Nghệ An:

Cảm phục đôi vợ chồng giáo viên "cắm bản", mỗi ngày nói 3 thứ tiếng

(Dân trí) - “Các em ở đây chủ yếu là 2 dân tộc là H’Mông và Khơ Mú cùng sinh sống. Hằng ngày tôi đi dạy các em phải nói đến 3 thứ tiếng là tiếng phổ thông (Kinh), Khơ Mú và H’ Mông. Ở đây các em đều biết đọc biết viết đầy đủ, tuy nhiên về hiểu nghĩa từ còn gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng để các em dễ hiểu nghĩa từ của tiếng Việt hơn...”, cô giáo Minh chia sẻ.

Cảm phục hai vợ chồng cô giáo bám bản

Suốt nhiều năm liền hai vợ chồng cùng nhau vượt qua trăm ngàn khó khăn để gieo những con chữ tại điểm trường từng được xem là khó khăn nhất ở mảnh đất biên giới Tương Dương, Nghệ An. Nói về những vất vả trong công việc cô Minh nhìn chồng rồi cười: “Ở đâu có tình yêu thì ở đó sẽ không còn vất vả”.

Điểm Trường Tiểu học Thằm Thẩm (tiếng Thái có nghĩa là Hang Sâu, chỉ nơi khó khăn, xa xôi nhất), đóng tại xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Trước đây khi hệ thống đường giao thông chưa được mở, điểm trường này được xem là một trong những nơi khó khăn nhất của xã Nhôn Mai nói riêng và huyện Tương Dương nói chung. Bởi để có thể đến được điểm trường Thằm Thẩm thì các thầy cô chỉ có nước lội bộ bằng đường rừng. Đời sống của bà con nhân dân nơi đây cũng vô cùng khó khăn.

Cung đường vào điểm trường Thằm Thẩm những ngày chớm đông khi sương mù bao phủ.
Cung đường vào điểm trường Thằm Thẩm những ngày chớm đông khi sương mù bao phủ.

Cách đây 8 năm có một đôi vợ chồng trẻ cùng là giáo viên tại Trường Tiểu học Nhôn Mai, được phân công về điểm trường này cắm bản “cõng” con chữ đến với các em học sinh.

Đó là vợ chồng thầy giáo Kho Văn May (SN 1978) và vợ là cô Kim Thị Minh (SN 1980). Hiện tại điểm trường có 5 lớp với 25 học sinh. Cô Minh phụ trách lớp 1,2, 3 còn người chồng thầy May phụ trách lớp 4,5.

Điểm trường Thầm Thẳm.
Điểm trường Thầm Thẳm.

Nhớ lại những ngày đầu tay xách nách mang cùng chồng về “cắm bản”, cô Minh kể: “Thời đó khó khăn lắm, không có đường đi dễ như bây giờ, trường còn đóng ở phía trong sâu, mưa là bị ngập, muốn đến trường thì hai vợ chồng chỉ có nước lội bộ thôi. Bây giờ thì đường sá đi lại thuận tiện hơn, hai vợ chồng cũng ở gần trường nên công việc cũng được thuận tiện”.

Việc được phân công cùng chồng “cắm” tại một điểm trường lẻ dù những ngày đầu rất khó khăn nhưng với cô Minh đó là một thuận lợi. Bởi nếu ngày ấy, chỉ một mình cô vào điểm trường này thì có lẽ cô đã không trụ nổi. Nhưng có người chồng bên cạnh, những khó khăn dường như không còn, trên gương mặt cô lúc nào cũng nở nụ cười.

Cô Minh đang hướng dẫn các em học bài.
Cô Minh đang hướng dẫn các em học bài.

“Ở đâu có tình yêu thì nơi đó sẽ không còn vất vả. Chúng tôi làm việc với tất cả tình yêu giành cho nghề, cho các em học sinh. Và tình yêu cũng đã giúp vợ chồng tôi vượt qua tất cả để quyết tâm bám trụ lại nơi đây, giúp các em học sinh có thể biết được cái chữ, không còn phải thất học như trước nữa”, cô Minh vui vẻ.

