Cần nâng cao đào tạo nhân lực hàng không để sánh với các nước trong khu vực
(Dân trí) - Đào tạo nhân lực ngành hàng không tại Việt Nam cần nâng cao, mở rộng để sánh ngang với đào tạo nhân lực trong ngành này của các nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Indonesia…
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhấn mạnh nội dung này tại lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Học viện Hàng không Việt Nam (24/3/1979-24/3/2024).
Ông Đinh Việt Thắng đánh giá, trường có sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng không, đào tạo đa dạng nhưng vẫn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị như đào tạo nhân lực hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia theo chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam; đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật quản lý, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp…
Đồng thời, trường bắt nhịp xu thế khi mở rộng đào tạo nhiều ngành khác theo yêu cầu giáo dục đào tạo quốc gia ở bậc đại học, sau đại học; cập nhật, phát triển hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không dân dụng; gắn kết đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác quốc tế…
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lưu ý, để trở thành cơ sở đào tạo chuyên ngành các cấp theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 theo quyết định phê duyệt của Chính phủ, trường cần quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên; xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo, huấn luyện về hàng không tương thích với trình độ đào tạo quốc tế; đầu tư phát triển cơ sở, vật chất trang thiết bị đào tạo chuyên ngành…
"Đặc biệt, trường cần nâng cao, mở rộng năng lực đào tạo để sánh ngang với Học viện Hàng không của các nước Singapore, Philippine, Indonesia… Như Singapore đang đào tạo nhân lực hàng không không chỉ cho Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn đào tạo theo đơn đặt hàng của các tổ chức quốc tế như ASEAN, EU, ICAO", ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Ông Thắng cũng lưu ý, việc đào tạo trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhưng không quên đào tạo phẩm chất đạo đức và kỹ năng mềm để sinh viên ra trường tự tin hòa nhập với môi trường làm việc sôi động đòi hỏi cao về tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức trong công việc.
Học viện Hàng không Việt Nam xuất phát điểm từ Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ Hàng không được thành lập năm 1979, nhiệm vụ trong giai đoạn này là đào tạo sĩ quan sơ cấp bay; bổ túc cán bộ sơ cấp, trung cấp các ngành về nghiệp vụ hàng không; đào tạo học viên tài vụ, vận chuyển thương mại, thông tin, nhân viên phục vụ trên không và nhân viên kiểm soát không lưu…
Năm 1994, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định chuyển đổi tổ chức "Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng không" thành "Trường Hàng không Việt Nam" trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Học viện Hàng không Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Hàng không Việt Nam Việt Nam trở thành cơ sở đào tạo đại học trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động theo Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đến nay, học viện này có 22 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 4 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 2 ngành đào tạo sau đại học với quy mô gần 10.000 sinh viên, học viên. Số cán bộ, giảng viên tại trường là hơn 500, trong đó giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 30%.