GS. Vũ Dương Ninh:

Cần thay đổi sách giáo khoa môn Lịch sử

(Dân trí) - Lại một lần nữa dư luận được tiếp nhận thông tin điểm thi môn Lịch sử ĐH, CĐ năm nay thấp. Điều đó cho thấy sự thật việc học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay chẳng những mang lại sự hứng thú cho các em mà còn trở nên nhàm chán.

Nhiều câu hỏi lặp lại

Nhận xét về việc dạy Lịch sử hiện nay ở các trường THPT, Thạc sĩ Nguyễn Văn Diện - giáo viên dạy sử trường THPT Thanh Chương (Nghệ An) chia sẻ: Thực trạng dạy môn Lịch sử hiện nay vẫn còn tình trạng đọc chép nhiều. Sở dĩ đọc chép như vậy là do đa số học sinh không hứng thú với nhiều môn này nên khó chia sẻ trao đổi. Hơn nữa dạy môn sử hiện nay ở trường phổ thông thiếu nhiều trang thiết bị như: tranh ảnh, bản đồ… Mặt khác, việc dạy môn Lịch sử đôi khi bị dưới hạn về thời gian tiết học/đơn vị bài nên khi chú trọng dạy cho học sinh hứng thú thì lại không hết chương trình so với quy định. Chính vì vậy nhiều khi cũng phải dạy “chay” để đuổi kịp với chương trình”.

Theo GS. Vũ Dương Ninh, giảng viên khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, “sách giáo khoa Lịch sử của chúng ta hiện nay nặng về viết sử Đảng quá, khiến cho nhiều câu trong sách sử lặp đi lặp lại nhiều lần theo một mô típ, chính vì thế nhiều khi học sinh cảm thấy học không thích thú với bài học”.

Cần viết lại chương trình sách giáo khoa

Để hạn chế tình trạng bất cập trong dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay. GS. Vũ Dương Ninh cho rằng: “Sách giáo khoa cần thay đổi, nên gộp các bài nhỏ thành một bài lớn, cần viết nêu sự kiện và hình ảnh để làm người học tự khai mở, bằng logíc chuỗi sự kiện…”.

Tiến sĩ Đặng Thanh Toán, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ý kiến, muốn để học sinh yêu môn Lịch sử cần phải tăng cường cách dạy gợi mở. Giáo viên chỉ là người giải đáp còn phần lớn do học sinh tìm hiểu, gợi mở bài học. Để làm được cách học này yêu cầu phải có dụng cụ dạy học như tranh ảnh, bản đồ liên quan đến học Lịch sử. Đặc biệt người giáo viên phải tâm huyết, kiến thức lịch sử sâu rộng.

Chương trình, sách giáo khoa, cách dạy môn Lịch sử còn bất cập khiến cho việc học môn Lịch sử không trở nên mặn mà với học sinh. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có cuộc khảo sát và đánh giá đúng về thực trạng này để tìm ra một hướng giải quyết thích hợp, làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn với học sinh. Nếu không thì hiện tượng nắm vu vơ kiến thức sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Tuấn Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm