1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bộ GD&ĐT sẽ dừng các chương trình liên kết đào tạo không đúng cam kết

Mỹ Hà

(Dân trí) - Năm 2022, cả nước có khoảng 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Dự kiến năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ có thông tư về quản lý chương trình liên kết này.

Hơn 300 chương trình đào tạo liên kết

Tại tọa đàm "Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển", do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 25/11 cho thấy, cả nước có khoảng 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến năm 2022, các chương trình liên kết giảm nhẹ với hơn 300 chương trình, một số chương trình đã hết hạn và chưa có quyết định gia hạn cũng như một số chương trình mới mở ra, dịch chuyển dần sang lĩnh vực khoa học công nghệ, đó là xu hướng tốt.

Cả nước có khoảng 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài. Số lượng này chưa phải nhiều, nhưng chúng ta không nên chạy theo số lượng mà cần chú trọng về chất lượng.

Bộ GDĐT sẽ dừng các chương trình liên kết đào tạo không đúng cam kết - 1

Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: T.L).

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, xét tỉ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài hiện nay, hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý, còn 25% là các chương trình liên quan khoa học công nghệ và chỉ 10% là chương trình của các khối ngành khác. 

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi chúng ta đang hội nhập quốc tế, việc quốc tế hóa giáo dục đại học, liên kết đào tạo với quốc tế là yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra.

Từ khi Luật Giáo dục đại học được sửa đổi, bổ sung, việc tạo hành lang pháp lý đủ để có thể triển khai bài bản, đúng luật việc tổ chức chương trình liên kết đã được quan tâm.

Xu hướng đi du học trước đây nay đã bão hòa, và chuyển dần sang xu hướng chuyển giao chương trình đào tạo cho các nước sở tại có đông sinh viên học.

Các nước có nền đại học đang trong xu hướng phát triển cũng đang tiếp cận xu hướng này, tức là thông qua chương trình liên kết đào tạo để giữ chân sinh viên ở trong nước.

"Tôi nghĩ hai xu hướng này đang có chiều hướng gặp nhau, chúng ta phải chớp xu hướng này", bà Mai Hoa nói.

Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu dừng nếu không đúng cam kết

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học, nhiều chương trình đại học đã được xếp hạng và lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Dư luận đặt câu hỏi, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam có thực sự chất lượng, các đối tác có đảm bảo không?

Bộ GD&ĐT đã quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm như thế nào?

Bộ GDĐT sẽ dừng các chương trình liên kết đào tạo không đúng cam kết - 2

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: T.L).

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, tiêu chí về xếp hạng không phải là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn liên kết đào tạo, cũng không nằm trong quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, các chương trình liên kết đào tạo được mở ra tại các trường đều được kiểm định, bảo đảm theo các yêu cầu của Luật và Nghị định trên.

Dự kiến, trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.

"Việc quản lý các chương trình liên kết đào tạo nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.

Tuy nhiên, việc rà soát không làm khó các trường mà đồng hành, giúp các trường tìm ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế để các trường có thể làm tốt hơn nữa.

Còn nếu có vi phạm, tùy mức độ chúng tôi sẽ căn cứ theo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục đào tạo để thực hiện", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo, Bộ GD&ĐT căn cứ vào kết quả kiểm tra hậu kiểm, chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo.

Trong trường hợp đó, dĩ nhiên, người học không có lỗi, lỗi là ở các nhà trường, vì vậy, các em được tạo điều kiện để chuyển sang học các chương trình tương tự khác.

Cũng với góc nhìn này, bà Mai Hoa cho rằng, nhìn ở hơn 300 chương trình đào tạo liên kết hiện nay, vẫn còn trăn trở nhiều vấn đề.

Chẳng hạn uy tín và chất lượng không bảo đảm, người học chi khoản tiền không nhỏ cho đào tạo, nhưng bù lại, họ được cái gì? Không phải là bằng cấp mà là các chứng chỉ, khi đi vào thị trường lao động đã không được công nhận.

Đặc biệt có vấn đề "sính ngoại", nhiều cơ sở giáo dục chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng. Do đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học vi phạm về liên kết đào tạo không phải là ít.

"Về hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GD&ĐT đã có bước chuẩn bị để sắp tới ban hành thông tư về vấn đề này.

Nếu có định hướng rõ hơn, nếu có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì chắc chắn cách làm của các trường sẽ đi những bước đi đúng hơn, không chỉ một số trường top trên, mà cả các trường khác", bà Mai Hoa nói.