẹ cho"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Với ước mơ tưởng chừng như không thể, giờ đây, cậu bé mù Nguyễn Minh Trí đã chính thức trở thành tân sinh viên khoa âm nhạc, bắt đầu hành trình trở thành thầy giáo dạy nhạc cho những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh.

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 1
Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 2

Nhận cuộc gọi trúng tuyển vào trường ĐH Sài Gòn - khoa Sư phạm âm nhạc, Nguyễn Minh Trí (19 tuổi) hét lớn, ôm chầm lấy ba mẹ và em gái đang run rẩy đứng bên cạnh chờ tin.

Cậu bé mù năm nào từng bị 2 trường âm nhạc từ chối nhận học giờ đã bước chân vào cánh cửa đại học. Trong năm học 2022-2033, Trí là tân sinh viên khiếm thị duy nhất, được tuyển thẳng vào trường ĐH Sài Gòn. 

Trí ơi, đi học nhé

"Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời,… Nếu có ra sao, thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn, tôi sẽ viết lên câu chuyện của cuộc đời, riêng tôi…", Trí ngân nga câu hát trong buổi văn nghệ tối 4/11 tại ngôi trường đại học mơ ước. Bên dưới khán giả vỗ tay rần rần, ngưỡng mộ giọng hát của Trí.

Từ ngày nhập học đến nay, ngày nào chàng trai 19 tuổi cũng mong từng giây phút được đến trường, được tập hát, được gặp gỡ bạn bè. 

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 3

Ước mơ đến trường của cậu bé mù đã trở thành hiện thực (Ảnh: Nguyễn Vy).

Mỗi ngày, đúng 7h30, Trí sửa soạn quần áo thật đẹp, rời khỏi khu trọ để xuống chờ cha -  ông Nguyễn Tá Tùng (47 tuổi) đón đi ăn sáng. Quê của em ở Tây Ninh nên ba hàng ngày phải chạy gần 100 cây số để đưa rước Trí đến trường. Hôm nào bận, ông Tùng đành nhờ xe ôm đến đón phụ nên Trí chưa từng đến trễ buổi học nào. 

Trên lớp học, Minh Trí lấy bảng viết chữ nổi Braille, nhờ bạn học đọc các nốt nhạc, rồi thoăn thoắt viết trên nền giấy xanh. Mới nhập học được 3 tuần, Trí chưa quen vì chỉ có em là học sinh khiếm thị. Trong khi các bạn nhìn thấy và kẻ được ô, các nốt nhạc, Trí chỉ có thể mò mẫm theo hàng chữ nổi.

Th.S Nguyễn Xuân Chiến (chủ nhiệm bộ môn Hợp Xướng) cho hay: "Minh Trí dù không thấy được nhưng hiểu bài rất nhanh và sớm theo kịp bạn bè. Khi nào không hiểu bài, em sẽ chủ động hỏi các bạn. Tôi chỉ lo những bài giảng sau này sẽ khó để Trí học nếu chỉ dò bằng chữ nổi".

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 4
Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 5

Giờ ra chơi, các bạn đứng quanh chàng trai, tò mò cách viết kiểu chữ đặc biệt, cả đám ồ lên khi Trí chỉ mất vài giây để hoàn thành câu "Tôi là Nguyễn Minh Trí". Đôi lúc, chàng trai tỏ vẻ ít nói, ngồi một mình vì sợ các bạn ngại, nhưng hễ cần mua nước, đi vệ sinh, trong lớp ai nấy vui vẻ cầm tay Trí dắt đi.

Bà Lê Thị Nguyên (46 tuổi, mẹ Trí) kể, khi 18 tháng tuổi, em đã biết hát, 22 tháng tuổi đã biết viết số từ 1-100. Thấy Trí ham học, gia đình đã xin cho em vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh. 

Ở lớp, Trí luôn ngồi bàn đầu, lúc nào cũng tỏ vẻ tập trung và thuộc hết các ngóc ngách để đi lại. Kể cả những công việc như vệ sinh phòng tắm, phòng sinh hoạt… Trí làm thuần thục và nhanh gọn khiến người khác không ngờ em bị khiếm thị. 

"Em rất thích học môn lịch sử, các chi tiết hiện sẵn trong đầu em mỗi khi có ai nhắc tới các trận chiến lớn như trận của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Tuy nhiên thì ở môn Toán em vẫn chưa giỏi lắm, vì học chữ nổi nên em gặp nhiều khó khăn trong việc vẽ hình", Trí bộc bạch.

Nam sinh kể, đã đặt tên một cuốn vở tên là "tình bạn". Cuốn vở này theo Trí suốt năm học ở Trung tâm, bởi nó lưu giữ kỷ niệm với một người bạn đáng quý.

"Ở lớp có Thanh là giúp em nhiều nhất. Bạn luôn đọc và ghi âm lại các bài học ở lớp rồi thường xuyên gửi cho em. Nhờ vậy mà về nhà em có thể tự làm bài tập được, sau đó em đã hát một đoạn rồi ghi âm gửi tặng cho bạn", Trí nói.

