Bỏ miễn giảm học phí với sinh viên trường Sư phạm: Nên hay không?
Để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm, nhiều nhà giáo cho rằng nên gỡ bỏ chính sách miễn giảm học phí với sinh viên.
Trong Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án 2020) nhấn mạnh việc phấn đấu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam có đủ năng lực ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp và làm việc ở môi trường hội nhập quốc tế.
Nhằm đáp ứng mục tiêu đó, một số trường ĐH trên cả nước đã thực hiện chương trình đào tạo giáo viên chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Khi thực hiện chương trình, các trường cần có hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy theo chương trình tiếng Anh mới. Tuy nhiên, có một thực tế là việc đào tạo cử nhân tiếng Anh chuyên ngành ở các trường ĐH Sư phạm hiện nay đang gặp khó khăn về kinh phí.
Hầu hết sinh viên sư phạm hiện nay đều được miễn giảm học phí nên nguồn tài chính để thực hiện chương trình nâng cao chất lượng và phát triển đào tạo tiếng Anh chỉ trông chờ vào sự phân bổ “nhỏ giọt” từ Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT.
Trước sự bất cập trên, có nhiều ý kiến là đến lúc Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng khác nên gỡ bỏ chính sách miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm để các trường ĐH có nguồn thu nâng cao chất lượng đào tạo.
Miễn giảm học phí không còn là ưu tiên số 1 với học sinh giỏi
Là cái nôi đào tạo giáo viên, ĐH Sư phạm Hà Nội đang đặt ra mục tiêu phấn đấu, từ năm 2018, mỗi năm đào tạo ra trường 200 cử nhân sư phạm có khả năng giảng dạy chương trình phổ thông các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin bằng tiếng Anh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến, bất cứ một chính sách nào cũng có ý nghĩa trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Giai đoạn đầu của việc thực hiện miễn giảm học phí đối với học sinh đăng ký thi vào các trường sư phạm (trong đó có ĐH Sư phạm Hà Nội), chúng ta đã đón nhận được số lượng khá lớn học sinh giỏi “đầu quân” vào đây.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, số lượng học sinh giỏi đăng ký vào học các trường sư phạm dần giảm xuống. Nếu các trường sư phạm đào tạo cử nhân đạt chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp có thể xin được việc làm thì chính sách miễn giảm học phí không còn là ưu tiên số 1 đối với học sinh vào trường sư phạm nữa.
Còn đối với những học sinh giỏi học trường sư phạm nhưng lại có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hỗ trợ. Nếu đảm bảo đối tượng này vào trường sư phạm thì cũng không tạo ra sự bất bình đẳng giữa các sinh viên.
Để đổi mới chất lượng đào tạo cử nhân tiếng Anh chuyên ngành, ĐH Sư phạm Hà Nội đang đề xuất một cơ chế “thoáng” trong việc trả lương theo giờ cho giáo viên cũng như làm việc với các đơn vị sử dụng lao động về cam kết đào tạo số lượng cử nhân sư phạm chất lượng cao. Đây cũng là cách thức để các trường không còn dựa dẫm vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước.
Có thể hỗ trợ một phần, còn lại sinh viên đóng góp
Ông Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho rằng, hiện nay, việc đào tạo và sử dụng lao động sư phạm còn bất cập. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm. Vì vậy, việc đào tạo ở các trường ĐH sư phạm phải làm sao để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội và tìm được việc làm.
Muốn làm được điều này thì các trường phải có kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, nếu là đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh thì nên thu học phí của sinh viên. Còn đối với những sinh viên thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn thì vẫn được sự hỗ trợ miễn giảm học phí từ ngân sách Nhà nước.
“Để tạo nguồn thu cho các trường ĐH Sư phạm hoạt động tốt hơn thì nên có sự đổi mới theo hướng dành kinh phí hỗ trợ một phần cho sinh viên, một phần nên để người học đóng góp”- ông Lê Văn Hòa, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đề xuất.
Điều quan trọng nhất hiện nay đối với sinh viên là có thể tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu chúng ta vẫn thực hiện miễn giảm học phí hoàn toàn cho sinh viên thì không còn phù hợp với xu thế phát triển các trường ĐH Sư phạm.
Theo Bích Lan
VOV