Các giai đoạn quan trọng về cải cách giáo dục, bài học từ Singapore

Lương Hiền Trang Đàm Quang Minh

(Dân trí) - Việc cải cách ở các quốc gia được diễn ra như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những cải cách như vậy?

Việt Nam đang trải qua một quá trình cải cách giáo dục bắt nguồn từ Nghị quyết 29, chương trình phổ thông mới 2018 và trực tiếp vào chương trình học chi tiết như môn Lịch sử đang được tranh luận gần đây. Vậy việc cải cách ở các quốc gia được diễn ra như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những cải cách như vậy?

Singapore, một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhưng vẫn tiến hành liên tục để đạt được những thành tựu mới phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế. Cải cách của Singapore được đánh giá là có tiếp cận hệ thống, một lộ trình đổi mới giáo dục bài bản, thống nhất và dài hơi.

Singapore và Việt Nam có một số điểm chung quan trọng - cùng trong khu vực Đông Nam Á, cùng có một chính quyền tập trung, và cùng hướng tới xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức. Liệu câu chuyện cải cách giáo dục của Singapore có để lại bài học gì cho Việt Nam?

Nhìn lại quá trình cải cách giáo dục

Cải cách giáo dục ở Singapore được thực hiện thành các giai đoạn có tính liền mạch và tiếp nối. Nhờ sự nhất quán và triển khai quyết liệt, hệ thống giáo dục của Singapore đã có sự thay đổi kì diệu trong 50 năm qua.

Giai đoạn 1 từ năm 1959 đến 1978 là giai đoạn tái thiết đất nước sau khi dành độc lập. Với một hệ thống giáo dục công lập non trẻ trong một xã hội nhiều xung đột sắc tộc và dân trí thấp, mục tiêu lúc đó là mở rộng giáo dục phổ thông, thống nhất các trường học nhỏ lẻ của từng nhóm dân tộc khác nhau quy thành một hệ thống chung sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Ở thời điểm đó, chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá rất thấp với tỷ lệ bỏ học giữa chừng hơn 50%.

Giai đoạn 2 từ năm 1979 đến 1996 tập trung vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu ra và độ phủ của hệ thống giáo dục, với mục tiêu tiên quyết là đào tạo ra những người lao động chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Nhận thấy học sinh thường bỏ học sau giai đoạn tiểu học, Singapore thiết kế phân luồng ngay sau tiểu học để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu và trình độ năng lực khác biệt giữa các học sinh. Học sinh được phân luồng theo 3 nhóm: Express (Cao cấp), Normal - Academic (Phổ thông - học thuật), và Normal - Technical (Phổ thông - đào tạo nghề), tương ứng với khả năng học thuật được phân loại từ cao xuống thấp. Sau chính sách này, tỷ lệ học sinh bỏ học ngay lập tức giảm đi đáng kể, từ hơn 50% xuống còn 6%.

Tiếp đó, trong giai đoạn 3 (1997-2012), Singapore hướng tới việc đáp ứng tốt hơn các nhóm năng lực khác nhau bằng cách thiết kế các lộ trình và cầu nối đa dạng. Với định hướng mô hình kinh tế dựa trên tri thức, Singapore đã phát triển một triết lý giáo dục mới, "Trường học tư duy, Quốc gia học tập" - "Thinking Schools, Learning Nation" (TSLN). Thay vì chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, trường học sẽ là nơi phát triển kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và niềm đam mê học tập suốt đời. Singapore xác định đặt tinh thần học tập vào trọng tâm của bản sắc dân tộc.

Từ năm 2011 đến nay, Singapore bước vào giai đoạn 4 - giáo dục hướng giá trị và lấy học sinh làm trung tâm. Đây được xác định là giai đoạn tiền đề quan trọng để hướng tới giai đoạn tiếp theo: "Học tập suốt đời: Kiến tạo lại con đường học tập" (Learn for Life: Remaking Pathways).

Kết quả đạt được

Singapore liên tục được OECD xếp hạng là một trong những hệ thống giáo dục phổ thông chất lượng tốt nhất trên thế giới. Theo kết quả bài thi đánh giá năng lực PISA, năm 2015, Singapore dẫn đầu trong bảng xếp hạng PISA ở cả 3 môn Toán học, Khoa học và Đọc hiểu. Năm 2018, điểm của học sinh Singapore đứng trong top 3 trong bảng xếp hạng ở cả 3 môn và tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chung toàn cầu. Vào năm 2020, học sinh Singapore chiếm hơn một nửa số học sinh đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Tú tài Quốc tế (IB) trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, giáo dục ở Singapore được đánh giá là vẫn thiên về truyền đạt kiến thức một chiều và đặt nặng thành tích. Giai đoạn cải cách từ 1979 đến 1996 đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra đánh giá, xếp hạng và chuẩn hóa chương trình học nhằm nâng cao chất lượng đầu ra.

