Thế giới "tình yêu chu cấp" âm thầm bùng nổ trên không gian mạng
(Dân trí) - Những kẻ môi giới, hoặc sugar baby thường lên mạng và tải những hình ảnh gợi cảm để hấp dẫn người xem, sau khi được phản hồi sẽ gửi ảnh thật và bắt đầu đưa ra thỏa thuận với đối phương.
Chỉ cần gõ từ khóa "sugar baby", "sugar daddy" trên nền tảng mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ tìm thấy vô vàn hội nhóm gợi ý, trao đổi thông tin, móc nối quan hệ tình cảm mập mờ.
Sau khi trả lời một số câu hỏi của người kiểm duyệt như "Bạn là baby hay là daddy, vui lòng trả lời để được phê duyệt", bạn trẻ sẽ trở thành một thành viên của hội nhóm chuyên hoạt động và chia sẻ nội dung liên quan đến "tình - tiền".
Có thể hiểu, "sugar baby" - những "con nuôi" là các cô gái trẻ, đẹp muốn được chu cấp về tài chính đều đặn khi thiết lập mối quan hệ tình cảm đổi chác với "sugar daddy" - những "ông bố nuôi". Và ngược lại, những "ông bố nuôi" sẽ chu cấp cho các "con nuôi" về tài chính và hỗ trợ cả về mặt "tình cảm" trong một khoảng thời gian theo thỏa thuận.
Được biết, hiện tượng này đã xuất hiện một thời gian dài, được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Thậm chí một số bài báo đã thẳng thắn chỉ ra mối quan hệ "sugar baby - sugar daddy" thực chất là mại dâm trá hình.
Tuy vậy, hiện tượng này vẫn chưa từng hạ nhiệt trên mạng xã hội mà ngược lại ngày càng nở rộ với số lượng thành viên của các hội nhóm sugar daddy, sugar baby ngày càng gia tăng.
Không chỉ ở mạng xã hội Facebook, các hội nhóm "tình yêu chu cấp", "sugar baby - sugar daddy" hoạt động rộng khắp ở các mạng xã hội khác như Twitter, Telegram, Zalo…
Để "chào hàng" được nhiều "bố nuôi", người môi giới đăng hình ảnh gợi cảm thiếu vải, miêu tả số đo hình thể, từ chiều cao, cân nặng cho tới 3 vòng, ưu điểm của các cô gái và mức yêu cầu tài chính cần chu cấp… Tùy theo nhu cầu của mỗi ông "bố nuôi" về tiêu chuẩn và khả năng tài chính sẽ chọn "con nuôi" phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần những đối tượng đăng bài tìm "bố nuôi" hoặc "con nuôi" đều sử dụng hình ảnh giả mạo để thu hút sự chú ý. Điều này dẫn tới hiện tượng rất nhiều cô gái trẻ xinh đẹp bị lợi dụng hình ảnh vào mục đích xấu.
Những kẻ môi giới, hoặc sugar baby thường lên mạng và tải những hình ảnh phái nữ gợi cảm để hấp dẫn người xem, sau khi được phản hồi tin nhắn thì họ sẽ gửi ảnh thật và bắt đầu đưa ra thỏa thuận với đối phương.
Phan Hoàng Thiên Thy là nạn nhân của việc bị lấy hình cá nhân để "chào hàng" trên các hội nhóm "sugar baby, sugar daddy". Cô cho biết: "Sau khi bị dùng hình ảnh vào mục đích xấu, mình đã thử tạo một tài khoản Twitter và đi dạo một vòng để tìm hiểu thực hư.
Mình nhận thấy các bài viết tìm "bố nuôi", "con nuôi" hay thậm chí là bán dâm, bán ảnh, clip... rất phổ biến và công khai".
Có rất nhiều kiểu quan hệ "bố nuôi" - "con nuôi" khác nhau nhưng phổ biến và rộng rãi nhất đó là chu cấp tài chính - đáp ứng nhu cầu tình dục.
Đây được xem là hình thức mua bán dâm trái phép tiềm ẩn nhiều hệ quả cho chính cá nhân họ cũng như cho gia đình và xã hội.
Dưới góc nhìn pháp luật mối quan hệ "sugar daddy - sugar baby" có bị xem là hình thức mại dâm và vi phạm pháp luật không, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã trả lời báo Dân trí như sau:
Theo Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực từ năm 2010, quan hệ bố nuôi - con nuôi hợp pháp chỉ khi bố nuôi hơn con nuôi 20 tuổi và con nuôi dưới 18 tuổi. Nhận con nuôi là một việc làm nhân đạo, được xã hội khuyến khích bởi giúp cho trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh éo le được phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần
Thế nhưng, tên gọi "bố nuôi - con nuôi" kiểu sugar daddy - sugar baby đang bị biến chất bởi nhiều người đang lợi dụng danh nghĩa đó để thực hiện những cuộc đổi chác "tình - tiền".
"Dưới góc độ pháp lý, hành vi quan hệ tình dục để đổi lại lợi ích vật chất không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, mà những khía cạnh của nó có thể được xem là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp, mối quan hệ giữa sugar daddy - sugar baby có sự thỏa thuận nhất định về số tiền, số lần gặp gỡ thì đó là biểu hiện của hành vi mua, bán dâm", luật sư Quỳnh Mai cho hay.
Trong trường hợp này chúng ta cần phải nhìn nhận ở rất nhiều vấn đề như những rủi ro về mặt pháp lý đối với "sugar daddy" hay những rủi ro về mặt sức khỏe và tâm lý cho những "sugar baby".