Vụ hơn 200 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng ở Hà Tĩnh:

“Bôi trơn” mới có được hợp đồng?

(Dân trí) - Trong quá trình tìm hiểu vụ hơn 200 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng ở Hà Tĩnh, có một thông tin được nhiều giáo viên chia sẻ khiến chúng tôi rất bất ngờ: Đó là hầu hết các giáo viên, nhân viên này phải “bôi trơn” thì mới cầm được tờ quyết định hợp đồng, người ít thì 20 triệu, có người lên đến cả gần 100 triệu đồng.

Nhiều giáo viên cho biết phải mất tiền, từ vài chục triệu đến gần 100 triệu đồng mới có được một hợp đồng đứng lớp

Một giáo viên đang công tác tại một trường tiểu học ở huyện Kỳ Anh (xin được giấu tên) cho biết: “Ở đây hầu như giáo viên nào cũng phải mất tiền để có được hợp đồng. Có người mất đến 70, 80 triệu đồng.Tôi thì chỉ mất khoảng hơn 30 triệu đồng”.

“Tôi phải mất 50 triệu đồng để có hợp đồng đi dạy. Tôi mới đi dạy được 3 năm. Lương chưa đủ số tiền xin việc”, một giáo viên khác xác nhận với PV.

11994355-884856341549694-1769334226-n-1441296259935

Các giáo viên trong buổi trao đổi với phóng viên Dân trí.

Trước đó, khi tìm hiểu vụ việc hơn 200 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng, PV Dân trí đã có phỏng vấn ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, thì vị này giải thích rằng tỉnh Hà Tĩnh chưa bao giờ cho hợp đồng đối với lao động trong khối cơ quan hành chính.

Trong khi đó UBND huyện Kỳ Anh lúc đó (bây giờ chia tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh) vẫn tiến hành kí kết hợp đồng với các lao động. Rõ ràng huyện Kỳ Anh đã làm sai, còn bây giờ hậu quả thì người lao động phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết trong năm 2015-2016 trên địa bàn Kỳ Anh, UBND tỉnh cho phép tuyển dụng thêm 99 chỉ tiêu giáo viên thông qua xét tuyển.

Hiện các cơ quan chức năng đã tuyển dụng được 27 người theo diện thu hút nhân tài và những người đã trúng tuyển chủ yếu là tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi trở lên.

Riêng 72 chỉ tiêu còn lại thì vẫn còn là cơ hội cho toàn bộ giáo viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và những người đã tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường tham gia xét tuyển nhưng sẽ ưu tiên những giáo viên có kinh nghiệm, từng giảng dạy tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Cũng trong quá trình tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi còn phát hiện thêm thông tin về việc hai giáo viên lớn tuổi được huyện Kỳ Anh vận động về hưu sớm đồng thời hứa hẹn sẽ sắp xếp công việc cho con em họ nhưng sau đó huyện lại "nuốt lời hứa".

Đó là trường hợp của ông Võ Xuân Sang (60 tuổi, trú tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh). Ông Sang cho biết, cuộc đời ông đã hơn 35 đứng trên bục giảng, trước đây ông từng công tác tại Trường Sư phạm 10+3 Nghệ Tĩnh 1, Trường THPT Kỳ Anh. Từ năm 1991 ông về Trường THCS Kỳ Văn (xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) dạy bộ môn Thể dục.

Ông Sang cho biết, vào tháng 8/2011, huyện Kỳ Anh đã mời tất cả các hiệu trưởng các trường cùng các giáo viên lớn tuổi lên họp. Tại cuộc họp này, ông Song (ông Trần Bá Song, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lúc đó, nay đã về hưu - PV) yêu cầu những giáo viên này về hưu trước tuổi theo Nghị định số 132 của Chính phủ về tinh giảm biên chế.

“Lúc đó có khoảng 150 giáo viên lớn tuổi nhưng không ai đồng ý cả”, ông Sang cho biết thêm.

“Đến tháng 9/2011, huyện Kỳ Anh tiếp tục cuộc họp lần thứ 2. Lần này, ông Song và ông Bổng (ông Nguyễn Văn Bổng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lúc đó, nay đã về hưu - PV) hứa “Nếu các đồng chí ai chịu về hưu trước tuổi mà có con cái học xong sẽ giải quyết việc làm và sắp xếp vào biên chế”, ông Sang cho biết thêm.

Mặc dù còn phải 4 năm nữa mới đến tuổi về hưu và bản thân là một giáo viên giỏi, hằng năm đều được Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh tuyên dương trong thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi thế nhưng vì tương lai con, với suy nghĩ “hy sinh đời bố, cũng cố đời con” nên ông Sang đã chấp nhận về hưu để cho con có được một công việc.

“Lúc đó, trong số những giáo viên lớn tuổi được gọi lên có 2 người là tôi và cô Phan Thị Tùng, Hiệu phó Trường Tiểu học Kỳ Văn đồng ý nghỉ trước tuổi. Dù đang rất tâm huyết với nghề nhưng vì con, đây là cơ hội duy nhất để con có một việc làm”, ông Sang tâm sự.

Thế nhưng nào ai ngờ được, “lời nói gió bay”, chính quyền huyện Kỳ Anh đã không thực hiện đúng lời hứa trước đó.

Giờ đây, người con của ông Sang là Võ Xuân Sách đã 4 năm gắn bó với Trường Tiểu học Kỳ Thượng 2 cũng đã bị chấm dứt hợp đồng.

Ông Sang cho hay: “Chúng tôi nhiều lần lên hỏi thì được ông Bổng cứ hứa hết lần này đến lần khác. Và giờ thì đã chấm dứt hoàn toàn. Hai người con của cô Tùng cũng bị cắt”.

Trường hợp cô Phan Thị Tùng cũng vậy. Cô trước đây làm Hiệu phó Trường Tiểu học Kỳ Văn. Được huyện vận động và hứa hẹn nên cô đã về hưu trước tuổi để tạo cơ hội cho các con. Giờ đây, cô đã mất và 2 người con của cô cũng vừa bị chấm dứt hợp đồng.

ah-nguyen-an-bac-con-trai-co-phan-thi-tung-1441378335417

Anh Nguyễn An Bắc, con trai của cô Phan Thị Tùng kể lại chuyện người mẹ của mình lúc còn sống đã bị chính quyền huyện Kỳ Anh thất hứa

Xuân Sinh

(Email: phamxuansinh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm