Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dự định gì trong năm 2022?
(Dân trí) - Năm 2022, dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng chưa biết hồi kết là lúc nào. Những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Bước sang năm 2022, nhân loại đã trải qua 2 năm ứng phó với dịch bệnh, và ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam cũng đã trải qua một khoảng thời gian dạy và học trong tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động dạy và học nói chung; có rất nhiều vấn đề đặt ra, và ngành đã chuyển đổi trạng thái, làm rất nhiều việc để giảm thiểu tác động tiêu cực đó, đồng thời duy trì mục tiêu chất lượng.
Tuy nhiên, năm 2022, chúng ta thấy rằng dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng chưa biết hồi kết sẽ là lúc nào. Cho nên, tôi nghĩ rằng, những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn, đang chờ ở phía trước.
Khó khăn lớn bởi những gì của 2 năm chống dịch vừa qua, chúng ta mới bước đầu khắc phục, bù đắp và củng cố để đảm bảo chất lượng. Nhưng phía trước, câu chuyện tới lớp học trực tiếp, hoặc có thể học online, hay tiến hành kết hợp các hình thức vẫn là những phương án được đặt ra. Khi chúng ta còn đang củng cố cái cũ thì có thể những diễn biến phức tạp buộc chúng ta phải có những ứng phó tiếp theo.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục phải xác định năm tới sẽ là một năm đầy thách thức, lớn hơn nữa là đối với công tác của ngành hay công tác chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cũng như đối với từng thầy cô và học sinh.
Năm tới sẽ là một năm chúng ta cần phải rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động sẽ còn lớn hơn nữa, từ đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm của 2 năm qua để tiếp tục kiên trì cho mục tiêu chất lượng".
Ứng phó với tình hình dịch bệnh, kiên trì với mục tiêu chất lượng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, ngành giáo dục cũng triển khai rất nhiều việc lớn, trong đó chúng tôi đang hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển GD-ĐT năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Bên cạnh đó, những việc được bắt đầu từ nhiều năm trước, và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2022, đó là đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đối với giáo dục đại học, 2022 vẫn là năm tiếp tục triển khai, hoàn thiện để làm chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn, thực chất hơn đối với tự chủ đại học; để từng bước hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công cuộc phát triển đất nước. Đó là việc to lớn.
Bên cạnh đó, việc vừa đổi mới giáo dục đào tạo, vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, kiên trì với mục tiêu chất lượng, cũng sẽ là việc lớn mà Bộ GD-ĐT chú ý trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, những câu chuyện như đảm bảo vấn đề giáo viên đủ số lượng, chất lượng; những việc về quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung cũng là những việc lớn.
Cùng với chủ trương chung của cả nước, công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là vấn đề quan trọng mà Bộ GD-ĐT phải quan tâm trong thời gian sắp tới.
Năm 2022 tập trung chuyển đổi số trong giáo dục
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chuyển đổi số là vấn đề mà chính phủ đã chỉ đạo ráo riết, toàn ngành cũng đã triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt về vật chất, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số này.
Năm 2022, Bộ GD-ĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, những xây dựng, hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về việc sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học, đồng thời cũng chính là việc rất thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Trong tất cả các công việc, đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, sẽ ưu tiên cho hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị và quản trị phù hợp đặt trên nền tảng số để giải quyết được nhiều mục tiêu trong thời gian sắp tới.