Gặp nhau từ thời còn là sinh viên Trường trung cấp sư phạm, cô Minh đem lòng yêu người chàng trai hiền lành chân chất, lại cùng chung niềm đam mê với sự nghiệp giáo dục, với hành trình cõng những con chữ lên non. Dù là con 1 trong gia đình ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, nhưng cô Minh vẫn quyết lấy chàng trai ở tận xã Tam Quang, huyện Tương Dương - nơi mà địa bàn hai xã cách nhau gần 300km.

Lớp học với nhiều bậc học ở Thằm Thẩm.
Lớp học với nhiều bậc học ở Thằm Thẩm.

Ngày đầu hai vợ chồng được phân về hai trường khác nhau nhưng sau đó cùng được về công tác tại Trường Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương và sau đó lại cùng được phân về “cắm” tại điểm Trường Thằm Thẩm.

Suốt 8 năm cùng nhau công tác tại điểm trường này, là cả một chặng đường dài, với những buồn vui trong nghề giáo mà hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua. Hiện tại thầy cô phải gửi các con ở nhà ngoại tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Những ngày cuối tuần thầy cô lại lặn lội về thăm các con rồi mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết để quay lại với công việc.

Bày cho các em từng con chữ.
Bày cho các em từng con chữ.

Với các em vợ chồng thầy May luôn tận tụy như chính đứa con của mình.
Với các em vợ chồng thầy May luôn tận tụy như chính đứa con của mình.

Lớp học tại đây cũng thật đặc biệt, khi người giáo viên một lúc phải phụ trách 3 lớp dù số lượng học sinh rất ít. Trong mỗi phòng học, mỗi lớp được xếp bàn hướng về các phía khác nhau. Trong cùng một buổi dạy, thầy, cô liên tục thay đổi vị trí để thực hiện những giáo trình khác nhau đối với mỗi lớp học.

“Hiện tại điều kiện cơ sở vật chất của điểm trường này vẫn còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi cũng mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa để khắc phục giúp công tác dạy và học được tốt hơn. Ở đây chúng tôi phải dạy cho các em ngay từ những ngày đầu, từ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân rồi mới đến việc tập đọc tập viết. Cái khó là các em biết chữ nhưng không hiểu nghĩa Tiếng Việt. Nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”, cứ kiên trì từng từ một rồi các em sẽ quen dần”, thầy Kho Văn May chia sẻ.

Một em bé mầm non cũng được học chung lớp với các anh chị.
Một em bé mầm non cũng được học chung lớp với các anh chị.
Người thầy May hướng dẫn các em học bài.
Người thầy May hướng dẫn các em học bài.

“Các em ở đây chủ yếu là 2 dân tộc là H’Mông và Khơ Mú cùng sinh sống. Hằng ngày tôi đi dạy các em phải nói đến 3 thứ tiếng là tiếng phổ thông (Kinh), Khơ Mú và H’ Mông. Ở đây các em đều biết đọc biết viết đầy đủ, tuy nhiên về hiểu nghĩa từ còn gặp khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng để các em dễ hiểu nghĩa từ của tiếng Việt hơn trong nhiệm vụ cao cả của người nhà giáo”, cô Minh chia sẻ thêm.

Có lẽ chuyện ở một điểm trường chỉ có 1 đôi vợ chồng “cắm bản” là chuyện có một không hai trong ngành giáo dục nói chung. Họ đã cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tình yêu nghề, tình yêu dành cho nhau họ đã vượt qua tất cả.

Cô Minh chia sẻ với PV về những năm cắm bản.
Cô Minh chia sẻ với PV về những năm cắm bản.

Hai vợ chồng thầy giáo Minh cùng cắm bản gieo chữ cho các em ở Thằm Thẩm.
Hai vợ chồng thầy giáo Minh cùng cắm bản gieo chữ cho các em ở Thằm Thẩm.

Tiễn chúng tôi ra về trên gương mặt cô giáo vẫn nở nụ cười hiền hậu, nắm chặt tay người chồng, người đồng nghiệp của mình như một lời khẳng định: Sẽ không khó khăn nào làm chùn bước chân của họ trên chặng đường đưa con chữ đến với các em vùng cao.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm