Cách phân biệt tập san khoa học quốc tế “dỏm”
(Dân trí) - Làm thế nào để phân biệt được tập san khoa học chất lượng và tập san kém chất lượng, thậm chí là “dỏm”? các bài báo đăng trên tập san dạng Open Access (OA), có phải là những tập san kém chất lượng?
Phóng viên đã trao đổi với TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, người có nhiều năm làm công tác quản lý nghiên cứu khoa học và hiểu rõ về tập san quốc tế.
Phóng viên: Tiến sĩ cho biết làm thế nào để phân biệt được tập san khoa học chất lượng và tập san kém chất lượng, thậm chí là “dỏm”?
TS. Lê Văn Út: Theo tôi, những điểm sau đây có thể giúp phân biệt tập san khoa học uy tín và tập san khoa học kém chất lượng: Hội đồng thẩm định (editorial board), cơ quan chủ quản hay nhà xuất bản, quy trình thẩm định và một số khía cạnh khác.
Đối với hội đồng thẩm định, các tập san khoa học kém chất lượng đôi khi không có chủ tịch hội đồng (editor-in-chief), không có thành viên hội đồng (editorial member) hay thậm chí không có nhóm chuyên gia thẩm định (reviewers); hoặc có thể thành thích khoa học của chủ tịch hội đồng thẩm định và các thành viên là kém.
Cơ quan chủ quản hay nhà xuất bản của các tập san kém chất lượng thì thường là kém uy tín, ít có tên tuổi trên thế giới; hoặc thông tin về cơ quan chủ quản không rõ ràng, không sử dụng địa chỉ email chính thống mà lại sử dụng các dịch vụ email miễn phí như gmail, yahoo, hotmail,…
Quy trình thẩm định của các tập san khoa học kém chất lượng thường rất bất thường như thời gian thẩm định chỉ vài ngày, nội dung thẩm định sơ sài, chủ yếu nhận xét hình thức trình bày, không có nội dung khoa học.
Ngoài ra, những tập san khoa học kém chất lượng thường xuyên gửi spam email đến các nhà khoa học để kêu gọi nộp bài; đôi khi những tập san này không có chỉ số ISSN (International Standard Serial Number).
Hơn nữa, những tập san khoa học không được liệt kê vào danh mục ISI/Scopus thì thường cũng là kém chất lượng, trừ những tập san mới thành lập với hội đồng thẩm định có chất lượng và/hoặc chủ quản bởi những tổ chức uy tín nhưng vì lí do nào đó mà không đăng ký vào các cơ sở dữ liệu này.
Cũng nhấn mạnh thêm là không phải tất cả các tập san khoa học ISI/Scopus đều uy tín. Để một tập san được liệt kê vào các cơ sở dự liệu ISI/Scopus, đại diện của tập san này phải nộp hồ sơ theo quy định và hồ sơ này được thẩm định bởi các chuyên gia.
Phóng viên: Như vậy, có phải một tập san ISI/Scopus không duy trì được chất lượng theo thời gian thì có thể bị xem xét lại và có khi bị loại khỏi các cơ sở dữ liệu?
TS. Lê Văn Út: Có thể nói ISI, Scopus là hai bộ lọc tương đối tốt để phân biệt được những tập san có chất lượng tốt so với vô số các tập san khoa học còn lại. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít tập san kém chất lượng qua mặt được các chuyên gia để được vào ISI/Scopus.
Cũng cần nhấn mạnh, chất lượng của một tập san thể hiện qua nội dung của những công trình mà tập san đó đăng tải. Một tập san dù có hình thức đẹp (tránh được các dấu hiệu kém chất lượng) nhưng liên tục công bố những công trình khoa học có chất lượng kém, không có đóng góp thực sự cho lĩnh vực nghiên cứu thì không thể là những tập san có chất lượng. Và điều này thì lại cần sự thẩm định của các chuyên gia có chức trách.
Tập san thu phí xuất bản chưa chắc chất lượng kém
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, các bài báo đăng trên tập san dạng Open Access (viết tắt là OA - tác giả phải trả một khoảng phí đăng bài sau khi bài được thẩm định và có quyết định nhận đăng) có phải là những tập san kém chất lượng?
TS. Lê Văn Út: Tôi nghĩ tập san khoa học học thì có nhiều đẳng cấp khoa học khác nhau, có tập san có đẳng cấp khoa học cao và cũng có tập san có đẳng khoa học thấp, và thậm chí có cả tập san khoa học kém chất lượng. Nhưng những tập san khoa học thuộc loại kém chất lượng mà lại “ăn thịt”, nghĩa là thu phí đăng bài từ tác giả nhưng chỉ công bố những công trình khoa học kém chất lượng, thì đáng bị lên án.