Hệ lụy của giai đoạn này là việc áp lực thi cử và nâng cao điểm số đã tạo nên văn hóa cạnh tranh gay gắt ở các trường học Singapore ngay từ bậc tiểu học. Trong một nghiên cứu của OECD năm 2017, 86% học sinh Singapore cảm thấy lo lắng về điểm số, cao hơn nhiều so với trung bình của các nước OECD là 66%. 76% học sinh vẫn lo âu ngay cả khi đã chuẩn bị tốt, so với trung bình các nước OECD là 55%.

Những cải cách giáo dục từ 1997 đến nay, đúng với tinh thần của "Thinking Schools, Learning Nation", đã phần nào giải quyết vấn đề này bằng cách giảm thiểu kiểm tra đánh giá ở bậc tiểu học, xóa bỏ việc phân luồng, và thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thay vì nội dung.

Mô hình giáo dục dựa trên giá trị và lấy học sinh làm trung tâm, hướng tới học tập suốt đời

Trong một thế giới liên tục thay đổi, việc học tập và rèn luyện kiến thức và kỹ năng ở trường lớp là chưa đủ. Học sinh cần có thái độ và tâm thế chuẩn bị cho việc học tập suốt đời, liên tục nâng cao vốn hiểu biết và trau dồi các kỹ năng. Để phát triển nhận thức và khả năng học tập suốt đời của học sinh, Singapore lựa chọn mô hình giáo dục dựa trên giá trị và lấy học sinh làm trung tâm, được cụ thể hóa qua những chiến lược dưới đây.

1. Giáo dục dựa trên các giá trị cốt lõi:

Từ tầm nhìn của "Thinking Schools, Learning Nation", Singapore đã ban hành Khung Năng lực Thế kỷ 21 và Kết quả Đầu ra của Học sinh (Khung 21CC) vào năm 2014. Khung năng lực nêu rõ các năng lực và giá trị cốt lõi sẽ giúp thế hệ trẻ Singapore phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21, hướng tới trở thành con người tự tin, người học tự chủ, người cống hiến năng nổ, và một công dân có trách nhiệm. Những giá trị cốt lõi bao gồm Tôn trọng, Trách nhiệm, Kiên cường, Chính trực, Quan tâm, và Hài hòa.

Khung 21CC định hướng việc phát triển giáo trình môn học và tài liệu giảng dạy. Các trường học sử dụng bộ khung năng lực này để thiết kế các chương trình chính khóa và chương trình bổ trợ giúp học sinh phát triển các năng lực cần thiết.

Trường học ở Singapore cung cấp một loạt các trải nghiệm học tập để phát triển học sinh toàn diện. Thông qua các chương trình ngoại khóa và giáo dục trải nghiệm ngoài trường học, học sinh có thể phát triển niềm yêu thích và tài năng trong đa dạng lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật và thể thao, đồng thời trau dồi kỹ năng lãnh đạo cũng như năng lực xã hội và cảm xúc.

Bên cạnh đó, mỗi học sinh đều bắt buộc tham gia vào ít nhất hai dự án cộng đồng "Values in Action" nhằm hình thành ý thức trách nhiệm đối với xã hội cũng như phát triển các kỹ năng làm việc thực tế.

Các giai đoạn quan trọng về cải cách giáo dục, bài học từ Singapore - 1

2. Phân hóa học sinh:

Hệ thống giáo dục của Singapore đang chuyển đổi sang mô hình phân hóa theo từng môn học, hay còn gọi là subject-based banding (SBB). SBB sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống phân 3 luồng hiện tại.

Đối với từng môn học, học sinh sẽ có thể chọn cấp độ phù hợp nhất với mình: G1, G2 hoặc G3. G1 phù hợp với những học sinh muốn học nâng cao, và G3 có nội dung môn học đươc giảm tải. Học sinh có thể chọn cấp độ phù hợp với bản thân, và những người cùng trình độ trong một môn học sẽ học chung một lớp.

Sự linh hoạt này cho phép học sinh làm chủ việc học của mình, một yếu tố quan trọng hình thành "lifelong learning" - học tập suốt đời. Hiện nay, tất cả các trường tiểu học tại Singapore đều đi theo mô hình SBB, và dự kiến các trường trung học cũng sẽ chuyển đổi sang mô hình SBB trước năm 2024.

3. Đào tạo giáo viên:

Cốt lõi trong tất cả các chương trình đào tạo giáo viên của Singapore tập trung vào các giá trị, được phân thành ba nhóm chính:

Thứ nhất, lấy người học làm trung tâm: "Lấy người học làm trung tâm" được định nghĩa là niềm tin rằng tất cả học sinh đều có thể học, và vai trò của giáo viên là nuôi dưỡng tiềm năng trong mỗi đứa trẻ và chấp nhận sự khác biệt. Điều này bao gồm các giá trị thấu cảm và sự tin tưởng. Học sinh phải là cốt lõi trong tất cả các nỗ lực giáo dục của giáo viên và toàn bộ hệ thống.

Thứ hai, Bản sắc và niềm tự hào giáo viên: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản sắc giáo viên khi được thúc đẩy mạnh mẽ sẽ giúp cải thiện chất lượng giảng dạy. Bản sắc giáo viên bao gồm các giá trị cầu thị, đam mê, linh động, không ngừng học hỏi, giữ vững đạo đức và hướng tới sự chuyên nghiệp.

Thứ ba, Cống hiến cho cộng đồng chuyên môn và cho xã hội: Giáo viên cần hợp tác và học hỏi lẫn nhau cũng như có trách nhiệm phát triển thế hệ giáo viên kế tiếp, hướng tới phụng sự và cống hiến cho sự phát triển của toàn xã hội.

Các giai đoạn quan trọng về cải cách giáo dục, bài học từ Singapore - 2

Bài học cho Việt Nam

Có thể thấy hai giai đoạn rõ ràng của đổi mới giáo dục của Singapore. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn chuẩn hóa mà ở đây cụ thể là theo các tiêu chuẩn của Anh. Học sinh được học theo chương trình IGCSE và A-Level của Cambridge và mang tính chuẩn hóa cao.

Hiện nay ở Việt Nam, chương trình cũng đã được xây dựng theo khung trình độ quốc gia với sự tư vấn của các chuyên gia từ Anh Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam không giảng dạy bằng Tiếng Anh như Singapore và việc áp dụng nguyên chương trình của Anh không phải một lựa chọn đúng đắn. Để bù đắp được việc này, cần có một cách tiếp cận khác đó là xây dựng những tiêu chuẩn hoặc áp dụng các tiêu chuẩn kiểm định tiên tiến trên thế giới.

Thực tế là các trường phổ thông tại Việt Nam đã tìm tòi và tự áp dụng các chương trình kiểm định tiên tiến để áp dụng. Có thể nói ở đây như là CIS cho Trường quốc tế Canada, trường quốc tế Anh BIS, BVIS hay một loạt các trường áp dụng chung tiêu chuẩn kiểm định Cognia như các trường Newton, Alpha, Olympia, Thực nghiệm Victory, Tiểu học Công nghệ giáo dục ở Hà Nội hay St. Nicholas ở Đà Nẵng.

Bên cạnh việc áp dụng chuẩn kiểm định quốc tế, Việt Nam cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định cho các trường phổ thông của Việt Nam để có thể nhanh chóng đạt những chuẩn mực cần thiết.

Bước cải tiến tiếp theo sẽ diễn ra trong vòng 10-20 năm tới sẽ nhằm xây dựng những giá trị lâu dài cho các trường nói riêng và toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, thay vì chờ đợi cho toàn bộ hệ thống chuẩn hóa thì các trường đã đạt mức chuẩn hóa tốt như các trường đã có kiểm định cần được tạo điều kiện tự chủ và tự do để phát triển các chương trình giáo dục hiện đại hơn. Điều này cũng giống như các trường thuộc hệ thống đại học được tự chủ trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh và hợp tác quốc tế nếu đã đạt kiểm định.

Để có được những thay đổi phù hợp cho sự phát triển, việc cần thiết trong thời gian ngắn tới là cần có được hành lang pháp lý để các trường phổ thông đạt chuẩn kiểm định được tự chủ phát triển và bứt phá về chất lượng, xây dựng những giá trị giáo dục tiên tiến, phát triển bền vững.

Đàm Quang Minh - Tổng giám đốc khối phổ thông Tập đoàn giáo dục EQuest,

Lương Hiền Trang - Thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, Mỹ - chuyên gia giáo dục Hệ thống giáo dục Alpha School.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm