Cẩn trọng nuôi con theo phương pháp sính ngoại

(Dân trí) - Nuôi dạy trẻ theo cách của người Mỹ, người Nhật, Do Thái... được một số bậc phụ huynh áp dụng để mong con thành tài, thành người. Vậy nhưng, phương pháp có kết quả hay không còn phụ thuộc vào tính cách đứa trẻ và cả văn hóa, môi trường sống.

Ở Việt Nam, chăm con kiểu “nhập ngoại”

Tại chuyên đề “Nên dạy con theo phương pháp nào?” do Hội quán Các Bà mẹ tổ chức mới đây tại TPHCM đã mổ xẻ về các phương pháp “nhập ngoại” trong giáo dục con cái như theo cách người Nhật, Mỹ, Do Thái... đang được nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam áp dụng.

Phụ huynh dự chuyên đề “Nên dạy con theo phương pháp nào?”
Phụ huynh dự chuyên đề “Nên dạy con theo phương pháp nào?”

Cho rằng, trẻ con nhà mình thiếu nhất là tính tự lập, một người mẹ đang mang bầu cho hay: “Tôi sẽ dạy con theo cách của người Mỹ, trẻ cần phải tính tự lập thật cao”.

Trong khi đó, một ông bố có con gái chuẩn bị lên 3 chia sẻ, anh thích cách giáo dục trẻ của cả người Nhật, người Mỹ và cả người Do Thái. Mỗi nơi có một ưu điểm riêng nổi bật trong giáo dục tính cách, đạo đức, trí tuệ nên anh sẽ chọn những ưu điểm đó để áp dụng để dạy con.

Mỗi người một mong muốn về con cái nhưng điểm chung mà nhiều ông bố bà mẹ hiện nay có chung nỗi lo lắng là nuôi dạy con rất khó, trẻ không nghe lời. Thậm chí, nhiều người tìm đến các phương pháp giáo dục trẻ từ bên ngoài khi họ cho rằng mình “đầu hàng” hết cách.

Không có “hàng nhập” nào tối ưu

ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính TPHCM cho hay mỗi phương pháp giáo dục con của các nước đều có cái hay riêng không thể phủ nhận. Vậy nhưng, các phương pháp đó phù hợp với người Việt Nam nói chung và từng đứa trẻ nói riêng ở mức độ nào là điều cần chú ý. Phụ huynh không được quên, con mình là người Việt, nói tiếng Việt, giao tiếng và tương tác trong môi trường, văn hóa của đất nước.

Khi phương pháp không phù hợp với tính cách đứa trẻ, điều kiện sống của chúng thì có thể gây tác dụng ngược do đứa trẻ có thể bị loạn. Cùng với sự cưng chiều con quá mức của cha mẹ làm cho đứa trẻ trở nên khó dạy.

Bà Thúy phân tích, dạy con tự lập là điều cần thiết. Lấy bối cảnh ở Việt Nam mà áp dụng phương pháp dạy con tự lập như cách của người Mỹ có thể dẫn đến việc đứa trẻ tự tin một cách thái quá - giới hạn rất mong manh với tự kiêu; có thể trẻ sẽ không tuân theo các các luật lệ, quy ước của gia đình, xã hội. Và bố mẹ phải hình dung và chấp nhận tương lai về già của mình có thể là... viện dưỡng lão.

Theo ThS Phạm Thị Thúy, nếu biết cách, việc nuôi dạy con không khó. 
Theo ThS Phạm Thị Thúy, nếu biết cách, việc nuôi dạy con không khó. 

Ngay cả phương pháp giáo dục con theo cách truyền thống người Việt theo chuyên gia này cũng có hai mặt. Cái hay là chúng ta coi trọng đạo đức lễ, lễ giáo, tình cảm anh em, láng giềng. Vậy nhưng mặt trái là giáo dục con của cha mẹ Việt trước đây quá nghiêm khắc và “người lớn nói sao thì trẻ biết vậy” nên đứa trẻ khi lớn lên thường tự ti, ít dám phản biện hay nói lên chính kiến của mình. Đặc biệt, đang có sự thay đổi trong mong muốn nuôi dạy con của người Việt, nếu trước đây, cha mẹ mong muốn con nên người thì hiện nay, phụ huynh đang chạy theo mục tiêu làm sao để con mình thật giỏi, thông minh, thành đạt.
 
Để có một phương pháp giáo dục phù hợp với con mình, ThS Phạm Thị Thúy đưa ra công thức 5W + 1H. Theo đó, cha mẹ cần trả lời được những câu hỏi như Con là ai? Cha mẹ là ai? Mục tiêu mà cha mẹ mong muốn? Nội dung dạy? Dạy vào những thời điểm nào? Hoàn cảnh, nơi sống đứa trẻ đang ở và sẽ ở? Và cách tốt nhất để đối với đứa con mình. Với bất kỳ phương pháp nào, các thành viên trong gia đình phải thống nhất cách dạy con, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
 
Phụ huynh có quá ít thời gian cho con
 
“Bố mẹ cần biết tiếp thu và biến đổi phương pháp dạy con khi cần thiết, họ phải cảm nhận rõ phương pháp đó có hay với con mình không. Nếu thấy bất ổn với con, với mình, hãy dừng lại đừng vì thấy người khác làm được mà mình phải cố. Mỗi đứa trẻ có một cá tính, hoàn cảnh sống riêng nên không có một phương pháp tối ưu nào cho tất cả mọi phụ huynh. Có những cách giáo dục tốt với đứa trẻ này nhưng lại nguy hại với đứa trẻ khác. Vấn đề của nhiều phụ huynh hiện nay là họ có quá ít thời gian cho con”. - ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy

Hoài Nam