Bộ GD&ĐT: Để học sinh viết vào SGK, hiệu quả dạy học sẽ không cao

(Dân trí) - Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) ngày 1/10, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là "đúng hay sai" thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao.

Giúp học sinh rèn luyện thao tác tư duy

Theo Bộ GD&ĐT, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.

Khi thay sách giáo khoa từ năm học 2002-2003, Bộ GD&ĐT đã tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách giáo khoa để tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực.

Cụ thể, đối với các bài có thí nghiệm, học sinh cần được tổ chức tiến hành theo nhóm (hiện nay cơ số bộ thí nghiệm thực hành theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiếu là 6 bộ thí nghiệm/bài thực hành) và ghi số liệu vào bảng trong Phiếu học tập (lập theo mẫu trong SGK) để tính toán, phân tích, rút ra kết luận. Như vậy, học sinh không cần ghi số liệu thí nghiệm vào bảng trong SGK.


Việc xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức, nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức. (Ảnh minh họa)

Việc xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức, nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức. (Ảnh minh họa)

Đối với các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, đánh dấu, học sinh phải ghi vào vở phương án trả lời (dự kiến), kèm theo lời giải thích để trình bày, thảo luận trên lớp, không ghi trực tiếp vào SGK.

Vì SGK được sử dụng đang trong quá trình học sinh học tập để thu nhận kiến thức mới nên các bài tập được đưa ra với vai trò là "tình huống" để học sinh "dự đoán". Dự đoán này của học sinh chưa chắc chắn đúng, thậm chí phần nhiều là chưa đúng, học sinh trong lớp có nhiều phương án lựa chọn khác nhau (nếu như "tình huống" hay) để tạo "mâu thuẫn nhận thức" trong quá trình dạy học.

“Vì lí do đó nên trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập đó làm "tình huống học tập" để hướng dẫn học sinh ghi vào vở "dự kiến phương án trả lời và giải thích lí do lựa chọn" để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng.

Như vậy mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà SGK hướng tới. Nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là "đúng hay sai" thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao, hạn chế trong việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, để quán triệt việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hạn chế viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.

Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. (Ảnh: Mỹ Hà).
Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. (Ảnh: Mỹ Hà).

Giáo viên không được ép học sinh mua sách tham khảo

Bộ GD&ĐT cho hay hiện nay, nhiều NXB tham gia sản xuất sách tham khảo như NXB Giáo dục Việt Nam (có nhiều công ty trực thuộc), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM… Vì vậy, mỗi môn học có rất nhiều sách tham khảo theo từng khối, lớp và cách thức tiếp thị, phát hành cũng đa dạng.

Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non. Thông tư quy định giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, khác với khẳng định này của Bộ GD&ĐT, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 1/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thực tế, nhiều trường, bằng cách này hay cách khác, đã ép học sinh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm