Các trường không thể “thả nổi” bữa ăn học đường

(Dân trí) - “Mặc dù các trường học có bữa ăn bán trú đã tăng lên, khẩu phần ăn cho học sinh đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như mong muốn”, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng Thư kí Tổng hội Y học Việt Nam nhận xét.

Chưa được như mong muốn

Tại hội thảo liên quan đến dinh dưỡng học đường do Trường THPT liên cấp Quốc tế GateWay phối hợp tổ chức vừa qua, nhiều bà mẹ băn khoăn, con mình nên ăn uống ra sao để vừa đủ chất dinh dưỡng mà không gây béo phì hoặc còi xương.

“Con tôi rất thích uống nước cam. Tôi biết nước cam tốt nên ngày nào cũng cho con uống đều đặn vài quả. Con tôi chỉ thích ăn trái cây. Cháu rất sợ thịt cá, trứng nên người cháu cứ như dây leo, mãi không tăng cân nổi….”, trên đây là một số câu hỏi trong vô vàn thắc mắc mà các bố mẹ đã “chất vấn” TS Trương Hồng Sơn.

Thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong vòng 30 năm qua, chiều cao của người Việt tăng lên rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm. Cũng theo nghiên cứu của Viện, tình trạng trẻ em thấp còi ở Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng cao khi cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng.

Theo TS Sơn, trẻ có những giai đoạn “vàng” để phát triển, đó là 33 tháng đầu đời. Trong 1 nghìn ngày đầu đời này, nếu đáp ứng đủ dinh dưỡng, trẻ có thể cải thiện thể chất và rất có tiềm lực để tăng chiều cao.

Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn hiện nay, thời gian trẻ ở trường quá nhiều. Một số gia đình có điều kiện cho trẻ học trường tư thục, mức dinh dưỡng khá cao. Còn lại phần lớn học sinh trường công lập có mức tiền ăn rất thấp/ngày, việc ăn bán trú là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nên gia đình có điều kiện cũng phải đóng mức chung như phần lớp các phụ huynh khác đóng góp nên rất khó.

Theo TS Sơn, mặc dù đã có nhiều cải thiện về dinh dưỡng học đường, các trường có bữa ăn bán trú đã cao lên, khẩu phần ăn cũng được cải thiện trong thời gian qua nhưng vấn đề dinh dưỡng học đường vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Ai cũng hiểu, nhiệm vụ nuôi và dạy luôn đi cùng nhau. Tuy nhiên, theo quan sát của ông, nhiều trường chưa được tập trung cho việc nuôi. Chẳng hạn quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh, việc lưu mẫu làm thế nào. Nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra nhưng khi kiểm tra mẫu lưu nhưng không có.

“Hiện nay ở thành phố, học sinh ở trường từ 8h sáng đến khoảng 4h chiều. Như vậy thời gian ăn của trẻ rất nhiều ở trường. Và mục tiêu đặt ra, khoảng 55-60% khẩu phần ăn của trẻ là ở trường.

Vấn đề đặt ra, sẽ có một số điểm yếu về dinh dưỡng học đường cần quan tâm, đó là sự đa dạng về thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, sự kiểm soát thực phẩm cũng chưa có.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng Thư kí Tổng hội Y học Việt Nam.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng Thư kí Tổng hội Y học Việt Nam.

Trong khi sự đóng góp của cha mẹ còn thấp để phần lớn học sinh được đến trường nên tạo ra cái khó cho nhà trường bởi chế độ thấp như thế, làm sao xây dựng được bữa ăn đầy đủ và phong phú cho các con”, TS Sơn cho hay.

Do đó, theo TS Sơn, vấn đề dinh dưỡng học đường cần được đầu tư hơn và có chuyên gia để với khoản tiền như vậy, có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cung cấp đủ vi chất, đảm bảo từ khâu cung cấp đến chế biến thực phẩm.

Cha mẹ cần giám sát bữa ăn học đường bất cứ lúc nào

Chia sẻ với PV, chị Hạnh, một phụ huynh đang có con theo học trường tiểu học công lập tại Hà Nội cho hay, ở các trường công lập, việc bố mẹ kiểm tra bữa ăn đột xuất cho các con rất khó. Nhiều người phải giả vờ đưa thuốc hoặc mang thêm sách vở cho con để thử đột nhập vào giờ ăn xem con ăn uống ở trường ra sao.

"Khi phụ huynh được đường đường chính chính đi kiểm tra, phải báo trước cho trường và có đầy đủ ban bệ của lớp, như thế khó mà khách quan", chị Hạnh nói.


Việc nuôi bán trú hiện ở các trường đang chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh nên chưa đầu tư, thiếu cán bộ có chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Việc nuôi bán trú hiện ở các trường đang chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh nên chưa đầu tư, thiếu cán bộ có chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Nhận xét về điều này, TS Sơn cho hay, các trường đặc biệt là khối công lập, có áp dụng quy định chặt chẽ về bữa ăn học đường hay không, còn phụ thuộc vào chất lượng của mỗi nhà trường.

“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần đưa ra phương án để các cha mẹ học sinh có thể thoải mái theo dõi, giám sát được bữa ăn hàng ngày của các con. Nếu làm đúng, minh bạch tại sao không cho bố mẹ đến kiểm tra ngay trong giờ ăn ở lớp?

Việc nuôi bán trú hiện ở các trường đang chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh nên chưa đầu tư, thiếu cán bộ có chuyên môn.

Các trường không chỉ chọn người dạy mà cần chọn cả người nuôi, cần kiểm soát chặt chẽ, không thể “thả nổi”.

Trở lại vấn đề dinh dưỡng của trẻ, TS Sơn cho hay, trải qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng trong nước và quốc tế đều cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao cũng như cải thiện sức khỏe cho trẻ mỗi ngày.

Ở mỗi lứa tuổi, trẻ lại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau để bảo đảm cho sự phát triển cơ thể mà còn đáp ứng các hoạt động thể chất và khả năng học tập của mỗi bạn.

Trong khi hiện nay, thời gian trẻ chủ yếu ở trường, nếu giáo viên không quan tâm, “ăn thì ăn không ăn thì thôi” sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng.

“Việc an toàn thực phẩm không được quan tâm và gây ra ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến trẻ em sau này.

Vì vậy, không chờ đợi ở trường lớp, tự bản thân cha mẹ cần có những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kích thích sự phát triển chiều cao, hạn chế thấp còi cho trẻ em Việt”, TS Sơn nhấn mạnh.

Mỹ Hà