Cách đón năm mới ý nghĩa cùng gia đình
(Dân trí) - Năm mới là khoảng thời gian tuyệt vời để người người, nhà nhà quây quần bên nhau, trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Ăn mừng năm mới bên những người thân yêu là điều mà nhiều người mong mỏi mỗi khi Tết đến xuân về. Cả gia đình sum vầy, quây quần bên nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong dịp năm mới đã trở thành truyền thống của rất nhiều gia đình.
Chào đón một năm mới là điều mà con người đã làm trong hàng ngàn năm nay. Lễ hội đón năm mới đầu tiên đã có từ 4.000 năm trước, ở Babylon cổ đại. Vào thời điểm đó, năm mới được tổ chức vào thời điểm xuân phân, thời điểm trong năm tượng trưng cho sự tái sinh. Lễ kỷ niệm này kéo dài 11 ngày và cũng để vinh danh vị thần Marduk trong thần thoại Babylon.
Mãi đến năm 46 trước Công nguyên khi Julius Caesar giới thiệu lịch Julius, các nền văn minh bắt đầu ăn mừng năm mới vào ngày 1 tháng 1.
Nhiều nền văn hóa và tôn giáo vẫn tổ chức đón năm mới truyền thống của họ vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ, năm mới của người Do Thái (Rosh Hashanah) được tổ chức vào mùa thu. Tết Nguyên đán của nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam thường dựa trên lịch âm, nếu tính lịch dương thì thường là cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch.
Tháng giêng - Tháng 1 - tiếng Anh là January, được đặt theo tên của vị thần La Mã Janus. Janus có hai khuôn mặt, nghĩa là anh ấy có thể nhìn lại quá khứ, đồng thời hướng tới tương lai.
Đây là biểu tượng hoàn hảo cho ý nghĩa của năm mới đối với nhiều người trong chúng ta: Thời điểm để nhìn lại quá khứ đồng thời suy nghĩ về cách chúng ta có thể phát triển và cải thiện trong năm tới.
Năm mới tượng trưng cho niềm vui, hy vọng và đối với nhiều người trong chúng ta, đó cũng là thời điểm nhìn lại chính mình, thay đổi để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Vào dịp năm mới, các gia đình thường "tụ tập", ăn uống, trò chuyện. Có rất nhiều cách để bạn và gia đình có thể ăn mừng năm mới không tốn kém và rất thú vị. Bạn thậm chí có thể biến dịp lễ Tết trở thành một kỳ nghỉ yêu thích của gia đình. Cả nhà tạo nên những kỷ niệm ý nghĩa và lâu dài.
Cả nhà cùng đón Giao thừa
Không gì thú vị bằng việc cả nhà quây quần bên nhau đón Giao thừa. Bố mẹ và con cái có thể cùng vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa, cùng đi Chùa, xem bắn pháo hoa, xem một bộ phim, chương trình truyền hình vui vẻ.
Nếu con bạn ngỏ ý muốn thức để đón Giao thừa cùng bố mẹ, bạn đừng nghiêm khắc bắt con đi ngủ sớm như thường lệ. Giao thừa là dịp cả năm chỉ có một lần, vì thế, bạn có thể cho con thức khuya và trải nghiệm đêm Giao thừa cùng ông bà, cha mẹ.
Một bữa tiệc nhẹ vào thời khắc Giao thừa, ông bà - bố mẹ - con cái tặng nhau những phong bao lì xì và trao nhau lời chúc tốt đẹp khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ sẽ là những kỷ niệm đẹp với mỗi thành viên trong gia đình.
Những bữa tiệc mừng năm mới cũng là thời điểm tuyệt vời để cả nhà cùng thảo luận và chia sẻ những kế hoạch ý nghĩa của mỗi người khi năm mới tới.
Thả bóng bay
Nếu con bạn còn nhỏ, việc cùng con thả bóng lên trời trong ngày đầu năm mới sẽ khiến con rất thích thú. Bạn hãy chuẩn bị sẵn một chùm bóng nhiều màu sắc, đính kèm vào đó những lời ước nguyện của con và sau đó, cả nhà ra vườn hoặc ra công viên và thả những quả bóng xinh đẹp lên trời. Đây là một cách tuyệt vời để khởi đầu một năm mới vui vẻ.
Tạo "nghị quyết" cho năm mới
Nghị quyết năm mới - dễ hiểu hơn là kế hoạch cho năm mới - không chỉ là thay đổi thói quen hay đặt ra những kỳ vọng. Nếu bạn đang cùng con đưa ra các mục tiêu cho năm mới, bạn có thể nói về những thay đổi đơn giản như: Cả gia đình ở bên nhau nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, bớt nóng giận, thêm tiếng cười.
Bạn có thể hỏi con những câu hỏi như: "Con thích cả nhà cùng nhau làm việc gì?"; "Cá nhân con thích làm việc gì trong năm tới?"... Sử dụng các loại câu hỏi này làm bàn đạp để cùng nhau tạo ra một số giải pháp cho gia đình.
Chuẩn bị album ảnh "Nhìn lại một năm" của gia đình
Trong năm qua, gia đình bạn hẳn đã chụp khá nhiều bức ảnh thú vị. Vậy thì năm mới là thời điểm tuyệt vời để cả nhà cùng nhau xem những bức ảnh này. Tạo một album ảnh "Những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ của gia đình trong năm qua" và sau đó cả nhà cùng xem với nhau sẽ là một hoạt động gia đình đáng nhớ.
Bạn có thể chuẩn bị cho điều này bằng cách thu thập tất cả các bức ảnh yêu thích của bạn trong năm và in thành một album ảnh.
Với sự phát triển của công nghệ, nhiều người hiện chỉ có thói quen lưu giữ, xem ảnh trên điện thoại, máy tính. Tuy nhiên nếu mỗi gia đình có một album ảnh lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong năm cũng sẽ rất tuyệt vời.
Biến mọi bữa ăn thành bữa tiệc vui vẻ
Hãy biến những bữa ăn mà cả gia đình quây quần bên nhau trở thành những bữa tiệc vui vẻ, khác với bữa cơm ngày thường bằng cách nấu nhiều món ăn hơn một chút, bày biện mâm cơm đẹp mắt hơn và thêm một vài ly rượu vang, rượu sâm panh, nước ngọt... cho có không khí lễ Tết.
Cả gia đình có thể ăn cơm trong phòng khách, phòng ngủ, ăn sớm hoặc muộn hơn thường lệ... Bất kỳ sự "sai lệch" nào so với cuộc sống bình thường sẽ tạo cho trẻ nhỏ có cảm giác là mọi thứ đặc biệt hơn trong dịp lễ Tết và chúng sẽ ghi nhớ suốt đời.
Đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới là một trải nghiệm đặc biệt và cả gia đình cùng tận hưởng không khí xuân mới sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của con bạn. Hãy làm những việc có ích và ý nghĩa cho gia đình bạn để mỗi dịp lễ Tết đều là những ngày thật vui và đáng nhớ.