Cấm áo bò, cặp đỏ, dép nâu tới trường (?)

Không được khoác "zin", chỉ được dùng cặp đen, đi dép màu xanh, vở nháp cũng phải là loại giấy trắng, tốt. Đó là những quy định đang tồn tại ở các trường học thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quy định: “Hạn chế tất cả những yêu cầu đặc biệt về trang phục, thiết bị học tập đồng phục ngoài quy định của ngành giáo dục, nhằm giảm nhẹ gánh nặng đầu năm học cho phụ huynh và học sinh trong toàn tỉnh”.

 

Quy định của Sở là vậy, nhưng bản thân mỗi trường lại tự đưa ra những quy định riêng về trang phục học sinh, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây lao đao cho không ít học sinh và các bậc phụ huynh.

 

Từ đồng phục cặp…

 

Trường THCS Nguyễn An Ninh là một trong những trường có uy tín về dạy và học của TP. Vũng Tàu. Quyết tâm trong năm học mới sẽ không để xảy ra tình trạng học sinh nhà trường “đua đòi” ăn diện, phân biệt giàu nghèo của nhà trường được thể hiện bằng thông báo “đặc biệt”: cấm tất cả các loại balô, túi xách, đồ đựng sách vở… màu mè. Học sinh trường Nguyễn An Ninh phải đến trường duy nhất với chiếc cặp sách… màu đen! Thế là, các phụ huynh được dịp nháo lên lo cặp cho con cái.

 

Khổ nỗi, những chiếc túi xách đeo vai nhẹ nhàng, được khoa học chứng minh là phương tiện tốt nhất “gánh” đống sách khổng lồ của học trò Việt Nam nay lại không “hợp khẩu vị” của trường rồi. Học trò Nguyễn An Ninh đành xách những chiếc cặp đen nặng gấp đôi, giá bây giờ cũng từ 70 đến hơn 100 ngàn đồng, chỉ nhằm mỗi một mục đích: thật… nghiêm trang trước cổng trường!

 

Chưa hết! Các cô giáo chủ nhiệm tiếp tục thông báo cho các em 1 điều cấm kỵ nữa: không được khoác áo "zin" (áo khoác bò) vì “nó”… ăn chơi quá.

 

… đến đồng phục vở, dép!

 

Trường Tiểu học Trưng Vương cũng thể hiện sự nghiêm trang chốn học đường với quy định: toàn bộ tập viết của học sinh lớp 2 phải là loại giấy trắng, tốt, không nhòe mực, loại in 5 ly.

 

Nếu chỉ có vậy thì không có gì để nói. Nhưng oái oăm thay là quy định này được áp dụng cho cả… vở nháp, vở thủ công… (?) Các cuốn tập phải được bao giấy trắng, dán nhãn vở loại lớn cùng rất nhiều hướng dẫn chi tiết khác mà nếu làm sai, sẽ bị trả về.

 

Cô bé hàng xóm của tôi buồn phiền đem toàn bộ số tập cháu được phần thưởng học sinh xuất sắc năm vừa rồi đi tặng cho các anh lớp trên vì tập chỉ có 4 dòng kẻ. Mẹ cháu thì phân vân vì các cháu còn quá nhỏ, làm sao phân biệt được mười mấy cuốn tập chỉ toàn bọc bìa trắng.

 

Hết chuyện vở, sang chuyện dép. Học trò trường Trưng Vương chỉ được quyền đi dép quai hậu màu xanh! Phụ huynh đoán già đoán non có lẽ, lý do của yêu cầu này bởi, màu xanh là màu giữ vệ sinh, màu phù hợp với đồng phục quần (váy) xanh của các cháu… Các cô giáo thì chỉ phát cho mỗi cháu 1 tờ giấy photo ghi rõ những việc “phải” làm mà không hề giải thích vì sao.(?)

 

Không hiểu khi đưa ra những yêu cầu quá ngặt nghèo như vậy, liệu các thầy cô của chúng ta có tính đến rất nhiều gia đình đã và đang rất  khó khăn để lo cho những đứa con ăn học?

 

Có những em nhỏ chỉ trông chờ vào số tập vở phần thưởng năm học trước cho toàn bộ năm học sau. Có những em phải tiết kiệm, bán sách giấy cũ cả dịp hè để gom đủ bộ sách giáo khoa. Lại không ít các gia đình rất vui lòng nhận lại những chiếc cặp sách, giầy dép, quần áo cũ của nhà bạn bè, người hảo tâm để “trang bị” cho con đón năm học mới.

 

Một bộ sách giáo khoa mới giá gần 100 ngàn đồng, nhưng kèm theo đó là các loại sách bài tập bắt buộc cho từng môn học cũng hết thêm 100 ngàn nữa. Nếu trường nào cũng có quy định riêng về cặp sách, quần áo, tập vở… thậm chí đến cả áo khoác, áo đi mưa, nón mũ… thì không biết mỗi gia đình sẽ phải tốn bao nhiêu tiền cho ngày "cả nước đưa trẻ đến trường”?

 

Theo Hồ Nguyễn

 Vietnamnet