Bỏ điểm thưởng để bỏ mua bán điểm...

Sau lá thư của một nữ sinh gửi lãnh đạo Bộ GD- ĐT, dù vẫn còn ý kiến khác nhau về chế độ điểm thưởng, song khá nhiều chuyên gia, thầy cô giáo và chính các em học trò cho rằng: Đã đến lúc nên mạnh dạn bãi bỏ quy định rất dễ dẫn tới tiêu cực, chạy chọt, mua bán này.

Từ khi thực hiện thi "3 chung" đến nay, năm nào vấn đề bỏ điểm thưởng đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi cũng được đưa ra bàn thảo, và... bỏ lửng. Ông Ngô Kim Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học, Bộ GDĐT, cho biết:

 

- Quy định điểm thưởng có từ năm 1994 tạo động lực cho người học - học sinh có động cơ vươn lên trong quá trình học phổ thông; gắn GD phổ thông với GDĐH - những em có năng lực, có trình độ, có kết quả học tập cao sẽ vào ĐH; tránh được việc học tủ, học lệch - muốn được thưởng điểm phải phấn đấu đều để đạt được kết quả học tập cao, nếu không học sinh sẽ chỉ đi ôn luyện 3 môn thi ĐH, sẽ dẫn đến học tủ, học lệch. Có thể nói, đây là những mục tiêu tốt. Từ khi thực hiện đến nay đã có nhiều em có năng lực thật sự được cộng điểm và trúng tuyển vào ĐH.

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã phát sinh ra một số vấn đề cần suy nghĩ có nên tiếp tục thực hiện quy định này hay không. Quan điểm của những người ủng hộ phương án bỏ việc cộng điểm thưởng vì các lý do: Phải đảm bảo tính công bằng trong công tác thi tuyển sinh.

 

Đã dự thi là như nhau, không thể để một số thí sinh chưa thi đã có điểm. Và nếu học giỏi thật sự thì với đề thi bám sát chương trình và SGK như hiện nay, học sinh giỏi đương nhiên sẽ làm được và có kết quả thi cao. Hơn nữa, bỏ điểm thưởng còn để tránh bệnh thành tích trong GD, không phải vì 2 điểm thưởng mà phải làm việc nọ việc kia.

 

Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005, có 30.335 thí sinh được cộng điểm thưởng, trong đó:

- 106 thí sinh được cộng 0,5 điểm

- 5.736 thí sinh được cộng 1 điểm

- 14.068 thí sinh được cộng 1,5 điểm

- 10.425 thí sinh được cộng 2 điểm

 

Nguồn: Bộ GDĐT

Việc bỏ điểm thưởng đã được đưa ra bàn thảo từ 3 năm nay. Tại sao đến nay vẫn chưa quyết định dứt khoát được, thưa ông?

 

Việc bỏ điểm thưởng đã được đưa ra lấy ý kiến nhiều lần, tuy nhiên vẫn chưa tìm được sự đồng thuận của đa số. Đặc biệt là các sở GDĐT không đồng ý. Đến 17.10, tại hội nghị giao ban giám đốc sở, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra lấy ý kiến.

 

Được biết trong những lần lấy ý kiến trước đây, đa số lãnh đạo các trường ĐH đồng ý với việc bỏ điểm thưởng, còn lãnh đạo sở lại không. Ông có thể giải thích lý do?

  

Theo tôi, có lẽ do các sở là nơi trực tiếp quản lý nên muốn bảo vệ quyền lợi của học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể quan điểm của các sở đã có thay đổi.

 

Có thể chỉ vài chục, thậm chí là vài trăm cá nhân tiêu cực, chạy điểm mà bãi bỏ cả một quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thật sự xứng đáng được thưởng vì đã học tập tốt?

 

Nếu các em thực sự giỏi với cách ra đề hiện nay hoàn toàn không khó khăn để có một kết quả thi tốt. Mục tiêu của điểm thưởng đặt ra từ những năm 90. Bây giờ đã là năm 2005, mọi việc đã thay đổi. Quyền lợi do mình đặt ra nên có thể bỏ đi nếu thấy không còn phù hợp. Và nếu đã trở thành đặc quyền đặc lợi là không tốt, nên bỏ đi để loại trừ tiêu cực.

 

Trong thi cử thường có yếu tố may rủi. Học sinh giỏi khi làm bài thi tuyển sinh ĐH vẫn có thể sơ sẩy phải "cầu viện" đến điểm thưởng.

 

Nếu học giỏi sẽ tìm được chỗ ngồi xứng đáng trên giảng đường ĐH. Vấn đề là có giỏi thực hay không. Theo tôi, việc bỏ quy định thưởng điểm cũng tạo động cơ phấn đấu cho các em giỏi thực sự, các em không phải lo lắng là mình sẽ bị cạnh tranh bởi những người giỏi "ảo".

 

Bỏ điểm thưởng liệu đã đảm bảo được công bằng trong thi cử, thưa ông?

 

Sẽ có hai thay đổi trong thời gian tới: Bỏ điểm thưởng để bỏ mua bán điểm, và thi trắc nghiệm. Bằng những biện pháp này và việc siết chặt kỷ luật thi cử cũng như thực hiện tốt công tác chấm thi, hậu kiểm... các kết quả thi ở phổ thông và đại học sẽ đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng, ngăn ngừa tiêu cực.

 

Theo Lê Hạnh

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm