Bổ nhiệm Bí thư phường làm Trưởng phòng GD-ĐT: Các nhà quản lý giáo dục nói gì?

(Dân trí) - Trước sự việc thị xã Cửa Lò (Nghệ An) điều động, bổ nhiệm ông Phùng Đức Nhân, người không có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm làm Trưởng phòng GD&ĐT thị xã, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn. Một số nhà quản lý giáo dục có thâm niên tại Nghệ An bày tỏ lo lắng: Không có chuyên môn, nghiệp vụ thì người đứng đầu Phòng GD&ĐT thị xã liệu có đảm đương được nhiệm vụ?

 

Giáo dục là một ngành đặc thù và người làm công tác giáo dục phải có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Giáo dục là một ngành đặc thù và người làm công tác giáo dục phải có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Vừa qua, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Phùng Đức Nhân (SN 1977, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò) làm Trưởng phòng GD&ĐT thị xã. Việc điều động, bổ nhiệm ông Nhân được ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Cửa Lò khẳng định là đúng quy trình, quy định, đúng các văn bản đang có hiệu lực về việc bổ nhiệm, điều động cán bộ.

Điều khiến dư luận băn khoăn là ông Phùng Đức Nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhưng lại được lãnh đạo thị xã Cửa Lò bổ nhiệm làm người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương này. Được biết ông Phùng Đức Nhân có 2 bằng đại học (luật và quản lý hành chính) hệ chính quy, là cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An, đã có thời gian làm Phó Chánh văn phòng UBND-HĐND thị xã Cửa Lò trước khi làm Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu.

Thông tin về việc bổ nhiệm ông Phùng Đức Nhân, theo ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc kiêm người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An là “việc chưa có tiền lệ trong ngành giáo dục tại Nghệ An”. Ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng hết sức băn khoăn: “Nếu không có kinh nghiệm, chuyên môn sư phạm thì liệu có thể làm tốt nhiệm vụ ở vị trí đó không?".

Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn - người đã nhiều năm làm Trưởng phòng Nội vụ Anh Sơn (Nghệ An) khá sửng sốt trước thông tin thị xã Cửa Lò bổ nhiệm người không có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm làm Trưởng phòng GD&ĐT. “Giáo dục là một ngành đặc thù. Ngay như tôi đã có 15 năm trực tiếp đứng lớp, hơn 10 năm làm công tác quản lý giáo dục, nhưng chỉ cần ít ngày không đọc về việc dạy học thì lạc hậu ngay, nói không những không ai nghe mà còn bị cười nhạo. Sự thực, tuy đã có nền nghiệp vụ sư phạm, có ít nhiều kinh nghiệm quản lý, nhưng không thường xuyên nghiên cứu phương pháp dạy học thì không thể chỉ đạo nổi, vì giáo dục phức tạp vô cùng. Một ngày không nghiên cứu dạy học ở cấp này, môn này, môn khác là lạc hậu liền”.

Từ trước tới nay, những người làm công tác quản lý giáo dục ở Nghệ An đều đã trải qua việc trực tiếp đứng lớp.
Từ trước tới nay, những người làm công tác quản lý giáo dục ở Nghệ An đều đã trải qua việc trực tiếp đứng lớp.

Ông Sầm Hồng Lệ, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong: “Đã làm giáo dục thì phải biết sư phạm. Làm Trưởng phòng GD&ĐT có phải chỉ có mỗi công tác quản lý đâu mà còn thanh tra, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo trực tiếp tại các trường nên ít nhất cũng phải có kiến thức sư phạm. Công tác chỉ đạo chung là quan trọng, nhưng chỉ đạo công tác chuyên môn càng quan trọng hơn, bởi nói đến hoạt động giáo dục là hoạt động chuyên môn. Từ trước tới giờ, tôi chưa thấy Trưởng phòng GD&ĐT nào mà không có nghiệp vụ sư phạm. Theo tôi, làm Trưởng phòng GD&ĐT thì cần phải có nghiệp vụ sư phạm mới đúng”.

Nhà giáo Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, từng có 10 năm trực tiếp cầm phấn, 28 năm làm việc ở Sở GD&ĐT trước khi nghỉ hưu cũng cho biết, trong gần 45 năm kể từ khi vào ngành đến nay, đây là lần đầu tiên ông biết ở Nghệ An có sự việc người được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện nhưng chưa kinh qua công tác giảng dạy, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Theo nhà giáo Phạm Huy Đức: “Nói tỉnh chưa có quy định tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ để lý giải cho việc bổ nhiệm người không có chuyên môn sư phạm làm Trưởng phòng GD&ĐT là nói lấy được. Đúng là Nghệ An chưa quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiêp vụ đối với Trưởng phòng GD&ĐT, nhưng làm công tác tổ chức cán bộ, anh phải hiểu rằng, một người không có chuyên môn sư phạm thì không thể lãnh đạo, chỉ đạo cả ngàn con người mà ai cũng có chuyên môn sư phạm (từ giáo viên, cán bộ quản lý trường mầm non cho đến trường tiểu học, trung học đều có quy định rất rõ ràng về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm).

Không lẽ làm Trưởng phòng GD&ĐT lại không chỉ đạo việc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện; không lẽ xuống trường kiểm tra lại không vào dự giờ dạy của giáo viên; dự giờ dạy rồi, không lẽ lại không nhận xét – ít nhất là nhận xét về phương pháp sư phạm mà giáo viên đã thể hiện… Nói tóm lại, không thể bám vào chỗ chưa có văn bản quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của một Trưởng phòng GD&ĐT để rồi anh muốn bổ nhiệm thế nào cũng được”.

Trên thực tế, trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của Nghệ An, cũng có vài ba trường hợp học sư phạm xong, nhưng được điều động sang lĩnh vực khác theo yêu cầu của tổ chức, rồi sau đó quay về làm công tác quản lý giáo dục. Nhưng các Trưởng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thì đều là những người được bổ nhiệm từ dưới trường lên, tức là đã từng trực tiếp giảng dạy, trực tiếp quản lý trường học. Bởi vậy, việc bổ nhiệm người không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm làm Trưởng phòng GD&ĐT như ở thị xã Cửa Lò, theo nhà giáo Phạm Huy Đức là trường hợp lạ đời, từ trước đến nay chưa từng có.

Hoàng Lam

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!