Các vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015

(Dân trí) - Năm 2015, ngành giáo dục có nhiều đổi mới được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã nảy sinh hàng loạt vấn đề gây tranh cãi, bức xúc trong xã hội.

1. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được cho phép đào tạo ngành Y Dược

Cuối tháng 11 năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và ngành Dược học trình độ đại học hệ chính quy.

Việc Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học đã làm dư luận lo lắng bởi chất lượng đào tạo của ngành này liên quan trực tiếp tới tính mạng con người.

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục – đào tạo – Y tế tổ chức trước khi Bộ GD&ĐT quyết định cho phép trường mở ngành).

Công văn nêu rõ: Bộ GD-ĐT cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016 sau khi bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016 sau khi bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành.

Ngày 28/12, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã họp báo công bố kết quả kiểm tra, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới đủ điều kiện, được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016. Đối với ngành Y đa khoa, chỉ khi trường bổ sung hạng mục còn thiếu theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thì mới được tuyển sinh.

2. Giáo viên mầm non bạo hành trẻ

Hàng loạt các vụ việc cô giáo có hành vi ngược đãi đối với trẻ mầm non bị báo chí phanh phui trong năm vừa qua. Tại trường mầm non xã Xuân Mai (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), một trẻ mầm non quấy khóc bị cô giáo bế ra ngoài đóng cửa lại. Bị nhốt ở ngoài, em bé khóc thét thì bị cô giáo dọa thả xuống bể nước.

Tại cơ sở Mầm non Sơn Ca ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), một bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình đã bị giáo viên trói chân tay, nhét giẻ vào miệng khi cho ăn.


Bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị giáo viên trói chân tay, nhét giẻ vào miệng khi cho ăn.

Bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị giáo viên trói chân tay, nhét giẻ vào miệng khi cho ăn.

Cũng trong giờ ăn, cô giáo Trường mầm non Nụ Cười Xinh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tát trẻ 16 tháng vì bé quấy khóc và không chịu ăn.

Mới đây, cô giáo ở cơ sở Mầm non Ánh Dương (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) đã kéo tai, lột quần áo bé trai 3 tuổi vì tè dầm gây xôn xao dư luận.

Tình trạng giáo viên mầm non bạo hành trẻ đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về đạo đức, chuyên môn của các cô giáo. Dư luận đặt ra câu hỏi có phải lâu nay chất lượng đào tạo giáo viên mầm non bị thả lỏng nên dẫn đến những vụ bạo hành đau lòng này?

3. Học sinh, phụ huynh “nói xấu” giáo viên, nhà trường trên Facebook

Tình trạng học sinh, phụ huynh không hài lòng với giáo viên hay nhà trường và lên Facebook phản ánh nỗi “bất bình” của mình đã trở thành “vấn nạn” trong năm vừa qua. Tiêu biểu là vụ một phụ huynh Trường Sao Việt (Vstar School) ở quận 7 (TPHCM) lên Facebook chê đồng phục của trường và sau đó em học sinh phải chuyển trường khác ngay đầu năm học.

Một vụ khác là học sinh Trường mầm non KinderCare có cơ sở đặt tại Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) bị nghỉ học sau khi phụ huynh than phiền về trường trên nhóm kín của Facebook.

Về phía học sinh, một nữ học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đã bị kỷ luật đình chỉ, buộc thôi học 10 ngày vì hành vi lên Facebook xúc phạm giáo viên chủ nhiệm (nói tục, chửi bậy, thiếu văn hóa…). Sau đó gia đình học sinh này đã làm đơn xin chuyển trường cho con.


Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đã kỷ luật đình chỉ buộc thôi học 10 ngày đối với một nữ sinh lên Facebook xúc phạm giáo viên chủ nhiệm.

Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đã kỷ luật đình chỉ buộc thôi học 10 ngày đối với một nữ sinh lên Facebook xúc phạm giáo viên chủ nhiệm.

Ngoài những vụ kể trên, còn có nhiều vụ học sinh chửi bới nhau, thậm chí chửi cả bố mẹ, người thân trên Facebook.

Trước tình trạng sử dụng Facebook theo hướng tiêu cực của một bộ phận phụ huynh, các chuyên gia giáo dục cho rằng phụ huynh nên gặp trực tiếp đại diện nhà trường, hoặc điện thoại, nhắn tin, gửi email để góp ý thay vì chê bai trên Facebook.

Trong khi đó, để hạn chế hạn chế một số hành vi xấu dễ làm ảnh hưởng đến người khác khi học sinh dùng Facebook, một số trường đã đưa những điều cấm kỵ với học sinh khi sử dụng mạng xã hội.

4. Sách cho học sinh có hình ảnh, chi tiết phản cảm

“Sạn” trong các loại sách dùng cho học sinh vẫn là một tồn tại trong năm vừa qua. Tiêu biểu là việc cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 1” có nội dung dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh.

