Các trường đại học ngại thống kê số sinh viên thất nghiệp

Gần đây, TS Vũ Tuấn Anh - chuyên gia về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam - VIM đưa ra ý kiến ủng hộ việc Bộ GD-ĐT sử dụng tiêu chí tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong đánh giá chất lượng đào tạo đại học.

Số liệu thống kê sinh viên thất nghiệp sẽ giúp định hướng nghề nghiệp tốt hơn.
Số liệu thống kê sinh viên thất nghiệp sẽ giúp định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Trong ảnh: Tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội.

Tuy nhiên, dường như các trường đại học, cao đẳng vẫn che giấu vì vậy số trường thống kê sinh viên thất nghiệp hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để lý giải điều này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TS Tâm lý Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thưa PGS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thống kê số lượng sinh viên có việc, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Chúng tôi thực hiện khảo sát này từ năm 2008, thống kê nghiên cứu tình hình việc làm: bạn làm ở đâu, lương trung bình bao nhiêu, bạn có việc làm ngay hay sau bao lâu thì tìm được việc làm…

Khảo sát được tiến hành hai đợt: trước khi sinh viên tốt nghiệp một tháng và sau đó 1 hoặc 2 năm. Mỗi năm, chúng tôi có 1.500 đến 2.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có khoảng 35 - 50% phản hồi.

Theo khảo sát năm 2012, chúng tôi tiến hành phát 1.692 mẫu nghiên cứu và tính đến thời điểm tháng 6 có 28,5% sinh viên có việc làm khi chưa có bằng; 56,8% chưa có việc làm và 14,9% không trả lời.

Trung bình số lượng sinh viên có việc làm (khảo sát tháng 6 hàng năm) vào khoảng 27 - 30% (trong đó 90% có bằng khá, giỏi) và 50 - 60% sinh viên chưa có việc làm.

Vậy tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp sau một, hai năm thì sao, thưa ông?

Năm 2009 (sau 2 năm ra trường) chúng tôi tiến hành khảo sát cho thấy, hơn 87% đã có việc làm, thu nhập ổn định (98,7% là làm công ăn lương hoặc làm cho trường học), 1,3% làm doanh nghiệp hoặc công việc ít liên quan đến ngành nghề được học. 

Tuy nhiên, nhóm đi làm cho biết, thường có thu nhập thấp. Ví dụ, năm 2007, 2008 theo khảo sát thì 40% thu nhập khoảng 2 triệu đồng, 34% thu nhập hơn 2,5 - 3 triệu; 20% trên 3 triệu, dưới 5 triệu và trên 5 triệu đồng mỗi tháng chỉ xấp xỉ 5%. 

Việc đưa thông tin sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một trong những thước đo hiệu quả để đánh giá chất lượng đào tạo giáo dục đại học, nhưng có vẻ các trường có tâm lý ngại thống kê số liệu sinh viên thất nghiệp?

Để thống kê số liệu này các trường phải chi phí rất lớn. Mỗi năm chúng tôi chi trên dưới 100 triệu đồng để tiến hành khảo sát, sau đó công bố cho giảng viên, sinh viên biết. 

Theo báo cáo gần đây của Bộ GD-ĐT thì nguồn nhân lực sư phạm vẫn đang thiếu. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều sinh viên ĐH Sư phạm tốt nghiệp vẫn khó tìm việc?

Theo khảo sát năm 2012, sinh viên ĐH Sư phạm sau một năm tốt nghiệp thì tỷ lệ rất yêu thích nghề, yêu thích nghề khoảng 80%; gần 20% không thích nghề và 3,6 – 5% thực sự không thích nghề và muốn chuyển. Xu hướng này ngày càng tăng. 

Chúng ta thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn, còn thành phố thì thừa. Hơn nữa, thường ngành đào tạo mầm non, ra trường 100% có việc làm sau 6 tháng; còn những ngành khác như Triết học, Giáo dục chính trị, Sư phạm kỹ thuật… gặp khó khăn hơn.

Điều cơ bản chính là thu nhập của giáo viên hiện nay thấp, chế độ đãi ngộ chưa cao. Họ đang đi dạy nhưng thu nhập không đủ sống nên họ muốn chuyển nghề.

Trân trọng cảm ơn PGS!
Theo Hà Anh
ANTĐ