Bộ Giáo dục giải đáp các vấn đề “nóng” trong kỳ thi THPT quốc gia 2016
(Dân trí) - Chiều ngày 4/7, Bộ GD&ĐT đã họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016. Theo đó, các vấn đề nóng như trích dẫn đề thi môn văn, đề thi, cách chấm thi… đã được Bộ GD&ĐT giải đáp.
Dữ liệu trích dẫn vào đề thi Văn là hoàn toàn tin tưởng.
Phóng viên: Việc Bộ GD&ĐT sử dụng một văn bản gây tranh cãi để đưa vào dữ liệu đề thi, liệu có được tính trước? Văn bản cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985 (NXB Giáo dục năm 1985) đã công bố với báo chí, liệu có phải văn bản đáng tin cậy?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngay sau khi có thông tin gây tranh cãi trên mạng, Bộ GD&ĐT đã khẳng định văn bản này không sai. Trong những năm trước đây, vào các kì thi, đều xuất hiện các thông tin thất thiệt như lộ đề, đề thi sai. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc rất nhanh chóng để có câu trả lời ngay lập tức giúp thí sinh yên tâm hoàn thành tốt kì thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục: Cuốn thơ 1945- 1985 được xuất bản khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống, như vậy đây là một tài liệu có sự tin cậy cao. Với đặc điểm câu đọc hiểu trong đề thi Văn, được phép cung cấp văn bản ngoài vào làm ngữ liệu đọc hiểu, theo đó câu hỏi này đáp ứng được yêu cầu này.
Việc tranh cãi trong văn học là chuyện rất thú vị từ trước đến nay. Về ngữ liệu văn bản mà chúng tôi cung cấp cho báo chỉ ở câu thơ: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, chúng tôi khẳng định, đó là cuốn sách gốc, và có thể tìm được ở tất cả các thư viện. Và như vậy, nguồn dữ liệu trích dẫn vào đề thi Văn là hoàn toàn tin tưởng.
Đáp án sẽ chấm mở
Đề thi năm nay được đánh giá có tính phân hóa cao. Kỳ thi có 70 cụm thi do ĐH, CĐ chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT tổ chức để xét tốt nghiệp, vậy Bộ GD&ĐT đã có hướng chấm thi ra sao giữa hai cụm thi để đảm bảo tính công bằng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi kì thi diễn ra, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 14 đoàn thanh tra ở các cụm thi do địa phương chủ trì. Theo đó, chúng tôi ghi nhận việc giám sát kì thi còn chặt chẽ hơn cả cụm thi do các trường ĐH, CĐ chủ trì và gần như không có khác biệt gì.
Sở dĩ phải duy trì hai cụm thi vì đây là vấn đề nhân văn, nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có nhu cầu vào ĐH thì không nhất thiết buộc các cháu phải đi xa để đỡ mất công sức và tốn kém. Và dư luận không nên lo lắng vì độ nghiêm túc giữa hai cụm thi này nữa.
Về đề thi, năm vừa qua chúng ta đã có bước tiến rất mạnh so với kì thi 3 chung. Các trung tâm luyện thi bên ngoài dường như không còn đất sống nữa, chứng tỏ hiệu quả rõ rệt, được thí sinh và phụ huynh cũng như dư luận chung đón nhận.
Việc ra đề thi vừa đảm bảo đánh giá năng lực, vừa mang tính mở và phù hợp với năng lực học sinh là rất khó khăn. Vì thế bộ sẽ đổi mới dần dần, không thể cùng lúc đổi mới quá nhanh đề thi.
Đề thi năm nay được đánh giá có tính mở cao. Đề thi mở, vậy Bộ GD&ĐT có tính đến phương án chấm mở?
Ông Mai Văn Trinh: Chúng ta thấy rất rõ nét việc thay đổi đề thi sau mỗi năm thi, việc đánh giá năng lực của đề thi càng rõ. Trong đề thi, đã đưa nhiều câu hỏi mang tính vận dụng, đòi hỏi học sinh có sức sáng tạo, vì thế đáp án cũng phải mở.
Điều này không mới vì việc ra đề mở đã thực hiện từ năm 2015. Vì thế, trong hướng dẫn chấm cũng có một số chi tiết được mở ngoặc, nếu thí sinh sáng tạo nhưng không sai với câu hỏi, không sai thuần phong mỹ tục thì sẽ được tính điểm. Cùng với sự chuẩn bị tập huấn rất tốt cho đội ngũ chấm thi trong thời gian vừa qua, chúng tôi có thể tin tưởng sẽ làm được.
Ông Mai văn Trinh (Ảnh: Mai Châm)
Trong đề thi Hóa học, có một chất được đưa ra không quen thuộc với thí sinh. Liệu điều này có ảnh hưởng đến bài làm?
Ông Mai Văn Trinh: Trong quy chế yêu cầu đề thi đề cậpđến các nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, đề thi đã làm được điều đó nhưng độ sâu hoặc độ nhạt đến đâu là tùy từng môn.
Hỗ trợ tối đa thí sinh trong việc xét tuyển
Theo quy định, năm nay thí sinh không phải dịch chuyển mà tham gia thi ở địa phương. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác thi thì phải dịch chuyển. Năm tới, Bộ GD&ĐT có tính đến việc thay đổi điều này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi tổ chức kì thi, chúng ta tính chung trong tổng thể, sự di chuyển của cán bộ về địa phương là dễ dàng và ít tốn kém hơn so với thí sinh di chuyển. Vì thế, việc cán bộ phải di chuyển là hoàn toàn hợp lý.
Ngay sau kì thi là việc xét tuyển. Vậy, Bộ GD&ĐT đã có hướng xử lý như thế nào để giảm bất cập so với năm ngoái?
Ông Mai Văn Trinh: Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các phần mềm xét tuyển. Hiện phần mềm đã được xây dựng xong, đã thử nghiệm và có thể vận hành. Trong thời gian xét tuyển, các trường THPT, các TTGDTX huy động toàn bộ máy tính để hỗ trợ tối đa thí sinh trong việc xét tuyển.
Sau khi có điểm thi, chúng tôi sẽ cập nhật lên hệ thống. Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà mạng để tránh nghẽn mạng như năm ngoái.
Với cụm thi tốt nghiệp, có cần thiết phân công các trường đại học tham gia hay giao hẳn cho các địa phương?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như chúng ta đã biết, Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều đổi mới trong kì thi ĐH, CĐ. Từ việc có 4 kì thi như trước đây, giờ chỉ còn 1 kì thi duy nhất, vừa xét phổ thông vừa xét ĐH, CĐ.
Năm 2015, chúng ta tổ chức kì thi ở 38 cụm thi do ĐH, CĐ chủ trì. Hiện nay, chúng ta đã tổ chức ở 63 tỉnh thành. Đây là một sự thay đổi quan trọng, nó như một phép thử để làm sao tổ chức các kì thi tiếp theo đảm bảo an toàn và tạo được niềm tin trong xã hội. Ngay sau kì thi này, bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị về việc tổ chức các kì thi THPT quốc gia cũng như thi ĐH, CĐ trong thời gian tới để rộng đường dư luận.
Mỹ Hà (ghi)