Bộ GD-ĐT đề nghị công an phối hợp xác minh đường dây “chạy điểm vào đại học”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có công văn gửi Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) Bộ Công an đề nghị phối hợp xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến đường dây chạy điểm vào đại học chính quy năm 2014.

Nội dung công văn mà Thứ trưởng Ga ký nêu rõ:
 
Nội dung công văn mà Thứ trưởng Ga ký nêu rõ: Ngày 23/9 trên trang Giáo dục của báo Thanh niên Online có đăng bài “Chạy điểm vào ĐH” phản ánh về “một đường dây chạy điểm vào các trường đại học...”

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) Bộ Công an phối hợp xác minh, xem xét xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Cùng với công văn này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng gửi công văn đề nghị báo Thanh niên cung cấp những thông tin và bằng chứng liên quan đến bài báo nêu để việc xác minh xử lý được nhanh chóng, chính xác.

Nội dung bài báo “Chạy điểm vào đại học” báo Thanh niên nêu xuất phát từ một tờ rơi thông báo tuyển sinh được ghi là của Viện Phát triển công nghệ và giáo dục, Viện này phối hợp với một số trường ĐH, CĐ mở các lớp đào tạo chính quy. Chỉ cần thí sinh dự thi ĐH bất  kỳ trường nào đạt từ 13 điểm trở lên nộp hồ sơ về trụ sở của Viện sẽ được xét tuyển vào hệ ĐH của rất nhiều trường. Thông báo cũng nêu rõ những trường hợp được xét tuyển sẽ học hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn là hệ chính quy, chỉ cần đóng học phí cao hơn khoảng 200.000 đồng/tháng.

Trong điều tra, bài báo phát hiện, xuất phát từ đường dây “chạy” điểm này vào các trường ĐH có giá từ vài chục triệu đồng lên đến hàng chục ngàn USD.

Bài báo cũng nhận định việc "chạy điểm" xuất phát từ việc một số đối tượng lợi dụng chủ trương của Bộ GD-ĐT cho phép một số trường đào tạo nhân lực cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của vùng, dựa trên nhu cầu của từng địa phương…

Được biết, trong công văn số 6521/BGD ĐT- GD ĐH ngày 20/3/2013 của Bộ GD-ĐT về đào tạo nhân lực cho các tỉnh/thành thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bộ GD-ĐT phê duyệt cho khoảng 20 trường đại học được tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho các khu vực trên. Tại khu vực phía Bắc có các trường như ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Thủy lợi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Xây dựng, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Thương mại và các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn các tỉnh/thành thuộc khư vực - Tây Bắc.

Khu vực Tây Nam Bộ là các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn các tỉnh/thành thuộc khu vực Tây Nam Bộ; ĐH Quốc gia TP.HCM, trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, Học viện Hành chính, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Văn hóa TP.HCM, trường ĐH Tài chính - Maketting.

Khu vực Tây Nguyên là các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn các tỉnh/thành thuộc khu vực Tây Nguyên là ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, Học viện Hành chính, trường ĐH Tài chính - Maketting, Học viện Nông nghiệp, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Kinh tế TPHCM.

Từ công văn này, Bộ GD-ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực cho các tỉnh/thành thuộc 3 khu vực trên được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh tối đa là 5% tổng chỉ tiêu chính quy của cơ sở đào tạo đã xác định theo quy định hiện hành, trong đó, mỗi ngành không quá 10% chỉ tiêu xác định theo từng ngành đào tạo. 

Điểm xét tuyển đối với các ngành được thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không thấp hơn điểm sàn. Thông tin được xét tuyển công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và cơ sở giáo dục đại học.

Hồng Hạnh