Cần xác định rõ vị trí của bậc học cao đẳng cộng đồng

Ngày 12/8, làm việc với Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xác định rõ vị trí bậc cao đẳng trong hệ thống giáo dục mới phát huy hết thế mạnh của loại hình này trong đào tạo nghề nghiệp, nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Thế mạnh của cao đẳng cộng đồng là độ mở trong tuyển sinh đầu vào, không giới hạn thời gian đào tạo; chương trình đào tạo đa ngành, đa cấp... Nhưng để tạo sự khác biệt, các trường cao đẳng cộng đồng cần mạnh dạn thay đổi tư duy để tiến tới tự chủ toàn bộ như doanh nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư với sự hỗ trợ về cơ chế đặt hàng đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương, đào tạo nghề theo nhu cầu.

Giáo dục sau phổ thông, không chỉ riêng cao đẳng cộng đồng, phải theo hướng tự chủ như doanh nghiệp, đảm bảo đào tạo nhân lực có chất lượng đồng thời tạo động lực để từng trường, từng cơ sở giáo dục xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, các trường cao đẳng cộng đồng phải bám sát nhu cầu nghề nghiệp đa dạng ở mỗi địa phương để phát huy lợi thế đào tạo đa ngành, đa nghề - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét, có quy định cụ thể những điều kiện đặc thù của cao đẳng cộng đồng từ điều kiện tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo linh hoạt, đa cấp, đa ngành, giáo viên cơ hữu. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương xem xét, hướng dẫn rõ quy định về hình thức quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo với các trường cao đẳng nói chung, trong đó có cao đẳng cộng đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, được thành lập thí điểm tại 6 địa phương từ năm 2000 đến nay, cả nước đã có 14 trường cao đẳng cộng đồng. Từ người chưa tốt nghiệp phổ thông đến người có trình độ trung cấp, cao đẳng đều có thể ghi danh theo học với hình thức tín chỉ hoặc mô đun tại trường cao đẳng cộng đồng.

Học viên khi hoàn thành một phần chương trình có thể đi làm, đến khi có điều kiện thì có thể học tiếp cho đến khi hoàn thành bậc cao đẳng hay liên thông lên bậc đại học. Vì vậy, thời gian học có thể kéo dài 5-7 năm, đáp ứng được mục tiêu học tập suốt đời của người dân. Cao đẳng cộng đồng đã đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân ngay tại địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Tuy nhiên, qua 14 năm hoạt động, bản thân các trường cao đẳng cộng đồng cũng tự nhìn nhận những lợi thế của loại hình đào tạo này chưa được phát huy đầy đủ, dường như các trường cao đẳng cộng đồng chỉ khác các trường cao đẳng khác ở tên gọi; phần lớn các trường cao đẳng cộng đồng không rõ định hướng, chiến lược phát triển, trong khi nhiều địa phương lúng túng về quản lý, chỉ đạo phát triển mô hình này do thiếu các quy định pháp lý cụ thể...

Theo Báo Tin tức