Bộ Giáo dục “thả” quản lý liên kết đào tạo cho các trường đại học tự quyết
(Dân trí) - Thủ trưởng các cơ sở đào tạo được tự chủ quyết định việc thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo cho người đã có bằng đại học thay vì trình đề nghị Bộ GD&ĐT cấp phép như các văn bản hiện hành.
Đó là một trong những điểm mới trong Dự thảo quy chế đào tạo trình độ đại học mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến.
Quy chế này áp dụng đối với các khóa đào tạo ở trình độ đại học trong các cơ sở giáo dục được phép đào tạo trình độ đại học, không áp dụng đối với hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học, liên kết đào tạo cấp bằng nước ngoài.
Dự thảo thông tư mới này có 6 điểm mới so với quy định cũ. Cụ thể:
Tất cả các chương trình đào tạo phải theo đơn vị tín chỉ
Tất cả các chương trình đào tạo phải được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, không xây dựng chương trình đào tạo theo đơn vị học trình như Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006.
Thông tư quy định về đào tạo trình độ đại học nay đã tích hợp, thay thế nhiều nội dung tại các thông tư đơn lẻ hiện hành, do đó sẽ giúp giảm số lượng văn bản quy định chi tiết đối với từng nội dung riêng lẻ, tránh trùng lặp nội dung, tạo sự thống nhất trong văn bản chỉ đạo về đào tạo trình độ đại học.
Các nội dung quy định về tuyển sinh không quy định trong Quy chế đào tạo này như những Quy chế trước mà được đưa sang, tích hợp vào Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; Các nội dụng quy định về chương trình đào tạo được dẫn chiếu sang Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình
Đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó, có nhiều nội dung giao thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định: Quy định nội bộ về công tác đào tạo trình độ đại học trên cơ sở Quy chế này và phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường; công nhận tín chỉ đã tích luỹ của người học.
Đặc biệt, Thủ trưởng cơ sở đào tạo được tự chủ quyết định việc thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo cho người đã có bằng đại học khi đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình theo quy định trong Quy chế, thay vì trình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép như các văn bản hiện hành.
Dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ
Về dạy học theo hình thức trực tuyến, dự thảo quy định: “Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo”.
Việc quy định các trường được phép tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến một phần chương trình đào tạo trình độ đại học sẽ giúp các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập, thực hiện hội nhập quốc tế (hiện nhiều nước trên thế giới đã cho phép, có thể kể đến như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan…).
Tuy nhiên để kiểm soát chất lượng đào tạo, các trường chỉ thực hiện nội dung này khi đảm bảo điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành tại Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 4 năm 2017 quy định về đào tạo từ xa trình độ đại học và Thông tư số12/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 4 năm 2016 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặt yêu cầu cao với sinh viên được học cùng lúc hai chương trình
Quy định về học cùng lúc hai chương trình cao hơn trước đây. Cụ thể, khoản 2 Điều 22 quy định sinh viên được học cùng lúc hai chương trình nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Đáp ứng điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo thứ hai trong năm tuyển sinh và có điểm trung bình tích lũy đạt 2,0 trở lên của học kỳ chính học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình đào tạo thứ nhất.
Sau khi kết thúc học kỳ chính học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình đào tạo thứ nhất, có điểm trung bình tích lũy đạt 2,5 trở lên và đáp ứng điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo.”
Nội dung sửa đổi này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho những sinh viên có năng lực thực sự thực hiện được việc học cùng lúc hai chương trình và chuyển đổi ngành nghề sau này khi cần thiết.
Những nội dung sửa đổi này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học. Như vậy sẽ chỉ những sinh viên có năng lực thực sự mới thực thực hiện được học cùng lúc hai chương trình.
Hồng Hạnh