Bộ GD&ĐT giải thích "độ vênh" giữa các mã đề thi

(Dân trí) - Giải đáp những băn khoăn về “độ vênh” mức độ khó dễ giữa các mã đề thi gốc, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, mức độ khó của các mã đề tương đương nhau vì đã được xây dựng từng bước theo công nghệ làm ngân hàng đề thi chuẩn hóa của Hoa Kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí nói về độ "vênh" giữa các mã đề

Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Tại buổi họp báo, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến đề thi. Trong đó, “nóng nhất” là câu hỏi về mức độ khó giữa các mã đề liệu có như nhau?

Theo quy định các đề thi môn trắc nghiệm có 4 đề thi gốc độ khó tương đương nhau từ đó nhân lên thành các mã đề (24 mã đề). Tuy nhiên, theo phản ánh của các thầy cô giáo sau kỳ thi thì mã đề gốc có độ khó không tương đương nhau. Nếu đúng như vậy thì kết quả thi của các thí sinh sẽ không công bằng?

Trả lời vấn đề này, ông Sái Công Hồng (Trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT) cho biết, năm nay là năm đầu tiên chúng ta đổi mới công tác xây dựng ngân hàng đề thi theo chuẩn quốc tế từ đó xây dựng mã đề thi cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Điểm khác với các năm trước là năm nay tất cả những câu hỏi này đã được thử nghiệm với học sinh lớp 12, qua đó biết độ dễ - khó của các câu hỏi trong thực tiễn.

“Tháng 3 và tháng 4, chúng tôi thử nghiệm ngân hàng câu hỏi với khoảng 20.000 học sinh lớp 12.

Sau đó, tiếp tục làm công đoạn thứ 2 là chuẩn hóa để cân bằng độ khó giữa các đề thi. Đề thi trắc nghiệm khách quan có 24 mã đề thi khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc”, ông Hồng cho biết.

Giải đáp những băn khoăn về “độ vênh” mức độ khó dễ giữa các đề, Trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng khẳng định, mức độ khó của các mã đề đều tương đương nhau vì đã được xây dựng từng bước theo công nghệ làm ngân hàng đề thi chuẩn hóa như của Hoa Kỳ.

“Sau khi thử nghiệm, hội động rút đề thi theo ma trận tạo nên các mã đề thi khác nhau. Nếu so sánh độ vênh một câu này với một câu kia rất khó. Nếu muốn so sánh độ khó thì phải so sánh cả đề thi này với đề thì khác. Có thể cùng nội dung kiến thức, nhưng ở mỗi mã đề lại hỏi mức độ kỹ năng khác nhau. Do đó, nếu so sánh giữa câu hỏi với câu hỏi sẽ là khập khiễng”, ông Sái Công Hồng khẳng định.

Theo ông Hồng, chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này thì chúng ta mới chứng minh rằng, độ khó của các đề thế nào.


Ông Sái Công Hồng (Trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Mai Châm)

Ông Sái Công Hồng (Trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Mai Châm)

Đảo câu hỏi trong đề “lung tung”?

Về đề thi, có một băn khoăn khác cho rằng, độ chia câu hỏi từ dễ đến khó giữa các mã đề không thực sự đồng đều vì câu hỏi trong các mã đề bị đảo lộn. Do vậy, câu hỏi khó có khi bị đảo lên phía đầu. Điều đó gây khó khăn cho một số thí sinh và làm mất tinh thần chiến đấu của các em…

Ông Sái Công Hồng giải thích: Các mã đề thi nếu có đảo thì đảo theo khối. Nghĩa là, một câu hỏi được phân thành 4 cấp độ: Nhận biết - Thông hiểu – Vận dụng – vận dụng cao. Vì vậy, Ban làm đề có một cụm câu hỏi có tính chất tương đương nhau về cấp độ.

“Không có chuyện đảo lung tung, nếu đảo là đảo ở phạm vi các câu hỏi cùng cấp độ”, ông Hồng nhấn mạnh.

Đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng chia sẻ, mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng mới như năm nay là sự công bằng khách quan cho các em thí sinh.

“Với 24 mã đề thi và thời gian làm bài ngắn rất khó để các em trao đổi với nhau. Đó là giải pháp kỹ thuật, chỉ có điều chúng ta khác là thi xong Hoa Kỳ không công bố đề nhưng chúng ta công bố đề”, ông Hồng nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, trong đổi mới luôn có những ý kiến trái chiều, không đồng tình nhưng rõ ràng chúng ta đã đi một bước dài trong quá trình thi và tuyển sinh, trong đó có khâu xây dựng ngân hàng đề thi.

Lệ Thu