Cảm động chuyện kể của “nữ sinh được bố cõng đi thi”
(Dân trí) - Có mặt trong phần giao lưu của chương trình “Ngày hội Thầy và trò” diễn ra ngày 8/11 tại Hà Nội, cô tân sinh viên khuyết tật Nguyễn Phương Linh đã khiến mọi người xúc động bởi câu chuyện về cô giáo chủ nhiệm hồi cấp ba của mình.
“Với em, cô là người mẹ thứ hai đã dìu dắt và cho em được như ngày hôm nay” - đó là những chia sẻ của Linh về cô giáo Nguyễn Thúy Nga, hiện giảng dạy tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội). Ba năm học dưới mái trường phổ thông tại lớp cô Nga chủ nhiệm, với Linh đó là quãng thời gian đẹp và ý nghĩa.
Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào Trường THPT Trương Định, Linh tâm sự: “Từ nhỏ em đã bị tật nguyền và phải ngồi xe lăn nên cũng mặc cảm nhiều lắm. Lên đến lớp 10 thì em lại càng lo hơn bởi suy nghĩ lớn hơn rồi phải học nhiều và tham gia các hoạt động nên việc di chuyển cũng sẽ nhiều hơn mà điều này với em thì không dễ dàng gì cả. Tuy nhiên, khi được xếp vào lớp cô Nga chủ nhiệm thì mọi nỗi lo đó cũng em đều không còn nữa vì cô luôn tạo điều kiện tốt nhất cho em yên tâm học hành”.
Cô Thúy Nga rất tâm lí và thương Linh nên cô luôn ở bên cạnh hỏi han, quan tâm và động viên em học tập. Đối với những hoạt động ngoại khóa của lớp tổ chức, bao giờ cô cũng hướng dẫn các bạn chọn địa điểm nào phù hợp mà Linh có thể tham gia được. Hay những dịp nhà trường tổ chức cắm trại và làm các chương trình, cô Nga lại ân cần giao các việc mà Linh có thể làm như ngồi kết hoa, vẽ báo tường và ở khâu chuẩn bị để em được hòa nhập với các bạn. Với cô, Linh không chỉ là một học sinh mà còn là một đứa con nhỏ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nên cô thương và yêu quý lắm.
Ba năm - khoảng thời gian không quá dài so với cuộc đời một con người nhưng bằng đó là đủ để cho cô học trò nhỏ ngấm và hiểu dần những lời cô Thúy Nga dạy. Với cô Nga, là cô giáo chủ nhiệm lại trực tiếp dạy Linh bộ môn tiếng Anh nên cô có nhiều thời gian gần gũi và hiểu học trò hơn. Những hôm Linh đau ốm phải nghỉ học, cô không quản ngại mang vở đến tận nhà cho em chép và giảng lại bài học ngày hôm đó. Đối với những môn học khác, chính cô Nga lại làm nhịp cầu để Linh có điều kiện được học hỏi ngoài giờ lên lớp. Có việc gì khó cô đều ở bên cạnh Linh giúp đỡ và giảng giải cho em hiểu cách làm nào tốt và phù hợp với em nhất.
Trong tâm trí của Linh, em nhớ đã có lần mình biếng học và không cố gắng nhưng những lời cô Nga phân tích: “Bố mẹ sẽ không ở lại với con cả cuộc đời được, vì thế bản thân con phải tự cứu lấy con bằng cách học hành để có một công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân mình sau đó giúp đỡ những người khác” khiến em ngộ ra nhiều điều và thay đổi suy nghĩ. Từ đó, em càng cố gắng chăm chỉ học tập hơn và xác định được mục tiêu phấn đấu cho tương lai.
Thương Linh, cô Nga luôn dõi theo cô học trò nhưng không vì thế mà cô xem nhẹ những lỗi Linh mắc phải. Nghiêm khắc xử phạt cũng như thẳng thắn góp ý, cô muốn Linh luôn xác định rõ ràng em cũng như các bạn khác, không vì nghĩ mình khuyết tật mà được đặc cách. Các bạn học thì em cũng học, các bạn lao động hay vui đùa cũng luôn có Linh bên cạnh cổ vũ động viên tinh thần. Cũng nhờ cách dạy đó của cô Nga mà cô học trò nhút nhát đã mạnh dạn và tự tin hơn vào bản thân rất nhiều khiến em không thấy giữa mình và mọi người có khoảng cách. Tất cả mọi việc đều diễn ra bình thường ngay cả khi em phải ngồi xe lăn để di chuyển.
Hiện tại Linh là sinh viên năm nhất khoa Luật của Trường ĐH Công đoàn nhưng những kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thúy Nga vẫn theo sát em trên giảng đường. Hình ảnh người cô ngày ngày cặm cụi với phấn trắng bảng đen dạy học trò luôn hiển hiện trong em. Câu nói vô tình của ai đó rằng “Cuộc đời giáo viên như người lái đò chở những thế hệ học sinh qua sông nhưng nhiều người cập bến rồi cũng đã quên mất” đã khiến Linh bật khóc. Qua cuộc trò chuyện giao lưu, Linh cũng muốn nhắn nhủ đến các thế hệ học trò hãy nhớ và gửi lời tri ân đến những người thầy cô đã và đang cần mẫn với công việc trồng người.
Phạm Oanh