Cận giờ thi, nhiều thí sinh vẫn lo lắng ôn bài
(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 10 tiếng nữa là đến thời điểm các sĩ tử phải dồn hết kiến thức bắt đầu vượt vũ môn, bước vào kỳ thi ĐH quyết định cho tương lai của mình. Lo lắng cho môn thi đầu tiên vào ngày mai, rất nhiều sĩ tử vẫn miệt mài đèn sách.
Vừa ăn xong bữa cơm chiều, Nay Bương, dân tộc J’rai đến từ huyện Krông Pa, Gia Lai (thi vào ngành Tài chính ngân hàng, ĐH Tây Nguyên tại TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lắk) đã vội vàng mang sách ra học. Bương cho biết, ở xã em ở từ xưa đến nay mới có một mình em là người đầu tiên đi thi đại học, chính vì vậy Bương rất lo lắng và hy vọng vào kì thi lần này. Bởi với Bương đậu đại học không chỉ làm thay đổi cuộc đời mình, thực hiện được mơ ước trong tương lai mà nó còn có nhiều ý nghĩa trong việc làm thay đổi nhận thức của người dân nơi em ở.
“Rất nhiều người ở chỗ em luôn quan niệm cái chữ không làm no bụng bằng lên rẫy, nên nhiều người họ không muốn cho con đi học, khiến cuộc sống của nhiều gia đình càng ngày càng nghèo đói trong khi xã hội ngày càng phát triển. Nên em rất muốn được đậu đại học, được làm cán bộ để cho các em nhỏ ở quê em làm gương, cố gắng học tập”, Bương tâm sự.
Chính vì vậy, dù thời gian cho môn thi đầu tiên chỉ tính từng giờ nhưng Bương vẫn chưa nghỉ ngơi mà luôn lo lắng tranh thủ học bài, củng cố kiến thức.
Thời gian đang ngày càng đếm ngược, khiến em Lê Quỳnh Hoa đến từ huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk năm nay dự thi vào ngành Tài chính ngân hàng, ĐH Tây Nguyên càng thêm hồi hộp lo lắng. Hoa chia sẽ, với em được học đại học chính là con đường bằng phẳng và tốt nhất để bước vào tương lai. Chính vì vậy, để khỏi “hối hận” nên dù thời gian chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng Hoa vẫn cố gắng tranh thủ học đến 23h mới đi ngủ:
“Nếu không đậu năm đầu thì năm sau rất khó đậu, vì kiến thức mỗi ngày mỗi khác. Chính vì vậy, em phải học hết mình để không phải hối hận”, Hoa nói.
Cùng nỗi lo giống như Hoa và Bương, dù đồng hồ đã chỉ sang con số 9h tối nhưng rất nhiều sĩ tử vẫn chưa đi ngủ, dành thời gian tranh thủ củng cố lại kiến thức.
Hòa mình vào không khí này, ông Lương Phẩm, người dân tộc Chàm đến từ Ninh Thuận dẫn con và 3 đứa cháu đi thi luôn thấp thỏm, lo âu: “Nhìn thấy mấy đứa cả ngày cứ ôm sách vở học bài mà mình cũng lo theo, tôi có khuyên thằng con tôi đi nghỉ sớm để ngày mai lấy sức đi thi nhưng nó cứ bảo để học thêm chút nữa, khiến tôi cũng không dám đi ngủ trước”.
Thiên Thư