Cần nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng du học sinh
(Dân trí) - “Người Việt cá nhân rất xuất sắc. Nhưng người Việt như chiếc đũa, nhành tre, trong khi sức mạnh lại chỉ đến từ cả bó đũa, lũy tre. Chúng ta cần có nhiều hoạt động để gắn kết hơn nữa”.
Bà Ninh nhấn mạnh: Nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai là tuổi trẻ. Một trong những đặc thù hiện nay của Việt Nam là được đào tạo rất đa dạng. Nếu trước đây chỉ ở khối Liên Xô – Đông Âu thì bây giờ địa bàn học tập của học sinh Việt Nam khắp thế giới… Đây là vốn quý giá để chúng ta hội nhập với quốc tế.
PV: Hiện nay nguồn nhân lực Việt Nam được đào tạo ở khắp thế giới nhưng sự gắn kết giữa các cộng đồng du học chưa được thắt chặt. Ý nghĩa của việc kết nối cộng đồng du học sinh có ý nghĩa như thế nào trong thời hiện nay, thưa bà?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Người Việt cá nhân rất xuất sắc và có sự kết nối sẽ xuất sắc hơn. Người Việt như chiếc đũa, nhánh tre nhưng sức mạnh phải là sức mạnh từ bó đũa, cả lũy tre nên theo tôi sự kết nối, chia sẻ, tương tác rất có ý nghĩa.
Chúng ta cần nhiều hoạt động, diễn đàn gắn kết du học sinh ở các nơi, những người bạn mới khi đến với nhau biết đâu sẽ nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng. Và đó chính là những miếng đất màu mỡ bồi đắp nên thế hệ lãnh đạo, tài năng không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế, khoa học… Là hạt giống cho sự phát triển xã hội.
Sự kết nối cần lan tỏa ra hơn nữa trong từng cộng đồng và các cộng đồng với nhau; thế hệ đi trước và thế hệ đi sau; kết nối du học sinh đã về và du học sinh chưa về… Đó chính là sự chia sẻ cơ hội rất hữu ích để tạo thành sức mạnh của bó đũa. Quan hệ về giáo dục là một kênh kết nối rất quan trọng, nó đưa về vốn tình cảm, phát huy được nguồn lực con người.
PV: Một vấn đề chúng ta nhắc nhiều đến lâu nay là thu hút người tài trở về đất nước. Bà đánh giá thế nào về “sức hút” trong nước hiện nay đối với du học sinh?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Cách đây một số năm, sức hút này chưa thật rõ nét nhưng gần đây sức hút để với du học sinh qua về đã bắt đầu có.
"Đi học ở nước ngoài không có nghĩa là chảy chất xám. Việc đi học cao học, tiến sĩ ở nước ngoài là cơ hội, rất cần thiết. Điều tôi phân vân là các bạn ra nước ngoài để học đại học, thậm chí nhiều phụ huynh cho con đi du học từ lúc phổ thông. Một vấn đề rất đáng suy nghĩ" Bà Tôn Nữ Thị Ninh |
Đây không phải là một vấn đề dễ dàng nhưng không phải là không thể và chịu tác động bởi hai yếu tố khách quan và chủ quan. Tôi muốn nói đến yếu tố chủ quan từ chính những người đi học bên ngoài.
Khi hướng về nước, chúng ta không nên yêu cầu, đòi hỏi một mâm cỗ dọn sẵn còn mình ở vị trí “thượng khách” chỉ vô là dùng cỗ. Mà chúng ta cần tư duy mình về để cùng mọi người soạn mâm cỗ và cùng dùng mâm cỗ một cách vui vẻ, xứng đáng nhất.
PV: Thưa bà, du học sinh có nhiều đắn đo giữa việc về nước và ở lại sau khi học xong?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Theo tôi, học xong không nhất thiết phải về nước ngay mới là yêu nước, chúng ta có thể thể hiện lòng yêu nước ở nơi mình đang sinh sống. Có người sau ba năm, có người sau 10 năm… miễn sao các bạn vẫn hướng về đất mẹ.
Ví dụ như trường hợp chị Nghiêm Thanh Hương, cháu ngoại của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Chị Hương sinh ra ở Pháp, chỉ bập bẹ vài chữ tiếng Việt và đến cuối năm ngoái chị mới về nước lần đầu tiên và bây giờ chị muốn sống và gắn bó với Việt Nam.
Có nhiều con đường để xây dựng đất nước, có thể rất ngắn nhưng cũng có thể rất dài. Nhưng tôi mong rằng qua các kênh thông tin, qua internet, các bạn cũng nắm được rõ hơn hiện trong nước có nhiều chính sách, nhiều hoạt động để thu hút người tài.
Hoài Nam (ghi)