Với sự hiếu học, Trí đạt thành khá, giỏi 12 năm liền ở trường. Em còn có năng khiếu về âm nhạc khi "đụng đến nhạc cụ nào là biết chơi chỉ trong vài lần tập". Ngoài ra, Trí còn được mệnh danh là "vua giật giải" khi liên tiếp có được những danh hiệu trong các cuộc thi hát như giải nhì cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2014; giải nhất và nhì lần lượt các năm 2016, 2017 hội thi Tiếng hát Vành khuyên (Nhà văn hóa tỉnh Tây Ninh tổ chức); giải nhất, nhì hội thi Tiếng hát người khuyết tật lần lượt các năm 2019 và 2014,…

Trong đó, năm 2019, cuộc thi hát ở tỉnh Tây Ninh là ký ức đáng nhớ nhất giữa Trí và mẹ. Đó là lúc bà khóc khi nghe Trí hát bài "Gánh mẹ".

"Tôi chưa từng nghe bài hát đó bao giờ, nhưng vô tình lần đầu được Trí hát cho nghe. Những câu từ trong bài hát như lời nhắn nhủ của Trí gửi đến tôi, rằng Trí thấu hiểu những thương yêu, hi sinh mà ba mẹ dành cho. Từ đó con sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho đấng sinh thành", mẹ Trí xúc động.

"Cho con gánh mẹ một lần…"

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 6
Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 7

Ngược về 19 năm trước, khi chưa kịp hạnh phúc vì đứa con đầu lòng ra đời, bà Nguyên bàng hoàng khi nghe tin con bị mù một bên mắt phải. Bác sĩ nói, Trí bị chứng "tổ chức hóa pha lê thể".

Nuôi hi vọng, ba mẹ Trí chấp nhận bỏ hết công việc để đưa em đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện Nhi Đồng 1 đến bệnh viện nổi tiếng nhất ở Thái Lan. 

Đến 6 tháng tuổi, mắt bên trái của Trí cũng bị tình trạng tương tự. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng không thành công, mãi đến năm 10 tuổi, cả hai mắt bị teo lại khiến Trí bị mù hoàn toàn. Mỗi tháng, ba mẹ phải chi 5-10 triệu đồng để lo thuốc men cho em, ông bà ngoại cũng phải bán 15.000 m2 đất trồng củ sắn để góp sức. Tính sơ qua, trong suốt 4 năm chữa trị cũng phải tốn hơn 500 triệu đồng.

Không lâu sau đó, mẹ Trí sinh em bé nên cơ thể yếu dần, xuất hiện căn bệnh tai biến khiến cơ thể có nhiều biến chứng. Về sau, bà phải điều trị luôn cả bệnh teo não và tràn dịch màn phổi.

Công việc làm ăn thất thoát, cơ sở bán phụ tùng xe máy của mẹ Trí phá sản. Tay trắng, nhìn thấy con tật nguyền, mẹ tuyệt vọng hỏi Trí: "Hay bây giờ ba mẹ con mình ra Đà Nẵng chơi, cùng ăn món ngon rồi cùng nhau nhảy xuống biển, được không?".

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 8

Mỗi ngày, người cha chạy hàng trăm km để đưa Trí đến trường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chàng trai mù lặng im một lúc, đáp lời khiến mẹ thức tỉnh: "Mẹ sinh ra con, mẹ ở đâu thì con ở đó. Nhưng con muốn khuyên mẹ, đừng nói đến cái chết. Ở đời ai cũng có lúc vấp ngã, quan trọng là có biết đứng lên hay không. Dù con chưa từng nhìn thấy mặt mẹ, nhưng con sẽ luôn là điểm tựa vững chắc cho mẹ".

Giờ đây, chỉ có ba của Trí là lao động chính trong nhà, mỗi ngày cố lắm cũng chỉ được vài trăm nghìn từ công việc tài xế. Vậy mà, chưa lúc nào ba mẹ để em chịu thiệt. Mẹ Trí kể, hôm nào có nhiều tiền, cả nhà sẽ cùng đi ăn ngon. Nhưng cũng có hôm khó khăn, đành ăn cơm với rau, Trí cũng chưa từng than trách một lời mà còn "trả" bằng nụ cười hạnh phúc.

Cậu bé mù tiến thẳng vào đại học bằng giọng hát mẹ cho - 9

Mỗi ngày đến trường, Trí được bạn bè hỗ trợ để có thể hòa nhập nhanh nhất và có thể giúp Trí sớm hoàn thành ước nguyện làm thầy giáo dạy nhạc cho trẻ em khuyết tật (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Nhiều lúc không ngủ được, em cũng thử tưởng tượng ra gương mặt của ba mẹ, chắc là đẹp lắm. Lúc sờ lên mặt thì em phỏng đoán mẹ có gương mặt hình trái xoan, mũi dọc dừa. Còn ba chắc là mặt chữ điền, cảm giác vẻ ngoài của ba em hiền lắm", Trí nói.

Ngày hay tin Trí đậu đại học, gia đình không khỏi xúc động. Dù đoạn đường phía trước còn nhiều chông chênh, vất vả lắm, nhưng cả nhà đều nương tựa vào nhau. Ước mơ của Trí chính là trở thành thầy giáo dạy nhạc, quay về ngôi trường đã nuôi dạy em, trao "món quà" hoài bão cho những đứa trẻ khiếm thị khác.

Khi được hỏi mơ ước là gì, Trí đáp: "Em mơ được nhìn thấy, được ngắm xem gương mặt của ba mẹ và em gái. Em muốn biết ngôi trường của mình được sơn màu gì, có đúng như tưởng tượng của em không. Rồi em sẽ quay về ngôi trường ở Tây Ninh xem thầy cô đã từng dẫn dắt em giờ ra sao, quan trọng nhất là khi em thành thầy giáo rồi, có thể nhìn thấy dáng vẻ học trò của mình".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm