Cả nước thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông

Mỹ Hà

(Dân trí) - Cả nước hiện thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông. Kết quả học tập của học sinh có sự khác biệt giữa trung bình cả nước và các tỉnh đặc biệt khó khăn.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội thảo về giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam 2023, được tổ chức ngày 28-29/7 tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, thảo luận ba vấn đề cơ bản: Giảng dạy tiếng Anh phổ thông ở các khu vực khó khăn, hẻo lánh; những đóng góp của công nghệ trí tuệ nhân tạo; đề xuất chính sách trong giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam.

Cả nước thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông - 1

Cả nước hiện thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông (Ảnh: T.L).

Chênh lệch năng lực tiếng Anh giữa các vùng miền

Dạy và học tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn luôn gặp phải rất nhiều bất lợi.

Ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, năng lực học sinh có sự chênh lệch lớn.

Sự chênh lệch này càng thể hiện rõ ràng trong các lớp học ngoại ngữ nói chung và các lớp học tiếng Anh nói riêng.

Cả nước thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông - 2

TS. Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD&ĐT (Ảnh: B. Ngọc).

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông.

Điều kiện hạ tầng, các điểm trường cách xa nhau, lớp học kép, các thiết bị điện tử để giảng dạy tiếng Anh ở nhiều nơi rất hạn chế.

Do sự khác biệt vùng miền, kết quả học tập phân hóa mạnh giữa trung bình cả nước và các tỉnh đặc biệt khó khăn.

"Sự khác biệt về trình độ tiếng Anh của học sinh gây khó khăn cho giáo viên trong tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, động viên học sinh học tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ sau mỗi cấp học.

Những khác biệt này cũng gây khó khăn cho học sinh khi phải học cùng nhau trong cùng lớp", TS Mai Hữu nói. 

Cũng theo chuyên gia này, điều kiện phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh ở vùng khó khăn bị hạn chế so với các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn.

Đặc biệt, ở các trường thuộc địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, việc cung cấp thiết bị hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh và học sinh gặp nhiều hạn chế.

Cả nước thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông - 3

GS.TS. Phạm Thành Huy, đại diện Trường Đại học Phenikaa (Ảnh: B. Ngọc).

Vì sao điểm tiếng Anh thấp?

Để cải thiện phương pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh phổ thông, một số thầy cô giáo và chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm.

Một giáo viên cho biết, nhiều học sinh có bảng điểm tiếng Anh rất thấp, trong khi các môn học thuộc lòng chính trị, văn hóa điểm rất cao.

Đặc biệt, không có sách giáo khoa tiếng Anh chữ nổi cho các đối tượng học sinh khiếm thị gây khó khăn lớn cho các em.

GS.TS. Phạm Thành Huy, đại diện Trường Đại học Phenikaa cho rằng, Hội thảo năm nay tập trung vào ba chủ đề quan trọng.

Thứ nhất, làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả việc dạy học tiếng Anh ở các khu vực khó khăn?

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI trong thời gian vừa qua đã có những tác động lớn trong việc thay đổi biện pháp giảng dạy, tăng cường tương tác cá nhân hóa học tập.

Vậy nên, chúng ta cần thảo luận về tiềm năng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập tiếng Anh.

Vấn đề cuối cùng, các trường đại học trong nước cần tập trung giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh nhằm đem lại cơ hội học tập và nâng cao trình độ chuyên môn tiếng Anh cho sinh viên.

TS. Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng thừa nhận, việc tập trung vào ba chủ đề trên đây, chứng tỏ nó là yếu tố then chốt cho việc giảng dạy tiếng Anh trong thời đại công nghiệp 4.0.

Thông qua đó, các nhà hoạch định chính sách có thể tìm ra những giải pháp phù hợp cho các vấn đề bất cập trong giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, sao cho chương trình tiếng Anh được thực hiện hiệu quả trong giáo dục.

GS. TS Nguyễn Văn Khang, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chia sẻ, có thể nói ba nội dung được đưa ra mổ xẻ lần này đều là những vấn đề thời sự không chỉ riêng ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu, không chỉ ngôn ngữ tiếng Anh mà còn các ngôn ngữ khác.

Diễn đàn Giáo dục tiếng Anh Việt Nam (Vietnam English Language Teaching Forum) là diễn đàn quốc gia về phát triển chính sách dựa trên những quan điểm và ý kiến thực tiễn từ các bên liên quan.

Diễn đàn nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận toàn diện về tình hình giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam và đóng góp vào việc hình thành các chính sách liên quan cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Diễn đàn năm 2023 xem xét ba vấn đề chính, đó là giảng dạy tiếng Anh tại các khu vực khó khăn, vai trò của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy tiếng Anh và xu hướng giảng dạy tiếng Anh tích hợp với các môn khoa học khác (EMI) tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm