Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005:

Bộc lộ nhiều điểm yếu...

Khoảng cách ngày càng quá xa giữa điểm tuyển của ĐH công lập và dân lập: sự đánh giá chân thật nhất của xã hội về chất lượng đào tạo của hai loại trường này. Một hệ thống ĐH thiếu sự phân tầng: ĐH hàng đầu như ĐHQG cũng tuyển sinh như ĐH cấp vùng, gây nhiễu loạn xã hội.

Ba chung: Bộ không tin các trường ĐH đủ sức tuyển sinh, sao lại tin vào bằng tốt nghiệp ĐH do trường phát ra?

 

Đợt thi “tú tài lần hai”

 

Nhiều năm dư luận xã hội đã lên tiếng: Thay vì tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH cực kỳ tốn kém công sức, tiền của, Bộ GD-ĐT nên dựa vào điểm kỳ thi tú tài để tuyển sinh ĐH. Đề nghị là vậy, nhưng rồi dư luận cũng phải im tiếng mặc dù ai cũng... biết rằng: Điểm thi tú tài không bao giờ là điểm đáng tin cậy!

 

Và nếu dựa vào điểm này không khéo có khi cả một địa phương nào đó chiếm... hết chỗ trong trường ĐH cũng nên (!?) Bộ GD-ĐT do khó trả lời nên cũng phải im hơi trước đề nghị này, và lẳng lặng tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH mà nội dung đề thi như thi “tú tài lần thứ hai”!

 

Việc không dám tin cậy vào điểm thi tú tài của xã hội và ngay cả Bộ GD-ĐT, đã có những minh chứng hết sức thuyết phục: Theo thống kê của Trần Hoàng Minh, Trung tâm Games online thuộc Công ty VASC qua điểm thi của 10 trường ĐH đã công bố cho thấy gần 1.300 thí sinh (TS) đậu tú tài loại giỏi nhưng bài thi cả 3 môn dưới 15 điểm. Được biết để đạt bằng tú tài loại giỏi, học sinh (HS) phải có điểm thi tú tài loại giỏi cộng với việc được xếp loại HS giỏi trong năm học lớp 12.

 

Với một đề thi Sử được xem là nằm hết trong sách giáo khoa, thế mà chỉ sau kỳ thi tú tài hơn một tháng kết quả thi ĐH môn này đã cho một kết quả thảm hại, khoảng 60% TS đạt điểm 1 trở xuống. Ở đây không chỉ đặt ra vấn đề chất lượng thật của bằng tú tài, mà còn phản ánh một cung cách dạy và học vẹt nặng nề ở khối phổ thông.

 

Phải chăng những HS tú tài có điểm thi dưới 1 đã quen với việc “trả bài” đêm ngày cho các GV; đến khi đậu tú tài, thoát khỏi sự “dò bài” của thầy cô, các em đã mất đi khả năng tự học !?

 

Chất lượng ĐH dân lập: bao giờ “bình đẳng”được với công lập?

 

Dù muốn hay không, đến nay, các trường ĐH dân lập vẫn đang trở thành “cái nia” để hứng những HS lọt khỏi “sàng” ĐH công lập. Chính việc các trường ĐH dân lập không dám tự tuyển sinh mà “chùm gửi” công tác tuyển sinh vào hệ thống ĐH công lập, đã nói lên độ tin cậy của xã hội vào chất lượng đào tạo của nhà trường.

 

Ngay cả những ĐH dân lập được coi là tốt nhất ở TPHCM: Trường ĐH DL Kỹ thuật công nghệ TPHCM có 2.012 TS dự thi nhưng chỉ có 152 TS đạt từ 15 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu tuyển của trường năm 2005 là 1.700 cho 13 ngành. Trường ĐH DL Ngoại ngữ-Tin học TPHCM có 4.920 TS dự thi nhưng có đến 4633 TS có điểm thi từ 15 trở xuống.

