TP Cần Thơ:
Cảm phục người phụ nữ 8 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em bán vé số
(Dân trí) - Thương cảm các em nhỏ bán vé số không được đến trường, cô Hiếu quyết định mở lớp học miễn phí tại nhà để dạy chữ cho các em nhỏ bán vé số. Qua 8 năm hoạt động, lớp học cô Hiếu mở rộng đối tượng, tiếp nhận và dạy kèm những học sinh kém…
Lớp học đặc biệt nêu trên là của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (53 tuổi, còn gọi là cô Uyên) - ngụ tại phường An Cư, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Khoảng những năm 2008 - 2009, cô Hiếu không ít lần chứng kiến các em nhỏ bán vé số khóc bù lu bù loa vì tính nhầm tiền cho khách hoặc chạy lòng vòng hỏi thăm tên đường, tên quán mà các em đang bán để người thân đến đón về… Thấy các em chịu nhiều thiệt thòi vì chuyện không được đến trường, cô Hiếu quyết định mở lớp học tình thương tại nhà, dạy chữ cho các em bán vé số từ đó.
Khi mở lớp, cô Hiếu tận dụng gian nhà trước làm lớp học dạy chữ mỗi tối cho các em. Bàn ghế cũ trong nhà, cô mang sửa lại cho các học sinh mình ngồi học, số gỗ cũ trong nhà cô Hiếu tận dụng làm thước, làm bảng cho các học trò… Dù cô Hiếu cố gắng trang bị cho lớp học của mình nhưng còn thiếu nhiều thứ, tuy nhiên cô trò vẫn vui vẻ lên lớp, tiếng ê a đánh vần vang khắp xóm… Nhiều em nhỏ bán vé số hay những em có hoàn cảnh khó khăn kéo đến học, mỗi ngày một đông hơn.
“Cái khó nhất khi tôi mở lớp học tình thương chính là kiến thức và phương pháp dạy. Mặc dù trước đây tôi từng tham gia dạy phổ cập ở trường Lê Quý Đôn (trên địa bàn quận Ninh Kiều) nhưng sau những lần cải cách sách nên kiến thức, phương pháp dạy thay đổi nhiều lắm. Tôi phải học vi tính, học cách tra cứu trên internet rồi vào các diễn đàn, nối kết với các bạn sinh viên sư phạm… cập nhật, bổ sung kiến thức mới tự tin dạy cho các cháu”, cô Hiếu chia sẻ.
Bao năm qua, côHiếu được các em nhỏ nơi đây gọi là cô giáo, gọi là mẹ hiền, vì cô không chỉ dạy chữ, dạy phép tính cho các em mà còn dạy cả những điều hay lẽ phải, dạy các em biết cách làm người tử tế…
Bạn Lê Hoàng Nam - sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Em đến hỗ trợ lớp học cô Uyên (cô Hiếu) được hai năm rồi. Khi đến đây, thấy mỗi em có hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là đặc biệt khó khăn, các em đi bán vé số, không có cơ hội đến trường như các em nhỏ khác, các em thiệt thòi lắm. Nhìn các em chăm chú, cẩn thận viết từng con chữ mà mình không cầm được nước mắt. Riêng cô Uyên chăm sóc, dạy dỗ các em giống như con của mình. Cô Uyên không những dạy chữ viết mà còn dạy cả đạo đức để các em trở thành người có ích cho xã hội”.
Nhiều năm qua, sau khi bán hết vé số, em Trần Phương Bình (8 tuổi, quận Ninh Kiều) đến lớp học cô Uyên vào mỗi tối. Hỏi thăm hoàn cảnh em Bình được biết, hiện em sống cùng bà ngoại già yếu, cha đang ở tù vì vi phạm pháp luật, còn mẹ đã bỏ đi từ lâu. Em Bình chia sẻ: “Cô Uyên tốt bụng lắm, con xem cô Uyên như mẹ của mình. Ngoài dạy con đọc chữ, cô Uyên còn dạy con những điều hay, lẽ phải làm người tốt của xã hội”.
Ngoài việc dạy chữ miễn phí cho các em nhỏ, cô Hiếu còn thường xuyên tặng bánh, kẹo cho các em
Hiện tại, lớp học cô Hiếu được chia làm thành 2 nhóm, dưới nhà dành cho nhóm từ lớp 1 đến lớp 3, trên gác từ lớp 4 đến lớp 8 và có trên 20 em đang theo học. Cảm động trước tấm lòng của cô, thời gian qua nhiều sinh viên tình nguyện đến phụ giúp cô Hiếu dạy các em những lúc rảnh rỗi. Những năm gần đây, từ kinh nghiệm và từ sự giúp sức của các em sinh viên nên lớp học tình thương côHiếu mở rộng đối tượng, nhận luôn các em học sinh ngồi nhầm lớp hoặc không có điều kiện học thêm.
Ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch UBND phường An Cư cho biết: "Lớp học tình thương của cô Hiếu đã giúp đỡ cho không ít trường hợp trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, bán vé số,… trên địa bàn phường và các khu vực lân cận. Từ đó, góp phần giáo dục, định hướng các em trở thành người công dân tốt giúp ích cho xã hội. Ngoài việc chăm lo chuyện học hành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thời gian qua cô Uyên còn kết hợp với địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Việc làm của cô Uyên, ủy ban và người dân phường An Cư rất trân trọng".
Học trò cô Hiếu không có đồng phục, không khăn quàng đỏ; học trò cô Hiếu đến lớp bằng những quyển vở, tấm bảng thủ công… Và có khi trong túi đựng sách vở còn có sắp vé số, tấm giấy dò số… Buổi học khép lại, các học trò cô Hiếu về nhà chìm trong giấc ngủ sâu, các em mơ mình trở thành cô giáo, thành bác sĩ… Và biết đâu chừng những giấc mơ ấy trở thành hiện thực.
Nguyễn Hành