Cần nhấn mạnh rằng việc thu phí xuất bản công trình từ tác giả là do chính sách xuất bản của tập san, chứ không có nghĩa là tập san thu phí xuất bản thì chất lượng kém.
Đối với xuất bản các tập san khoa học thì nói chung có hai hình thức liên quan tới chi phí, hình thức không thu phí tác giả và hình thức thu phí tác giả.
Một tập san không thu phí xuất bản thì tác giả thì lại có hai dạng.
Thứ nhất là các bài báo khoa học được xuất bản dưới hình thức đóng và ai muốn đọc những bài này thì phải trả tiền, ví dụ như Scientometrics của Nhà xuất bản Springer (Đức) và để lấy một bài báo trên Scientometrics, một tập san nổi tiếng của Nhà xuất bản Springer (Đức) về đo lường khoa học, như trong ảnh dưới dạng file pdf thì người dùng phải trả cho Springer 34,95 đô la Mỹ (tương đương 810.000 đồng).
Đây là một khoản tiền không nhỏ để đọc một bài báo khoa học như thế này, nhất là đối với những người dùng từ Việt Nam và/hoặc đôi khi phải tham khảo nhiều bài báo như thế cho việc nghiên cứu.
Thứ hai là tập san không thu phí đăng bài từ tác giả nhưng lại xuất bản dưới hình thức mở (open access, mọi người đều có thể truy cập hoàn toàn miễn phí), ví dụ như trường hợp một tập san quốc tế “Journal of Information and Telecommunication” của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được hợp tác xuất bản với Nhà xuất bản Taylor & Francis (Anh quốc).
Thực chất thì tập san này không hoàn toàn miễn phí cho tác giả có bài được nhận đăng, mà phí xuất bản mỗi bài mà tác giả phải trả là 1.500 đô la Mỹ (tương đương 35 triệu đồng) nhưng phí này đã được Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tài trợ nên hiện nay tác giả có bài đăng trên tập san này không phải trả khoản phí này (lý do là tập san này chưa được vào ISI/Scopus nên Trường phải tài trợ để có thể thu hút những bài có chất lượng.
Sau khi tập san này được vào ISI/Scopus thì nhiều khả năng tác giả đăng bài có thể sẽ phải chia sẻ trách nhiệm này với TDTU).
Đối với hình thức xuất bản thứ hai là thu phí xuất bản từ tác giả có bài được nhận đăng và tất cả độc giả có thể đọc miễn phí các bài báo đã được xuất bản (open access - OA).
Đương nhiên, các tập san OA loại này thì không có tổ chức tài trợ chi phí xuất bản, mà chính tác giả phải đóng khoản phí này. Với sự phát triển chóng mặt của internet, xuất bản khoa học dưới hình thức mở kiểu này đang là xu hướng.
Những nhà xuất bản lớn và có uy tín cao của thế giới cũng đang từng bước áp dụng mô hình xuất bản này như Springer (Đức), Elsevier (Hà Lan), Taylor & Francis (Anh quốc),…
Những tập san kém chất lượng kiểu “ăn thịt” thì đa số là mở
Phóng viên: Ông có thể giải thích cụ thể hơn về một số tập san ở nhà xuất bản có uy tín?
TS. Lê Văn Út: Đối với Taylor & Francis, tôi có may mắn được tham gia thương lượng trực tiếp với họ khi thành lập một tập san khoa học cho TDTU; họ nhấn mạnh: “Hiện tại, chúng tôi chỉ xem xét mở thêm tập san hoặc hợp tác xuất bản dưới hình thức OA”.
Đối với Springer thì từ năm 2010, họ đã thành lập hẳn một trương mục xuất bản mở là SpringerOpen, chuyên xuất bản các tập san khoa học mở dạng OA mà tác giả phải trả phí đăng bài.
Nhà xuất bản nổi tiếng Elsevier của Hà Lan thì cũng đang khuyến khích mạnh mẽ việc xuất bản tập san dạng OA:
Về đơn giá mà tác giả phải đóng cho tập san khi có bài được nhận xuất bản thì khác nhau tùy uy tín tập san và cũng tùy nhà xuất bản; có tập san thì thu phí vài trăm đô la Mỹ nhưng cũng có tập san thu phí lên tới vài ngàn đô la Mỹ.
Ví vụ, tập san đa ngành rất nổi tiếng Nature Communications với chỉ số IF = 12,121 (2019) thu phí mỗi bài đăng là 4.328 bảng Anh (tương đương 130 triệu đồng):
Tuy nhiên, việc có một công trình được công bố trên tập san này là niềm mơ ước của các nhà khoa học, và thông thường thì họ có tiền từ các dự án nghiên cứu hoặc thậm chí tiền tài trợ từ cơ quan công tác để chi trả cho khoản phí “khổng lồ” này.