 

Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng có 5.324 TS dự thi nhưng chỉ có 682 (khoảng 20%) TS đạt trên 15 điểm, mà chỉ tiêu của trường là 1.880. Theo nhà trường, sẽ dành 80% còn lại để xét tuyển NV2. Nếu tính theo mức điểm sàn như năm ngoái (khối A, D: 14; khối B, C: 15), Trường ĐH Mở BC TPHCM chỉ có 10% TS đạt yêu cầu. Dĩ nhiên, để đạt chỉ tiêu, trường sẽ dành 90% còn lại để tuyển NV2, NV3.

 

Rõ ràng, mô hình trường ĐH dân lập đã hình thành trên 10 năm, vậy mà đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục lúng túng trong công tác quản lý cũng như ổn định chất lượng của các trường này.

 

Một hệ thống giáo dục đại học cứng nhắc, nhiều phi lý

 

Ngày 12/8, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ có một cuộc họp để quyết định điểm sàn (điểm tối thiểu của một TS muốn vào học ĐH). Bi kịch sẽ diễn ra từ đây đối với các ĐH dân lập, nhất là những ĐHDL thuộc tốp dưới, chưa có tiếng tăm.

 

Điều này đã được dự báo bởi công tác tuyển sinh những năm trước đã cho thấy nếu lấy ở mức trình độ điểm trung bình là 15, sẽ có những ĐH dân lập đứng trước nguy cơ đóng cửa, vì không có HS. Và, để cứu các trường, Bộ đã để các trường âm thầm hạ điểm sàn. Phải chăng việc công bố điểm sàn của Bộ GD-ĐT chỉ nhằm trấn an dư luận xã hội về một chất lượng giáo dục ĐH?

 

Và cũng phải chăng việc ra đề thi khá dễ năm nay của Bộ GD-ĐT nhắm tới hai chủ đích: Với điểm thi cao, xã hội sẽ mơ hồ về chất lượng của các tú tài; đồng thời cũng gián tiếp nâng cao điểm tuyển vào các trường ĐH DL, tránh tình trạng 6, 7 điểm trên 3 môn vẫn vào được ĐH khiến dư luận bức xúc.

 

Đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục ĐH trong và ngoài nước đề cập đến việc phân tầng ĐH. Nhu cầu nguồn nhân lực ở bậc ĐH rất đa dạng: tùy năng lực trình độ, hoàn cảnh gia đình và cá tính mà có người muốn đi sâu vào nghiên cứu, kẻ lại muốn lăn lộn với thực tiễn.

 

Nền giáo dục ĐH của các nước có đủ loại hình từ ĐH cấp cao đến ĐH truyền thống, ĐH cộng đồng, ĐH mở, ĐH từ xa… để đáp ứng mọi nhu cầu học tập của người dân. Đồng thời tùy mỗi loại hình đào tạo người ta có phương thức tuyển sinh khác nhau.

 

Trong khi đó, những ngày qua, hầu hết các phương tiện thông tin đều đã lên tiếng: phương thức tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT thiếu khoa học, vậy vì sao Bộ cứ duy trì? HS tú tài 18 tuổi đã trưởng thành với đầy đủ quyền công dân, chọn lựa ĐH, ngành nghề theo học là quyết định đầu đời của các em.

 

Các em phải ý thức được phần nào trách nhiệm của mình, và nếu cứ “thua keo này bày keo khác” bất chấp ngành nghề có phù hợp với năng lực và năng khiếu cá nhân thì đó chính là một bi kịch cho cả cuộc đời sau này của các em.

 

Còn nếu Bộ GD-ĐT cho rằng các trường không đủ sức làm công tác tuyển sinh thì sao các trường có thể đào tạo ra các cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ…!? Bộ ôm công tác tuyển sinh không giao quyền tự chủ cho các trường là vì nguyên nhân gì? 

 

 Theo Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm