Cái lý “không cần cái chữ” của phụ huynh buôn Ma Jơng

(Dân trí)- “Ô! Học làm gì! Cái chữ có làm no bụng được đâu, nhà mình không cần cái chữ đâu, chỉ cần người làm cho có gạo ăn thôi. Rơ Ô Chưng đẻ ra chúng nó là để chúng nó đi kiếm tiền chớ!”, Ksor Jêk lý giải việc không cho con mình đi học cái chữ.

Dù gia cảnh nghèo khó, vợ chồng chị Rơ Ô Chưnh và Ksor Jêk, ở buôn Ma Jơng, khu phố 6, thị xã Ayun Pa, Gia Lai có đến 10 đứa con (trong đó 2 đứa đã mất), mà chẳng có đứa nào được
học hành cho ra hồn. Ông bố Ksor Jêk suốt ngày chỉ quẩn quanh các cơ sở xay xát lúa, bắp tại các xã Ia Hiao, Ama Rơn, Ia Trok… để chờ người ta thuê hốt trấu với giá 500 đồng/bao.  
 
Cái lý “không cần cái chữ” của phụ huynh buôn Ma Jơng  - 1
Những đứa trẻ ở buôn Ma Jơng, khu phố 6, thị xã Ayun Pa, Gia Lai hàng ngày phải lang thang khắp nơi nhặt rác kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Do thu nhập ít ỏi, con cái lại đông đúc nên cả 8 đứa con của anh Jêk đều không được đến trường. Nếu những đứa trẻ bình thường khác khi lên 5 tuổi được cha mẹ cho đi mẫu giáo, thì con anh 5 tuổi phải đeo gùi đi lang thang khắp các con đường trong trung tâm thị xã để nhặt ve chai.

Tình trạng này cũng là do sự nhận thức còn hạn chế của cha mẹ các em, do cái chữ chưa từng có trong cuộc đời họ. “Ô! Học làm gì! Cái chữ có làm no được cái bụng đâu, nhà mình có cần cái chữ đâu, chỉ cần người làm cho có gạo ăn thôi. Rơ Ô Chưnh đẻ ra chúng nó là để đi kiếm tiền chớ!”, Ksor Jêk hồn nhiên giải thích.

Từ lúc lên 5 tuổi, đứa con gái của Ksor Jêk là Rơ Ô H’Dun hàng ngày phải dậy từ tờ mờ sáng dẫn theo 2 đứa em trai là Rơ Ô Choan và Rơ Ô Du, tập trung tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo - Tăng Bạt Hổ cùng những đứa trẻ khác trong buôn. Sau khi phân chia “lãnh thổ”, những đứa bé tội nghiệp chia ra mỗi nhóm từ 2-4 em, lang thang khắp các đường phố và các điểm tụ tập rác, để tìm kiếm, nhặt nhạnh tất cả những thứ gì có thể bán được tiền.

Có hôm, trời mưa quá to, mới hơn 10 giờ sáng Rơ Ô H’Dun đã phải dẫn em về, trên khuôn mặt non nớt bé bỏng với bao nỗi vất vả hằn lên lấm lem. Trên vai em là một bao tải đã có hơn nửa “sản phẩm” là kết quả của buổi sáng. Vừa bước chân vào nhà, cô bé J’rai vừa chỉ tay vào bao tải đặt xuống nền nhà vừa nói cụt lủn như khoe với mẹ mình: “Mưa to phải về! Được tiền rồi!”.

Cái lý “không cần cái chữ” của phụ huynh buôn Ma Jơng  - 2
Thành quả sau một ngày lang thang nhặt ve chai của Rơ Ô H’Dun.

Đã hơn 10 tuổi, vẫn chưa biết đến cái chữ là gì, nhưng Nay Đăo đã trở thành chỗ dựa về miếng cơm manh áo cho gia đình khi đã có “thâm niên” hơn 5 năm trong nghề nhặt ve chai. Với một đứa trẻ đi học thì thêm 1 năm là thêm 1 lớp, còn với Nay Đăo thì mỗi một năm lớn lên cũng là mỗi năm cái gùi trên lưng của em được thay cho lớn hơn, để đựng được nhiều vỏ chai, nhôm nhựa.. hơn.

Cùng chung số phận như Nay Đăo, 2 đứa em ruột bé nhỏ là Nay Mail và em trai Nay Luck cũng đã được mẹ chúng là chị Nay Plơn cho theo anh lang thang các nẻo đường, mò mẫm ở những bãi rác để “học nghề”: “Con mình nó giỏi lắm. Mỗi ngày mấy đứa con mình cũng kiếm được hơn chục ngàn đó”, chị Nay Plơn tự hào khoe, khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Cái lý “không cần cái chữ” của phụ huynh buôn Ma Jơng  - 3
Mỗi năm lớn thêm 1 tuổi là cái gùi trên lưng của Nay Đăo cũng to lên.

Cũng như Nay Đăo, từ khi lên 5, bé Rmah H’Yen đã trở thành điểm tựa của người cha bệnh tật và người mẹ mới sinh em bé. Thay vì được cắp sách đến trường vui đùa cùng bạn bè, hàng ngày H’Yen phải “đội” nắng, “đội” mưa đeo gùi lang thang khắp nơi để mong nhặt được thật nhiều ve chai, bán kiếm tiền mua gạo.

“Nó mà tìm được nhiều vỏ chai thì mình kêu nó đi bán nhựa; tìm được sắt thì bán cho mấy bà mua sắt ở gần chợ… Nó có đi tìm thì nhà mình mới có gạo ăn…”, chị Rmah H’Triêh kể về đứa con gái tội nghiệp của mình.

Ở buôn Ma jơng này không riêng gì H’Yen mà còn có tới gần chục đứa trẻ mới lên 5 nhưng đã phải đi kiếm tiền giúp gia đình.

Buôn Ma Jơng nằm ngay trung tâm thị xã Ayun Pa, với hơn 380 hộ, chủ yếu là người J’rai. Vì đói nghèo, nhiều ông bố, bà mẹ đã phải để con mình mưu sinh từ khi đôi tay mới cầm thành thạo đôi đũa, đôi chân mới biết nhảy lò cò. Ngoài ra, không chỉ có những gia đình nghèo đói, mà theo tìm hiểu của chúng tôi một số gia đình có kinh tế no ấm, đủ trang trải cuộc sống nhưng họ vẫn không thích cho con mình đi học với cái lý “nếu cho con đi học, nó sẽ không kiếm được tiền”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kpah Hoăt, Tổ trưởng Tổ dân phố 18, thị xã Ayun Pa than thở: “Ở làng mình có khoảng 20 đứa trẻ lang thang đi nhặt ve chai không chịu đi học. Tổ dân phố đã nhiều lần họp, nhắc nhở, giải thích nhưng bố mẹ các cháu chỉ im lặng ngồi nghe giống như nói con cái của người khác. Có nhiều khi họ còn la mình Thiếu cái chữ có chết đâu, thiếu hạt gạo thì mới chết. Mình không có quyền xử phạt, nói thì họ cứ giở cái lý ra như vậy thì mình biết làm sao được!?”.

Thiên Thư