Cần có cái nhìn khác về đào tạo giáo viên
Kể từ năm 2018, việc lựa chọn, tính toán chỉ tiêu đầu vào (kể cả cắt giảm) nếu không nói là một phương án kịp thời thì cũng đã đến lúc phải làm! Hiện vẫn tồn tại một tâm lí chung sợ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí danh tín của nhà trường. Theo tôi, đã đến lúc cần có một cái nhìn khác về đào tạo giáo viên!
TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – nêu quan điểm như vậy khi trao đổi về dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm sửa đổi, bổ sung Bộ GD&ĐT mới ban hành.
Tránh đào tạo giáo viên ồ ạt
TS Tôn Quang Cường cho biết: Theo thông lệ quốc tế, việc đào tạo giáo viên ít khi được tính toán dựa trên số lượng nhu cầu tuyển sinh chung của mỗi trường đại học mà căn cứ vào các báo cáo thống kê, dự báo nhân lực rất sát của các cơ quan quản lí giáo dục từ cấp trung ương đến địa phương.
Hơn nữa, hệ thống kiểm định giám sát chất lượng và chứng chỉ hành nghề giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng khiến các trường đào tạo giáo viên luôn phải cân nhắc số lượng tuyển sinh, tránh hiện tượng đào tạo ồ ạt.
Các trường đào tạo giáo viên ngoài những nhiệm vụ chung (như các cơ sở giáo dục đại học khác) thực chất còn thực hiện 2 nhiệm vụ đồng thời quan trọng: đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp cho giáo viên tại nhiệm. Vấn đề này từ trước đến nay thường bị đặt hơi lệch về vế thứ nhất.
“Thực tế cho thấy, chúng ta chưa chắc đã thừa giáo viên theo đúng nghĩa, nhưng chắc chắn là đang thừa những người được đào tạo làm giáo viên mà chưa bố trí được công việc đúng nghề! Có một tỉ lệ không nhỏ sinh viên tốt nghiệp sư phạm đang mất đi cơ hội được bồi dưỡng, duy trì tay nghề, kiến thức trong ít nhất một vài năm cho đến khi tìm được vị trí việc làm phù hợp!” – TS Tôn Quang Cừng chia sẻ.
Từ đó, Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục cho rằng: Trong thời gian trước mắt, các trường buộc phải nhìn nhận lại vấn đề này để vượt qua rào cản tâm lí về câu chuyện chỉ tiêu tuyển sinh.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tuy mỗi nước có một cách tổ chức riêng, nhưng xét về tổng thể số lượng sinh viên sư phạm chính qui luôn ít hơn số học viên là giáo viên tại nhiệm (đối tương được đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn) đang theo học tại cùng một thời điểm, số chương trình đào tạo sư phạm luôn nhỏ hơn số lượng các chương trình đào tạo bồi dưỡng (kể cả học trực tuyến, từ xa và hỗn hợp).
Đào tạo giáo viên từ 2018 cần tính đến yếu tố thời cuộc
Theo TS Tôn Quang Cường, việc đào tạo giáo viên mới (kể từ năm 2018 trở về sau) cần tính đến yếu tố thời cuộc: sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng 4.0, các công nghệ mới đang từng ngày được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục và đào tạo, tạo ra các phương thức, mô hình dạy học mới, sự tác động của hội nhập khu vực và quốc tế, thách thức của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mới...
Vì vậy, các trường nên tập trung vào bài toán chất lượng, tái cơ cấu chương trình đào tạo mang tính trọng tâm, đặc thù ngành nghề thay vì an bài với số lượng như trước đây. Chúng ta cần hình dung một cách rõ ràng rằng sau 4 năm nữa chân dung người giáo viên sẽ như thế nào, họ sẽ hành nghề ra sao, đáp ứng và thích ứng được theo những qui chuẩn nào.
Bên cạnh đó, chính sách miễn học phí sư phạm trong những năm gần đây đã không còn sức hấp dẫn mạnh mẽ trong việc thu hút sinh viên đầu vào. Tỉ suất đầu tư theo học sư phạm so với học phí đã nâng lên khá nhiều so với trước đây, chi phí cơ hội và “tái đầu tư” trong quá trình học với mong muốn bổ sung kĩ năng khác, tăng cơ hội việc làm cũng đã vượt nhiều lần so với khoản miễn học phí. Điều này cũng có tác động không nhỏ đến sự suy giảm đầu vào sư phạm trong những năm qua.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh là dữ kiện tiên quyết
TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: Như vậy các trường đã đến lúc phải nghĩ đến đào tạo như thế nào chứ không phải là bao nhiêu chỉ tiêu tuyển sinh. Việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp (kể cả cắt giảm) không phải là một sức ép hay mệnh lệnh hành chính mà chính là bài toán tự thân của mỗi nhà trường.
Trong bài toán đó thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh là dữ kiện tiên quyết. Các yêu cầu về xếp loại học lực (Khá, giỏi) hay tính điểm bài thi các môn văn hóa cũng mới chỉ là những yêu cầu chung.
Ngoài ra, mỗi trường cần có những qui định xét tuyển, sơ tuyển bổ sung riêng, phù hợp với từng chương trình, ngành đào tạo giáo viên cụ thể, mang tính đặc thù cho hoạt động nghề nghiệp sau này. Điều này giúp cho các thí sinh có cơ hội được thể hiện những “kĩ năng tiền đề”, bộc lộ sự say mê, hứng thú đối với nghề giáo viên.
Một khi các trường đã xây dựng được những qui định này thì quá trình tuyển sinh có thể thực hiện thành nhiều đợt trong năm. Nhất là khi các trường hiện nay về cơ bản đã chuyển đổi và bước đầu có kinh nghiệm triển khai đào tạo theo tín chỉ, đào tạo song bằng, ngành chính/phụ.
Việc triển khai tuyển sinh thành nhiều đợt cũng là một cơ hội tốt để mỗi trường có thời gian tự đánh giá, kịp thời điều chỉnh phương án tuyển sinh linh hoạt về số lượng, cơ cấu, thành phần đối tượng…
“Trong bối cảnh đào tạo giáo viên hiện nay, theo tôi, số lượng hợp lí về cơ cấu ngành, đa dạng hóa các chương trình đào tạo, ứng dụng mạnh công nghệ mới trong đào tạo, có sơ tuyển và sàng lọc (theo các phương thức linh hoạt tùy từng trường) sẽ là những yếu tố để đảm bảo vấn đề tuyển sinh sư phạm cho các trường” – TS Tôn Quang Cường.
Theo Hiếu Nguyễn
Giáo dục & Thời đại