Sau khi báo chí phản ánh, Bộ GD-ĐT yêu cầu thu hồi toàn bộ sách Thực hành kỹ năng sống xuất bản năm 2014. Trong lần tái bản năm 2015, cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 1” đã được chỉnh lý và không còn sử dụng nội dung mẩu chuyện nêu trên.

5. Thí sinh từ đậu thành rớt

Sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tại nhiều trường đại học có tình trạng thí sinh từ đậu thành rớt đại học vì ghi sai đối tượng ưu tiên khi nộp hồ sơ.

Trước tình trạng này, lãnh đạo các trường đã phối hợp kịp thời cùng Bộ GD-ĐT giải quyết cho các em được chuyển ngành, chuyển trường để không bị thiệt thòi.


Thí sinh từ đậu thành rớt: ĐH Huế xử lý đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Thí sinh từ đậu thành rớt: ĐH Huế xử lý đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số thí sinh ngành Công an bị trượt do vướng lý lịch. Lãnh đạo Bộ Công an đã vào cuộc, “giải cứu” cho các em, mang đến sự phấn khởi cho toàn xã hội.

6. Đà Nẵng kiện “nhân tài”

Được cử đi học tập ở nước ngoài, nhưng những “nhân tài” đã không trở về cống hiến cho thành phố như đã hứa. Cực chẳng đã, chính quyền Đà Nẵng phải khởi kiện hàng loạt “nhân tài” ra toà nhằm thu lại chi phí mà nhà nước đã bỏ ra…

Ngày 26/11, TAND TP Đà Nẵng trong phiên xử sơ thẩm vụ kiện dân sự đã buộc bị đơn Lê Tuấn Anh (29 tuổi), học viên thuộc Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của thành phố Đà Nẵng, phải bồi hoàn hơn 1,768 tỷ đồng cho thành phố.

Trước đó, từ tháng 10.2014 đến tháng 9.2015, Đà Nẵng đã kiện 15 nhân tài vi phạm hợp đồng ra tòa. TAND TP Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm 9 vụ, buộc các học viên phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Mới đây bảy “nhân tài” đã kháng cáo sau khi thua kiện Đà Nẵng.

7. Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự phong GS, PGS cho giảng viên.

Tháng 9/2015, dư luận rộ lên thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường (theo qui trình và tiêu chuẩn phù hợp) đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại Khoản 2.b, Mục II, Điều 1 của Quyết định 158, ngày 29/1/2015. Khi họ hết làm việc hoặc họ vi phạm qui định, trường sẽ bãi miễn.

8. Nhiều nơi “nợ tiền” của giáo viên

Trong năm vừa qua, ở một số địa phương có tình trạng Phòng Giáo dục không chi trả các khoản tiền của giáo viên, ví dụ như huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai); huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) có 28/31 trường học đã nợ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên với số tiền hơn 5 tỉ đồng; huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) có 7 trường học nợ giáo viên gần 900 triệu đồng tiền dạy tăng, thay tiết.


Phòng Giáo dục huyện Ia Grai (tỉnh GIa Lai) ém nhiều khoản tiền của giáo viên.

Phòng Giáo dục huyện Ia Grai (tỉnh GIa Lai) "ém" nhiều khoản tiền của giáo viên.

Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra lại hết những khoản mà Phòng Giáo dục huyện đã “ém” lại, không chịu chi trả cho giáo viên; Phòng GD-ĐT huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã chi trả được hơn 250 triệu đồng cho giáo viên trong số gần 900 triệu nợ giáo viên.

9. Tranh cãi nảy lửa tích hợp môn Lịch sử

Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

Sau khi dự thảo được đưa ra đã nổi lên một làn sóng tranh luận gay gắt về số phận môn Lịch sử. Cuối cùng, sau rất nhiều cuộc hổi thảo, các buổi tranh luận… chiều 27.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới”.

Theo đó, Lịch sử được tích hợp ở cấp một, nhưng là môn độc lập tại bậc THPT. Thí sinh dự thi đại học môn này sẽ chọn chương trình nâng cao.

Các vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 6

10. Căng thẳng cuộc chạy đua rút-nộp hồ sơ

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên với rất nhiều điều mới lạ trong cách thức tổ chức cũng như quy chế thi. Kỳ thi hướng tới mục đích “2 trong 1”- dùng kết quả để công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh  ĐHCĐ.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức trong 4 ngày (từ 1 – 4/7) ngày với 8 môn thi. Trong đó, mỗi thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn, gồm: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong các môn còn lại. Thí sinh dự thi theo 38 cụm đóng tại 23 tỉnh thành trên cả nước.

Kỳ thi THPT quốc gia cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ.

 

Các vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 7

Theo đó, sau khi các trường công bố điểm ngưỡng nộp hồ sơ, đã xảy ra một cuộc chạy đua rút-nộp hồ sơ căng thẳng chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ĐHCĐ. Khoảng thời gian rút - nộp hồ sơ kéo dài trong 20 ngày đã gây ra hỗn loạn trong công tác tuyển sinh tại một số trường. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm và đưa ra phương án khắc phục cho kỳ thi năm sau.

Ban Giáo dục