Hay như Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America (PNAS), một tập san đa ngành nổi tiếng của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ với chỉ số IF = 9.412 (2019) thì có bảng phí đăng bài cụ thể tùy theo số trang của bài báo và một bài báo dài 12 trang thì tác giả phải trả 4.215 đô la Mỹ (tương đương 98 triệu đồng):
Ngoài ra, còn có những hình thức như tùy chọn trong việc đóng phí (tác giả có thể lựa chọn xuất bản đóng không đóng phí, hoặc xuất bản mở và đóng phí), hoặc tập san thu phí xuất bản (bắt buộc) và tùy chọn trong việc xuất bản mở (nghĩa là người đọc vẫn phải trả phí cho những công trình này và nếu tác giả nộp thêm phí xuất bản mở thì độc giả sẽ không phải trả phí).
Việc tác giả nộp phí xuất bản công trình cho tập san khoa học phải được hiểu là sau quá trình phản biện một cách nghiêm chỉnh và bài báo được nhận đăng trên tập san, rồi sau đó mới đến giai đoạn xuất bản thì tác giả mới trả phí xuất bản theo quy định của tập san theo quy định, chứ không hiểu là trả phí thì bài mới được nhận đăng.
Việc phản biện, thẩm định bài báo rồi đi đến quyết định bài đó có được nhận đăng hay không hoàn toàn độc lập với việc tập san đó có thu phí đăng bài từ tác giả hay không.
Đối với một tập san khoa học nghiêm túc, hoàn toàn không có khái niệm “trả tiền thì bài mới được đăng” hay “trả tiền đăng bài” mà không qua quá trình phản biện nghiêm túc.
Không thể hoàn toàn miễn phí
Phóng viên: Như ông phân tích trao đổi thì những thông tin trên cho thấy, việc xuất bản tập san khoa học hoàn toàn không miễn phí, dù dưới bất kỳ hình thức nào?
TS. Lê Văn Út: Nếu xuất bản dạng đóng thì tập san sẽ thu tiền từ người đọc, và nếu xuất bản dưới dạng mở (OA) thì tác giả (hay cơ quan tài trợ) sẽ chi trả phí xuất bản cho tập san.
Việc này là hết sức tự nhiên, bởi lẽ việc thành lập và vận hành một tập san khoa học nghiêm túc thì tốn rất nhiều chi phí nên không thể hoàn toàn miễn phí được, điều này phù hợp với triết lý đã được thừa nhận rộng rãi “có thực mới vực được đạo”.
Các tập san, các nhà xuất bản đang từng bước chuyển sang hình thức xuất bản mở vì càng về sau thì việc thu phí từ người đọc khá khó khăn, bởi lẽ các đại học đang từng bước cắt bớt kinh phí mua quyền truy cập các tập san khoa học và đã xuất hiện các kỹ thuật “lấy bài không cần trả tiền” một cách phi chính thống đã làm cho các tập san/nhà xuất bản bị thiệt hại nhiều về nguồn thu.
Hơn nữa, một công trình được xuất bản dạng OA thì sẽ dễ dàng tăng các chỉ số trắc lượng khoa học hơn vì độc giả sẽ dễ dàng tiếp cận, tham khảo và trích dẫn.
Đại học Cambridge, một đại học lừng danh của Anh quốc, có cả chính sách rõ ràng về xuất bản mở và thậm chí tài trợ cho tác giả khoản chi phí đăng bài cho các tập san khoa học OA.
Bên cạnh việc xuất bản khoa học nghiêm túc, trong thời gian qua thì hình thức xuất bản mở đã bị lợi dụng. Đó sự xuất hiện những tập san mở kém chất lượng dưới dạng “ăn thịt”, với dấu hiệu như đã nêu ở trên, và công bố chủ yếu những công trình kém chất lượng.
Các tập san này chủ yếu thu tiền từ tác giả đăng bài, trong khi quy trình phản biện/thẩm định thì không chuẩn mực. Đây là dạng xuất bản khoa học không được khuyến khích.
Tôi khẳng định, tập san khoa học dạng OA thì không phải đều kém chất lượng, thậm chí có những tập san lừng danh trên thế giới. Tuy nhiên, những tập san kém chất lượng kiểu “ăn thịt” thì đa số là mở.
Và một điều rất quan trọng là để kết luận về chất lượng một tập san khoa học thì phải có đánh giá, thẩm định chứ không nên đơn giản “chụp mũ” chất lượng thông qua loại hình xuất bản.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!
(Còn nữa....!)