Bộ Giáo dục lý giải vì sao Bác sĩ nội trú bị từ chối thi tiến sĩ
(Dân trí) - Giới y học đang xôn xao lo lắng về quy định đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT từ chối không cho Bác sĩ nội trú thi tiến sĩ. Vì sao vậy? đại diện Bộ GD&ĐT đã lý giải vấn đề này.
Trong ngành y, cụm từ “Bác sĩ nội trú” là một “thương hiệu” khiến các sinh viên y ngưỡng mộ, bởi chương trình học bác sĩ nội trú rất nặng, thời lượng cả lý thuyết, thực hành của học nội trú hơn cả học cao học.
Ngoài ra, muốn thi được bác sĩ nội trú phải là những sinh viên y khoa giỏi. Các Giám đốc bệnh viện ưu tiên tuyển dụng, chỉ cần tốt nghiệp bác sĩ nội trú là được tiếp nhận vào các bệnh viện lớn.
Nhưng trong thông tư số 08/2017/TT – BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ lại từ chối nhóm đối tượng là Bác sĩ nội trú. Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Thưa ông, vì sao trong thông tư số 08/2017/TT – BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ lại từ chối nhóm đối tượng là bác sĩ nội trú mà đây là nguồn nhân lực ưu tú, chất lượng nhất trong ngành y?
PGS.TS Đặng Quang Việt: Trước hết phải khẳng định về việc Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT – BGDĐT của Bộ GDĐT từ chối nhóm đối tượng là bác sĩ nội trú là hoàn toàn không chính xác.
Tất cả các bác sĩ nội trú nếu đảm bảo các quy định tại Điều 5 về điều kiện tuyển sinh của Quy chế này (có bằng tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ) đều có quyền nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành liên quan ở trình độ tiến sĩ.
Được biết, nhiều trường Đại học Y Dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm vừa qua nhưng không được cấp bằng thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, tại sao thưa ông?
PGS.TS Đặng Quang Việt: Nếu nói nhiều trường đại học y dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm qua nhưng không được cấp bằng thạc sĩ là không đúng, vì lý do sau:
Năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 01/7/2003 hướng dẫn việc chuyển đổi có điều kiện các văn bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và bác sĩ nội trú đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hệ thống giáo dục quốc dân (điều kiện thiếu môn gì đầu vào thi môn đó, thiếu môn nào học môn đó, bảo vệ luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ theo quy chế).
Hiện nay, chưa có văn bản nào bãi bỏ các quy định này nên việc chuyển đổi từ bác sĩ nội trú sang thạc sĩ vẫn được thực hiện theo Thông tư số 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT.
Sau khi hoàn thành chương trình, theo Luật GDĐH 2012 (Điều 38), cơ sở giáo dục đại học có quyền in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học, không phải do Bộ GDĐT cấp. Nếu cơ sở đào tạo lấy phôi bằng từ Bộ GDĐT thì Bộ chỉ cấp phôi bằng theo chỉ tiêu đào tạo được quy định trong Thông tư 32.
Nếu trường nào đào tạo bác sĩ nội trú nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, cơ sở đào tạo đã tổ chức cho học viên học bổ sung đầy đủ chương trình đào tạo thạc sĩ và bảo vệ luận văn thạc sĩ theo quy định (như Đại học Y Dược TP. HCM) thì vẫn được Bộ GDĐT cấp phôi bằng thạc sĩ.
Từ thực tiễn đào tạo sau đại học của trường Đại học Y Hà Nội và trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng Hiệu trưởng các Trường Đại học Y Dược Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi về học tập và nghiên cứu cho những người đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hội đồng đã đề nghị Bộ Y tế đồng thuận đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép những người có bằng bác sĩ nội trú được dự xét tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như những người có bằng thạc sĩ. Vậy ý kiến Bộ GD&ĐT như thế nào? Bộ có bổ sung, sửa đổi thông tư 08 theo ý kiến đề xuất này không?
PGS.TS Đặng Quang Việt: Hiện nay, Bộ GDĐT chưa nhận được đề nghị của Bộ Y tế về vấn đề này.
Mặt khác, trước khi ban hành Thông tư 08/2017/TT – BGDĐT vào ngày 4/4/2017 thay thế Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ ban hành theo Thông tư 10/2009, Bộ GDĐT đã rà soát các văn bản liên quan trong đó có Thông tư liên tịch 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT.
Bộ GDĐT cũng đã đồng thời công bố công khai dự thảo trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT để các cơ sở đào tạo tiến sĩ, các tổ chức xã hội và cá nhân quan tâm có ý kiến góp ý, gửi công văn và xin ý kiến một số bộ, ngành, bao gồm cả Bộ Y tế (Bộ Y tế đã có ý kiến góp ý tại công văn 130/K2ĐT-ĐH ngày 22/2/2017) để đảm bảo tính khả thi và hiệu lực áp dụng của văn bản khi ban hành.
Trong công văn của Bộ y tế nhất trí với nội dung dự thảo, đề xuất sửa đổi một số câu từ nhưng không đề cập đến việc bác sĩ nội trú.
Do vậy chưa đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2017/TT – BGDĐT tại thời điểm này.
Theo ông, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa ban hành có khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay như thế nào ?
PGS.TS Đặng Quang Việt: Thông tư 08 được ban hành với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, tạo điều kiện hội nhập với đào tạo trình độ tiến sĩ của khu vực và thế giới; giảm thiểu thủ tục hành chính; phát huy quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo tiến sĩ căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành; tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đào tạo tiến sĩ của cơ sở đào tạo nhằm tạo lập niềm tin của xã hội, của nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động về chất lượng đào tạo tiến sĩ. Thông tư 08 có những quy định mang tính đột phá khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay. Cụ thể:
Nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo;
Chuẩn hóa các quy định về ngoại ngữ của người dự tuyển theo chuẩn quốc tế; quy định việc công bố khoa học của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trên các tạp chí ở nước ngoài - mức độ được coi là cao hơn những quy định trước đây và có tính hội nhập với giáo dục đại học của khu vực và thế giới.
Thay đổi và nâng cao một số quy định đối với người hướng dẫn: Ngoài việc phải đáp ứng quy định về việc công bố bài báo/công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí ở nước ngoài, quy chế quy định người hướng dẫn phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên.
Người hướng dẫn độc lập phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo.
Điều 5 của Thông tư 08/2017/TT – BGDĐT về điều kiện tuyển sinh trình độ tiến sĩ yêu cầu người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ.
2. Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
3. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ...
Hồng Hạnh (thực hiện)